Nghệ Thuật Đối Kháng: Vì sao bạn tập tạ mãi mà đấm vẫn không nặng?

Khôi Nguyên , 21:17 07/10/2021 | Võ thuật

Chia sẻ

Tập tạ hay không tập tạ? Vì sao đẩy ngực hàng chục kg mà đòn đấm vẫn không nặng hơn? Siêu sao võ thuật thế giới tập tạ như thế nào? Hãy cùng xem qua bài viết sau.

Có khá nhiều người luôn cho rằng đã tập võ thì không nên tập tạ, bởi tập tạ sẽ đánh bị chậm đi. Cũng có một vài người đã thử tập tạ, nhưng đòn đánh cũng không nặng hơn. Vậy phải chăng tập tạ là vô dụng trong võ thuật hiện đại?

Trước khi ta vội vàng kết luận điều gì, hãy nhớ rằng 100% các nhà vô địch võ thuật hiện tại trên thế giới đều có tập tạ. Từ những võ sĩ vai u thịt bắp như Anthony Joshua, Francis Ngannou, cho đến cả những võ sĩ nhỏ người như Vasyl Lomachenko hay Israel Adesanya. 

Nghệ Thuật Đối Kháng: Vì sao bạn tập tạ mãi mà đấm vẫn không nặng? - Ảnh 1.

Dù thi đấu thuần tốc độ và giữ cự ly, Israel Adesanya vẫn tập tạ

Không những vậy, những nhà vô địch ở mọi môn võ từ grappling đến striking cũng luôn bổ sung tạ trong giáo án tập luyện của họ. Từ Khabib Nurmagomedov cho đến Gordon Ryan hay Giorgio Petrosyan..., họ đều tập tạ.

Nghệ Thuật Đối Kháng: Vì sao bạn tập tạ mãi mà đấm vẫn không nặng? - Ảnh 2.

Khabib tập luyện với tạ

Nghệ Thuật Đối Kháng: Vì sao bạn tập tạ mãi mà đấm vẫn không nặng? - Ảnh 3.

Ngôi sao BJJ Gordon Ryan tập luyện với tạ

Vì thế, có thể nói rằng muốn chơi võ đỉnh cao, hãy tập tạ. Dù vậy, tại sao có nhiều người tập tạ mà vẫn không thể tiến bộ hay chí ít là cải thiện được lực đấm? Hãy cùng điểm qua những sai lầm sau trong việc tập tạ của dân chơi võ.

Lầm tưởng về cách hoạt động của kỹ thuật và cơ bắp

Điều khiến nhiều người tập tạ không hiệu quả là bởi vì họ hiểu sai cách cơ bắp hoạt động trong một kỹ thuật mà họ đang muốn cải thiện. Chẳng hạn như với một cú đấm thuần túy, rất nhiều người chọn bài tập đẩy tạ ngực, dù cho cơ ngực chỉ góp một phần rất rất nhỏ trong việc tạo ra một cú đấm đúng.

Nếu đào sâu vào kỹ thuật đấm thẳng, bạn sẽ nhận ra rằng lực lớn nhất của các cú đấm này đến từ lực xoay vai, xoay hông. Trong đó, động tác xoay vai là do các cơ liên sườn, cơ bụng xoắn vặn lại để tạo ra lực xoay ở phần vai phía trên. Động tác xoay hông lại là do cơ đùi phía trong và cơ đùi ngoài tạo ra.

Hoạt động của cơ core trong động tác xoay vai

Vận động của cơ bắp trong động tác xoay hông

Như vậy, muốn đấm khỏe, bạn phải tập tạ cho các nhóm cơ core (cơ lõi), và cơ đùi. Do đó mọi võ sĩ trên thế giới đều tập các bài phổ biến như deadlift (phối hợp toàn thân), squat (chân, mông, đùi),... để tối ưu hóa khả năng hoạt động của các nhóm cơ cần thiết.

Tương tự như vậy, lực của một cú đá là đến từ lực hông, các võ sĩ nhà nghề cũng tập thêm nhiều kỹ thuật tạ như hip thrust (đẩy hông), squat và các bài tập tự sáng tạo để tối ưu cho kỹ thuật úp hông khi vung đá.

Nghệ Thuật Đối Kháng: Vì sao bạn tập tạ mãi mà đấm vẫn không nặng? - Ảnh 6.

Tony Ferguson với bài tập hip thrust

Do đó, nếu bạn tập tạ quá nhiều, quá nặng mà vẫn không tiến bộ, có thể là bạn đã chọn sai bài để tập luyện. Đáng buồn là như thế.

Những vấn đề khác

Bên cạnh những hiểu lầm về kỹ thuật và cơ bắp, các VĐV còn gặp một vấn đề khác oái ăm hơn là bị "chai" với bài tập.

Cha ông ta có câu: "Cái gì quá cũng là không tốt", nghĩa là ngay cả "tốt quá" cũng là không tốt. Nhiều VĐV khi biết các bài tập tốt, họ đã lạm dụng nó, tập luyện bài tập đó liên tục. Điều này dẫn đến 2 trường hợp:

Nghệ Thuật Đối Kháng: Vì sao bạn tập tạ mãi mà đấm vẫn không nặng? - Ảnh 7.

Hãy nhớ rằng: "Cái gì quá cũng không tốt"

1. Nếu họ tập mãi mà rơi vào cảm giác "chai" không còn thấy mệt sau bài tập, nghĩa là cơ thể họ đã quen với bài tập đó và nó cần đổi mới. Có thể là bài tập ấy không đủ nặng để giúp họ trở nên tiến bộ hơn

2. Nếu họ tập mãi mà càng tập càng đau, càng chấn thương, nghĩa là cơ thể họ đang bị quá tải. Cơ bắp cần 48 giờ để hồi phục sau các buổi tập nặng. Vì thế nếu họ tập đi tập lại một nhóm cơ liên tục, cơ bắp không có thời gian để hồi phục sẽ dần rơi vào trạng thái tích lũy chấn thương để đến một ngày chúng "nổ".

Đó là chưa kể đến việc nếu tập đi tập lại một bài tập, cơ thể của bạn có thể rơi vào trạng thái bị lệch do các cơ bắp không sử dụng đồng đều. Dẫn đến giới hạn chuyển động, vận động của VĐV.

Kết

Việc tập tạ là cực kỳ cần thiết trong võ thuật đối kháng hiện đại. Nhưng việc tập luyện như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất lại là một câu chuyện khác cũng cần được quan tâm chú trọng.