Lòng vị tha kỳ lạ của nước Anh với "gã ngốc" Gareth Southgate

Tuấn Hoàng , 23:25 12/07/2021 | EURO 2020

Chia sẻ

HLV Gareth Southgate liên tiếp phạm phải những sai lầm không thể tha thứ và gián tiếp khiến tuyển Anh thua đau, nhưng có vẻ đất nước này đã sẵn sàng tha thứ cho ông.

Sự vị tha kỳ lạ của nước Anh với "gã khờ" Gareth Southgate - Ảnh 1.

Ám ảnh từ thất bại trong quá khứ có lẽ vẫn chưa ngừng đeo bám HLV Gareth Southgate

Một lần nữa, ám ảnh của HLV Gareth Southgate lại khiến nước Anh lỗi hẹn với những vinh quang đã lảng tránh họ suốt nửa thế kỷ. Thuyền trưởng "Tam sư" luôn tỏ ra cầu toàn khi có lợi thế trong tay và thất bại này là ví dụ tiêu biểu nhất về cách ông đã biến một tập thể đầy rẫy ngôi sao như tuyển Anh hóa thành "hổ giấy" như thế nào.

Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa

Mùa giải 2020/2021, trận chung kết Champions League là chuyện nội bộ của nước Anh với cuộc đọ sức giữa Man City và Chelsea. Trong 22 cầu thủ ra sân đá chính ở trận đấu cấp độ cao nhất của bóng đá châu Âu, người Anh sở hữu tới 7 cái tên, tương đương hơn 30%. Nói thế để thấy lực lượng tuyển Anh tới Euro 2020 toàn là những cái tên đang ở đỉnh cao phong độ.

Về chiến thuật cũng không phải là điểm yếu của nước Anh. Ở nơi mà hàng tuần đều được chứng kiến những "bộ não" kiệt xuất nhất thế giới như Marcelo Bielsa, Pep Guardiola, Thomas Tuchel hay Jurgen Klopp so kè với nhau, HLV của đội tuyển "Tam sư" chắc chắn là người đàn ông hạnh phúc nhất trong giới cầm quân.

Sự vị tha kỳ lạ của nước Anh với "gã khờ" Gareth Southgate - Ảnh 2.

Lực lượng tuyển Anh tới Euro 2020 toàn là những cái tên đang ở đỉnh cao phong độ

HLV Gareth Southgate cũng cố gắng sao chép những bậc kỳ tài chiến thuật ấy, nhưng tiếc thay tuyển Anh chỉ là một bản sao chép kém cỏi không hơn không kém. Những thắng lợi tại vòng knock-out chỉ là thứ phù phiếm nhất thời và rõ ràng Southgate vẫn chưa giải quyết triệt để các lỗ hổng trong cách tuyển Anh chơi bóng.

Thực tế, bài vở của HLV Gareth Southgate áp dụng cho tuyển Anh từ đầu giải đến giờ chỉ có một kịch bản quen thuộc: Dồn dập, hưng phấn được khoảng 20 phút đầu rồi để lộ ra bộ mặt thiếu ý tưởng và bài bản trong cách tổ chức tấn công.

Sự vị tha kỳ lạ của nước Anh với "gã khờ" Gareth Southgate - Ảnh 3.

Tuyển Anh tràn đầy tự tin ngay sau tiếng còi khai cuộc

Tuyển Anh bất ngờ làm được điều đó ngay sau tiếng còi khai cuộc. Những lời khen nhanh chóng xuất hiện tràn ngập trên MXH và từ các cabin bình luận, mọi người đều tấm tắc khen ngợi Gareth Southgate như kiểu một "thiên tài chiến thuật", người đầu tiên khiến Italy phải choáng đến như vậy.

Bộ mặt thật của Southgate

Nhưng rồi tấm mặt nạ ấy cũng nhanh chóng được tháo xuống. Từ kẻ nắm trong tay thiên cơ, Southgate bất ngờ khiến tuyển Anh "tự sát" dưới sự chứng kiến của toàn bộ NHM khi phản ứng bằng cách dồn toàn bộ đội hình về tử thủ ngay từ phút 40.

Đây cũng không phải lần đầu Southgate làm thế. Trong hầu hết những trận cầu sinh tử như trước Colombia, Croatia (World Cup 2018) hay Đức, Ukraine và Đan Mạch tại Euro 2020, điểm chung chính là việc Southgate có trong tay lợi thế dẫn bàn rồi chỉ đạo tuyển Anh nhường thế trận cho đối thủ.

"Tam sư" chẳng cần phải làm thế, trong bối cảnh hàng thủ tuyển Anh mới chỉ thủng lưới duy nhất một bàn từ chấm cố định tại Euro năm nay. Hay nói đúng hơn, nếu người đứng bên ngoài đường biên kia là Pep Guardiola hay Jurgen Klopp, Italy có lẽ đã không có bóng mà chơi thoải mái như vậy.

