Tuyển thủ chuyên nghiệp dành gần như thời gian bên máy tính hoặc điện thoại. Ngoài thời gian luyện tập và thi đấu, hầu hết các VĐV chuyên nghiệp lựa chọn việc... chơi một trận đấu xếp hạng hoặc một tựa game khác để giải trí. Chung quy, thời gian họ rời khỏi nhà là rất ít.
Câu hỏi đặt ra rằng một người "chơi điện tử" gần như cả ngày như thế kiếm tiền như thế nào hẳn đang được rất nhiều người quan tâm. Để trả lời, chúng ta cần một cái nhìn chuyên sâu, rắc rối hơn tưởng tượng ban đầu rất nhiều.
Trước tiên, có một sự thật không thể chối cãi rằng hợp đồng tuyển thủ ký kết với đội tuyển là một trong những "bí mật" lớn nhất thế giới. Nó cũng giống như hợp đồng của một cầu thủ bóng đá, được giữ kín nhưng thi thoảng cộng đồng vẫn biết được một vài số liệu hay ho do người trong cuộc tiết lộ.
Nhưng theo tìm hiểu, chúng ta có thể hiểu được nội dung trong một bản hợp đồng Esports giữa tuyển thủ và đội tuyển bao gồm 3 phần chính sau: Phần nhiệm vụ của tuyển thủ, phần quyền lợi tuyển thủ được hưởng và phần các điều khoản ký kết đôi bên.
Trong đó, phần "quyền lợi" của tuyển thủ nghiễm nhiên sẽ được số đông chú ý nhiều nhất, bắt đầu từ số tiền lương một tuyển thủ được nhận hàng tháng khi gia nhập một tổ chức Esports.
Số tiền này thay đổi tùy thuộc theo khả năng chơi và độ nổi tiếng của tuyển thủ. Ví dụ như trường hợp của EasyLove, một ngôi sao không được đánh giá quá cao "chỉ nhận được khoảng 5 triệu VNĐ/tháng", trong khi những Levi, Kiaya có thể nhận gấp đôi, gấp 3 hoặc thậm chí gấp 5, 10 lần con số này.
Tiền lương trong hợp đồng là một giá trị cố định. Tuyển thủ sẽ nhận được toàn bộ số tiền lương nếu hoàn thành đầy đủ những điều khoản mà đôi bên đặt ra. Tất nhiên không phải điều khoản trong bản hợp đồng nào cũng giống nhau. Đôi khi chưa chắc một tuyển thủ có thể nhận đầy đủ khoản lương cứng này vì vi phạm một số điều lệ, ví dụ như không có mặt đúng giờ ở gaming house, không thi đấu đủ số trận, v.v....
Và đương nhiên nếu các tuyển thủ đạt được độ thăng tiến về kỹ năng chơi và tầm ảnh hưởng trong cộng đồng, họ hoàn toàn có thể yêu cầu tổ chức Esports cải thiện mức lương cứng này.
Lại quay về trường hợp của EasyLove, nếu số lương 5 triệu VNĐ/tháng là thật thì làm tuyển thủ thật khó sống, khác với tưởng tượng của nhiều người rất nhiều. Nhưng có một sự thật không phải ai cũng biết, là ngoài lương cứng tuyển thủ còn nhận được rất nhiều khoản khác nữa.
Trước tiên phải kể đến tiền thưởng giải đấu. Trên thế giới hiện tại, sân chơi lớn nhất phải kể đến The International của Dota 2 với 40 triệu USD tiền thưởng, theo tỷ giá hiện tại rơi vào khoảng 922 tỉ VNĐ. Số tiền này sẽ được chia cho các đội tham dự giải theo cấp bậc họ đạt được chung cuộc.
Năm 2019, đội tuyển OG nhận 45,5% trên tổng số gần 35 triệu USD tiền thưởng sau khi lên ngôi vô địch, rơi vào khoảng 15 triệu USD. Không ai có thể biết được tổ chức OG chia khoản tiền thưởng khổng lồ này như thế nào sau đó ngoài người trong cuộc. Chúng ta chỉ có thể hiểu rằng cả 5 thành viên của họ đã trở thành những triệu phú trong giới Esports.
Ở cấp độ nhỏ hơn, tại VCS số tiền thưởng tính theo đơn vị trăm triệu VNĐ. Nhưng dù nhỏ đến đâu, các tuyển thủ vẫn sẽ được nhận một khoản trong đó, tùy thuộc điều khoản trong hợp đồng họ ký với đội tuyển chủ quản.
Tiếp theo, tuyển thủ có thể kiếm được tiền từ những hợp đồng quảng cáo với các bên thứ 3.
Đầu năm 2021 vừa rồi, T1, đội tuyển LMHT số một Hàn Quốc đã bị fan chỉ trích thậm tệ vì để các tuyển thủ đi đóng quảng cáo kiếm tiền quá nhiều. Từ Faker cho đến Cuzz, dàn sao T1 xuất hiện liên tục trong TVC của LMHT: Tốc Chiến, đi quảng cáo dao cạo râu, quảng cáo xe hơi, máy tính,...
Lý do đội tuyển T1 bất chấp làn sóng phản đối của cộng đồng làm vậy rất đơn giản: Số tiền kiếm được từ những hợp đồng quảng cáo rất béo bở. Nhiều khi, con số này còn lớn hơn rất nhiều tiền thưởng của giải đấu. Một phần số tiền tổ chức nhận từ nhãn hàng sẽ được chia cho tuyển thủ theo tỉ lệ đã thống nhất trong hợp đồng.
Như trường hợp của GAM Esports, đội tuyển có nhiều tài trợ nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại, mọi thứ cũng diễn ra tương tự. Vì thế nghiễm nhiên ngoài tiền lương và tiền thưởng giải đấu, EasyLove sẽ nhận về một khoản từ quảng cáo nữa.
Một số ngôi sao cũng được đội tuyển chủ quản cho phép nhận hợp đồng quảng cáo tự do bên ngoài. Ví dụ hình Levi xuất hiện trên pad chuột của shop nào đó thì anh sẽ nhận về một khoản tiền nếu bán được hàng chứ không phải thông qua GAM nữa. Tất nhiên không phải ai cũng được phép làm như vậy.
Chung quy, một tuyển thủ Esports chuyên nghiệp có thể kiếm kế sinh nhai từ rất nhiều nguồn chứ không chỉ tiền lương. Ngoài 3 con đường chính ngạch trên, họ cũng có thể stream, nhận ủng hộ trực tiếp từ người hâm mộ.
Bạn nên quan tâm