Chiều 16/1, cả thế giới nín thở chờ đợi kết quả phiên điều trần thứ hai về "hồ sơ miễn trừ y tế" của Novak Djokovic. Nhưng không có bất ngờ nào xảy ra, Thẩm phán James Allsop, thay mặt cho 2 thẩm phán còn lại, tuyên bố giữ nguyên quyết định hủy visa của Djokovic. Những nỗ lực xin thêm thời gian kháng cáo từ đội ngũ luật sư của tay vợt số 1 thế giới không thành khi Thẩm phán Allsop giữ quan điểm, bất kỳ yêu cầu nào từ vụ việc này đều không còn cần thiết.
Phiên tòa khép lại lúc 18h (giờ địa phương) và không còn cơ hội kháng cáo cho Djokovic bởi kết luận được đồng thuận từ phía cả 3 thẩm phán. Văn bản đầy đủ của vụ hủy visa sẽ được công bố vào đầu tuần tới.
Thua kiện, Djokovic sẽ phải chịu toàn bộ chi phí phiên tòa. Ngôi sao người Serbia nhiều khả năng sẽ đáp chuyến bay sớm nhất rời Australia vào ngay tối 16/1, một ngày trước khi Grand Slam đầu tiên trong năm chính thức khai màn. Tuy nhiên, chưa rõ liệu Nole có phải chịu hình phạt cấm nhập cảnh vào Australia trong vòng 3 năm hay không.
Do Djokovic không còn cơ hội bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Australian Open, tay vợt hạng 150 thế giới Salvatore Caruso sẽ được thế chỗ. Vị trí phân nhánh của Nole cũng nhường lại cho hạt giống số 5 Andrey Rublev.
Djokovic rời khách sạn Park - nơi thường dùng để quản thúc người nhập cư trái phép - sáng sớm 16/1 để có mặt ở văn phòng luật sư, theo dõi phiên điều trần thứ hai (Ảnh: Getty)
Trong phiên điều trần thứ hai, luật sư của cả hai phía chủ yếu tranh luận về các chứng cứ xoay quanh phán quyết "hủy visa" của Bộ trưởng Di trú Alex Hawke. Phía luật sư của Djokovic cho rằng ông Hawke đã dựa trên báo cáo của BBC và một vài hãng truyền thông để đưa ra quyết định có phần cảm tính.
Ở phía đối diện, Luật sư Stephen Lloyd đại diện cho Chính phủ Australia khẳng định có đủ bằng chứng để kết luận Djokovic đe dọa "kỷ cương và trật tự cộng đồng". Tay vợt số 1 thế giới chưa tiêm vaccine và vẫn tham gia một số sự kiện dù đang nhiễm Covid-19.
Trước đó, cuối giờ chiều ngày 14/1, Bộ trưởng Di trú Alex Hawke quyết định dùng quyền lực cá nhân để hủy bỏ visa của ngôi sao người Serbia, theo mục 133C (3) của Đạo luật Di trú Australia. Lý do được ông Hawke đưa ra là bởi "tính kỷ cương và lợi ích sức khỏe cộng đồng". Nếu chấp nhận không hủy visa và để một tay vợt chưa tiêm vaccine như Djokovic tham dự Australian Open, điều đó sẽ đi ngược lại quy định khắt khe về nhập cảnh mà Chính phủ Australia đã ban hành.
Diễn biến chính vụ Djokovic bị hủy visa và nhận lệnh trục xuất khỏi Australia:
- 23h30 ngày 5/1: Sau chuyến bay kéo dài 25 tiếng từ Dubai, Djokovic và ban huấn luyện có mặt ở sân bay Melbourne lúc 23h30 ngày 5/1 (giờ địa phương)
- 0h21 - 0h52: Trong lúc làm thủ tục nhập cảnh, Djokovic bị Lực lượng Biên phòng Australia (ABF) chặn lại để thẩm vấn về hồ sơ miễn trừ y tế
- 3h55: ABF thông báo quyết định sẽ hủy visa của Djokovic
- 4h11: ABF cho Djokovic 20 phút để giải thích và cung cấp thêm chứng cứ miễn trừ y tế. Nole yêu cầu ABF chờ đến 8h, để anh có thể liên hệ với phía Liên đoàn quần vợt Australia (Tennis Australia)
- 5h20: ABF chấp thuận yêu cầu của Djokovic và bố trí một chiếc giường để tay vợt số 1 thế giới nghỉ ngơi
- 6h: ABF đánh thức Djokovic và yêu cầu ngôi sao người Serbia sớm đưa ra quyết định
- 6h14: Cuộc thẩm vấn bị tạm dừng
- 7h29: ABF quyết định hủy visa của Djokovic
- 7h42: Djokovic được thông báo bị hủy visa và nhận lệnh trục xuất khỏi Australia. Tay vợt số 1 thế giới được đưa đến cách ly tại khách sạn Park, đường Carlton, Melbourne để chờ phiên điều trần vào 10/1
- 10/1: Thẩm phán Anthony Kelly tuyên bố Djokovic thắng kiện, nhưng tay vợt số 1 thế giới chưa thực sự "an toàn" khi Bộ trưởng Di trú Australia, Alex Hawke, vẫn đủ khả năng dùng quyền lực cá nhân để hủy visa của Nole
- 14/1: Sau vài ngày trì hoãn đưa ra phán quyết, Bộ trưởng Di trú Alex Hawke quyết định hủy visa của Djokovic. Tay vợt số 1 thế giới ủy quyền cho đội ngũ luật sư kháng cáo lần thứ 2.
- 16/1: Djokovic thua kiện trong phiên điều trần thứ hai và sẽ bị trục xuất khỏi Australia, mất cơ hội bảo vệ danh hiệu Australian Open.
Bạn nên quan tâm