Ông Vince McMahon, chủ tịch của đế chế đô vật WWE, công ty được định giá lên đến 5.71 tỉ USD đã từng trả lời phỏng vấn như sau: "WWE không phải là công ty đô vật. WWE là một công ty giải trí."
Trong những năm 2000 sau đó, phía UFC cũng từng thừa nhận rằng họ đã học theo mô hình của WWE để phát triển UFC trở thành một công ty giải trí thay vì là một giải đấu MMA đúng nghĩa.
Đầu tiên, xin đừng hiểu lầm rằng tính giải trí là sự chửi bới, thóa mạ của các võ sĩ tham gia thi đấu, hay drama giữa các đô vật. Đó là một phần của sự giải trí, chứ không phải là thứ định hình lên sự giải trí.
Sự giải trí là khán giả phải biết họ trông chờ điều gì, nhưng sẽ không biết nó xảy đến như thế nào. Tóm gọn là như vậy.
Chẳng hạn như khi xem chương trình Discovery, bạn biết rằng bạn sẽ trông chờ được xem thế giới động vật, hay những thứ tương đương như thế. Nhưng bạn không biết được rằng hôm đấy sẽ phát sóng về loài gì, hay tập phim ấy nói về vấn đề gì mà bạn không biết.
Đây là một thủ thuật thường xuyên được các nhà làm phim truyền hình của Mỹ tận dụng triệt để. Chẳng hạn như với series House of Cards, bạn biết chắc rằng đây sẽ là một bộ phim nặng về chính trường và thủ đoạn, nhưng bạn không hề biết mỗi tập phim sẽ có một vấn đề gì. Hay như các series phim hài, chẳng hạn như Friends, bạn biết chắc chắn rằng sẽ có điều gì đó thú vị giữa nhóm bạn này, nhưng bạn không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Hay như Tik Tok và Facebook, 2 nền tảng giải trí khổng lồ của thế giới đã đánh bật mọi tờ báo, kênh truyền hình đương thời chỉ bởi vì nó thỏa các yếu tố sau:
- Khán giả biết rằng sẽ luôn có một thứ gì đó mới mẻ trên Tik Tok và trên Facebook
- Khán giả không biết rằng thứ mới mẻ ấy sẽ là gì.
- Quan trọng nhất là thứ mà Facebook và Tik Tok là số lượng nội dung mới mà nó sản xuất. Chẳng nơi nào có thể đọ được về sản lượng nội dung với Facebook hay Tik Tok cả.
Đa phần mọi người lầm tưởng rằng tính chuyên môn chính là trình độ của người tham gia thi đấu hoặc thực hiện chương trình. Thực tế không phải, tính chuyên môn là sự lặp lại có quy chuẩn, quy trình rõ ràng. Trình độ của các bên tham gia là một phần tạo nên tính chuyên môn, nhưng bản thân nó không bao hàm được tính chuyên môn.
Chẳng hạn như các chương trình giáo dục cho trẻ em, trình độ chuyên môn được hướng đến của các chương trình này rất thấp. Nhưng tính chuyên môn của nó nằm ở sự quy củ trong quá trình tổ chức, xây dựng một chuỗi tập phát sóng, chuỗi sự kiện… theo từng mốc thời gian cụ thể.
Nói cách khác, tính chuyên môn là đảm bảo mọi thứ phải có tần suất, quy trình, tiêu chuẩn rõ ràng. World Cup là giải có tính chuyên môn cao, được tổ chức trong một khoảng thời gian đều đặn mỗi 4 năm. Trước mỗi kỳ World Cup là hàng loạt các kỳ tuyển chọn đội tuyển thi đấu World Cup… Để khán giả biết được rằng họ có thể theo dõi ai, đội nào, ở đâu, vào lúc nào…
Tưởng tượng nếu như World Cup mà hứng thì tổ chức 1 năm 1 lần, có khi thì 1 năm đá 3 lần, có khi thì cả 5-6 năm không thấy đâu… Thì World Cup sẽ chẳng thể nổi tiếng được như bây giờ, kể cả khi nó mang quy mô có lớn hơn nữa, ngôi sao có nhiều hơn nữa.
