Sở hữu 1 HCV cấp quốc gia Combat JiuJitsu, HCĐ giải cúp Jiu Jitsu, cùng với đó là hàng loạt những lần thượng đài ở sân chơi võ phủi từ MMA cho đến Kickboxing, Boxing… Phạm Văn Nam là một trong những cái tên đặc biệt của giới võ không chuyên Việt Nam.
Chia sẻ với chúng tôi, Phạm Văn Nam chia sẻ về chặng đường chơi võ của anh: "Hồi đó mình mê võ, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu cả, nên thấy có lò Võ Cổ Truyền thì mình cũng vào tập. Rồi sau đó, có người hướng cho mình chơi Silat. Đến khi mà Quảng Ninh có thành lập được hiệp hội Võ Cổ Truyền và bắt đầu có hệ thống giải nhiều hơn, thì mình mới bắt đầu đăng ký đi đấu võ".
"Khoảng thời gian mình vào TP.HCM năm 2014, việc mình làm đầu tiên là tìm kiếm phòng tập. Khi đó ở quận 8 có một lò dạy Võ Cổ Truyền ở nhà thiếu nhi, thế là mình đăng ký tập ở đó, do cũng có kinh nghiệm tập Cổ Truyền từ trước. Nhưng mà sau đó vì lớp đông, mình phải đứng lớp nhiều trong khi mình chỉ muốn tập để đấu, thế là mình lại tìm lớp tập khác. Đó là cơ duyên đưa mình đến lò tập Tinh Võ."
"Buổi đầu tiên ngay khi đến tập ở Tinh Võ thì cũng được thầy và các anh em cáp cho đấu thử Boxing kiểm tra trình độ. Ở trận đó mình bị đấm xì máu mũi. Dù vậy, mình vẫn cảm thấy vui và gắn bó tập luyện ở Tinh Võ một thời gian dài."
Vì yêu võ và cũng yêu việc thi đấu, Văn Nam dù không phải võ sĩ chuyên nghiệp nhưng vẫn duy trì theo chế độ sinh hoạt của VĐV. Khoảng thời gian ấy, Phạm Văn Nam vừa làm cơ khí, vừa tập võ, vừa duy trì cắt cân chuẩn bị cho thi đấu. Tuy nhiên, cái duyên với võ đài của Văn Nam vốn không trọn vẹn.
"Lúc đó mình đăng ký thi đấu Boxing giải toàn thành. Do phải vừa đi làm, vừa đi tập, lại còn phải cắt cân nên thể lực mình khá yếu. Nên lần đó sau khi đánh xong 3 hiệp là mình mệt quá, ra khỏi sàn là nôn luôn. Lần đấy mình thua cuộc."
"Ở một lần khác, khi đã có kinh nghiệm hơn, mình thi đấu lại giành chiến thắng sớm. Mình hào hứng rủ bố lên xem mình thi đấu ở trận sau. Tuy nhiên, đến ngày đấu tiếp theo, ban tổ chức lại sắp cặp cho mình đấu với một người đồng đội ở cùng hạng cân. Không lẽ đồng đội lại đấu nhau, thế nên mình chấp nhận bỏ cuộc. Ở ngày thi đấu đầu tiên, bố mình bận nên không đến xem con trai thi đấu. Ở ngày thi đấu tiếp theo, khi bố đã lên khán đài để cổ vũ rồi thì con trai ông lại phải bỏ cuộc."
Dù vậy, Nam vẫn giữ cho bản thân một cái nhìn lạc quan: "Thật ra thì nếu hỏi rằng đó có phải là kỷ niệm buồn của võ hay không thì mình chỉ cho rằng đó chỉ là những tiếc nuối do mình chưa có duyên được đánh giải trọn vẹn mà thôi. Còn hiện tại, nhờ chơi võ mà mình đã gặp được những người anh em tuyệt vời, cũng như được sống với đam mê của mình. Chơi võ khiến mình hạnh phúc."
Sinh năm 1992, nói gì thì nói, dẫu có yêu võ thuật đến chừng nào đi nữa, anh Nam cũng thẳng thắn thừa nhận rằng mình đã ở tuổi "già" để theo đuổi võ thuật.
"Mình sinh năm 1992, mình đi đấu phủi rất nhiều. Nhưng nói gì thì nói, ở độ tuổi này, mình cũng chỉ có thể chơi võ và tìm kiếm các cơ hội thi đấu thêm khoảng 3-4 năm nữa mà thôi. Do đó, mình cho rằng điều mình không thể làm đó chính là theo đuổi MMA một cách nghiêm túc nhất. Lúc mình còn trẻ, MMA chưa phát triển, thậm chí cả bản thân mình còn chẳng biết bộ môn BJJ là gì. Bây giờ khi mà MMA được hợp pháp hóa ở Việt Nam, các hệ thống bắt đầu cho phép thi đấu MMA, thì mình lại bước qua tuổi 30 - độ tuổi già của võ thuật rồi. Nên đây cũng là một điều tiếc nuối".
Vì từng thi đấu từ Bắc chí Nam, Văn Nam cho rằng thứ mà người chơi võ cần hơn đó chính là sân chơi và giải đấu cho những người không chuyên, chứ không phải là sự so đo hơn thua trong chính cộng đồng chơi võ:
"Mình luôn cho rằng mỗi người có một mục đích tập võ khác nhau. Nên điều mình luôn cảm thấy không nên làm là cậy võ đi chửi bới người này hay châm chọc người kia. Trong môn MMA cũng vậy. Ta không nên quan trọng là môn nào đánh thắng môn nào, bởi bản chất của MMA là tổng hợp của nhiều môn võ. Người chơi võ nên mong là làm sao để ngày càng có nhiều giải đấu, nhiều sân chơi MMA hơn để chúng ta có thể "chơi" võ được nhiều hơn, chất lượng hơn."
Thật vậy, hệ thống giải đấu, sân chơi giao lưu cho cộng đồng chơi võ ở Việt Nam hãy còn khá thấp. Trong khi đó, các giải đấu thuộc hệ thống cúp, vô địch, đại hội… lại không dành cho những VĐV tư nhân thi đấu.
Vì thế, những võ sĩ phủi như Văn Nam dù nỗ lực tập luyện không kém nhiều VĐV, anh vẫn thiếu một chút cơ hội để được sống hết mình với võ thuật.
Bạn nên quan tâm