Tính chuyên môn của World Cup phải đồng nhất, có tiêu chuẩn nhất định, khi đó, yếu tố giải trí mới được phát triển tốt hơn chẳng hạn như: Nội dung bên lề, dịch vụ quảng cáo, quảng bá, dịch vụ ăn uống trên sân vận động, cá cược...
Vậy thì điều này liên quan gì đến các sự kiện võ thuật?
Trong một sự kiện võ thuật, tính giải trí tôi lại chia làm 2 nhóm chính là sự giải trí trong sự kiện và sự giải trí nằm ngoài sự kiện.
Sự giải trí trong sự kiện đến từ những thứ mà ai cũng có thể cảm nhận được như là đèn, nhạc, khách mời, sự cống hiến của các võ sĩ… Nhưng điều đó chỉ phục vụ duy nhất các khán giả đang thưởng thức trực tiếp sự kiện ấy mà thôi. Còn để quảng bá tính giải trí ra rộng hơn, ấy thế là còn chưa đủ.
Muốn tạo ra sự giải trí bên ngoài sự kiện, ta phải thỏa 2 điều sau:
- Phải giúp khán giả biết họ đang trông chờ điều gì: Cúp vô địch, đai vô địch, tiền thưởng, phần thưởng…
- Khán giả không biết thứ họ trông chờ sẽ xảy đến như thế nào: Không biết ai sẽ giữ đai, không biết ai sẽ lật đổ ai…
Các giải đấu cấp quốc gia không tạo được sức hút bởi vì khán giả không biết phải trông chờ điều gì: Không phân biệt được cúp và huy chương vô địch, không biết ngày đấu, giờ đấu…
Các giải đấu cấp quốc gia cũng không đem đến sự giải trí cho khán giả bởi lẽ: Chưa đấu đã biết ai thắng, hạng cân nào, ai thắng, ai giành vàng… phải đến 70% kết quả đều đã được giới chuyên môn nắm rõ như lòng bàn tay. Đó là còn chưa tính đến các vấn đề cơ cấu khác.
Về ngành võ tư nhân, tính giải trí chỉ được chú trọng phát triển trong sự kiện. Ngoài ra yếu tố giải trí trước và sau sự kiện cũng không được chú trọng. Bên cạnh đó, cái nhìn lệch lạc về tính giải trí cũng gây ảnh hưởng khá nhiều đến ngành võ.
Tính chuyên môn trong ngành võ thuật được thể hiện qua các yếu tố về branding, marketing mà các sự kiện hay chuỗi sự kiện hướng đến.
Nhìn chung, các sự kiện võ thuật ở Việt Nam thiếu tính thương hiệu, do đó, các giải đấu đa phần đều có quy mô, hình thức tổ chức gần tương tự nhau. Thứ khác nhau duy nhất là võ sĩ thi đấu.
Và vì như thế, các sự kiện mọc lên như nấm mọc sau mưa, nhưng cuối cùng vẫn bị rơi vào cuộc đua phải sở hữu chức vô địch, huy chương vô địch ... hay một phần thưởng nào khác từ bên ngoài chứ không phải là nội tại của sự kiện, giải đấu đó.
Xin đừng hiểu lầm sự vay mượn này là xấu xa. Vay mượn những giá trị bên ngoài là điều hoàn toàn cần thiết tùy vào hoàn cảnh. Nhưng để lệ thuộc vào các giá trị bên ngoài nội tại của giải đấu lại là điều không nên.
Và cũng vì như thế, giải đấu dù có sở hữu võ sĩ giỏi đến đâu, nổi tiếng thế nào, vẫn chưa thể thật sự tạo ra doanh thu ổn định. Qua đó, các võ sĩ dù xuất sắc thế nào, cống hiến ra sao, cuối cùng họ vẫn chẳng thể kiếm sống bằng nghề thi đấu võ thuần túy, mà vẫn phải đi dạy võ thêm, đi kinh doanh thêm ở các mảng khác.
Vậy giải quyết vấn đề này làm sao đây? Chỉ cần xác định rõ được bạn đang nhắm đến phát triển yếu tố giải trí hay yếu tố chuyên môn của vấn đề mà thôi.
Bạn nên quan tâm