Lòng vị tha kỳ lạ của nước Anh với "gã ngốc" Gareth Southgate - Ảnh 4.

Sterling phải lùi về phòng ngự quá nhiều

Bạn kỳ vọng gì hơn ở một thế trận phản công mà phía trên sở hữu những ngòi nổ với sự đột biến khó lường như Mason Mount, Sterling, Kane hay kể cả là Shaw?. Đó chắc chắn là niềm mơ ước của mọi HLV trên thế giới, chỉ trừ người đàn ông có tên Gareth Southgate mà thôi.

Nói một cách thẳng thắn hơn, tâm thế của Southgate chỉ như "kẻ thách thức". Tư duy của Southgate thuộc về một HLV đẳng cấp trung bình. Mà một khi đã tự xem mình làm chiếu dưới, quyết định tử thủ là dễ hiểu. Nhưng "Tam sư" không phải đội bóng phải hạ mình làm điều đó, bởi họ có đủ lực để chơi theo kiểu bề trên. Khuyết điểm lớn nhất của Southgate vì thế cũng lộ ra, bởi không có tinh thần của một "hiệp sĩ" như cách người Anh vẫn luôn tự hào.

Hậu quả của việc "tự sát" đôi khi lại khôn lường vô cùng. Ở đẳng cấp của Croatia ba năm về trước, tuyển Anh cũng nhường bóng cho đối thủ chơi như vậy và họ thất bại trong cả cuộc chiến. Southgate có rất nhiều những bài học như thế, nhưng dường như ông vẫn chẳng thay đổi gì hay có thể nói, ông "sợ hãi" về việc bị đối thủ gỡ hòa.

Cặp trung vệ của Italy, với tuổi đời lên tới tổng cộng 70 tuổi (Bonucci 34 tuổi còn Chiellini là 36 tuổi), có hay đến mấy cũng sẽ xuất hiện những khuyết điểm tốc độ. Nếu Southgate dũng cảm hơn, với một tiền đạo có khả năng lùi sâu làm bóng kiến thiết, một cầu thủ di chuyển không bóng thuộc hàng hay nhất thế giới, lẽ ra người Anh đã có thể mang đến một trận đấu tưng bừng và kết thúc bằng niềm hân hoan tột cùng.

Sự vị tha kỳ lạ của nước Anh với "gã khờ" Gareth Southgate - Ảnh 5.

Sancho cùng Rashford được tung vào sân quá trễ

Southgate hiểu rõ sự nghiệt ngã trên chấm phạt đền, vậy tại sao ông lại chỉ đạo các cầu thủ trẻ tuổi đá cầm chừng và phân định thắng bại bằng sự may rủi? Với chừng đó hảo thủ tấn công, việc người Anh bị gỡ hòa và phải đá luân lưu đã là một thất bại không thể chối cãi.

Cuối cùng, quyết định của Southgate ở loạt sút cân não còn gây rối trí cho cả NHM và chính... tuyển Italy. Ai có thể ngờ, 2 lượt sút cuối cùng của tuyển Anh là những cái tên mặt búng ra sữa như Sancho (21 tuổi) và Saka (20 tuổi).

HLV Didier Deschamps từng phải nhận nhiều chỉ trích khi để một cầu thủ trẻ và vừa trải qua một trận đấu không như ý là Kylian Mbappe thực hiện quả phạt đền quyết định. Nhưng ít ra, ông có cái lý khi Mbappe đã vô địch World Cup và dày dặn kinh nghiệm thi đấu ở đẳng cấp rất cao.

Sự vị tha kỳ lạ của nước Anh với "gã khờ" Gareth Southgate - Ảnh 6.

Southgate chơi canh bạc mạo hiểm khi chọn Saka đá quả luân lưu áp lực nhất

Còn Southgate chọn Saka khi anh có gì? Quả 11 mét đầu tiên trong sự nghiệp ở cấp độ chuyên nghiệp, vừa trải qua mùa giải ra mắt Arsenal và giải đấu đầu tiên trong màu áo "Tam sư". Thuyền trưởng người Anh đi thẳng vào "vết xe đổ" của những Ruben Vargas, Mbappe và thậm chí ông còn mạo hiểm hơn khi đặt vận mệnh giải đấu trên đôi vai 19 tuổi của Bukayo Saka.

Lòng vị tha kỳ lạ của truyền thông Anh

Không cần phải bàn cãi về sự gay gắt của cánh báo chí và truyền thông tại xứ sở sương mù. Sau mỗi thất bại của "Tam sư" trong quá khứ là hàng loạt những phóng sự và bài viết phân tích kỹ đến từng chi tiết của những người liên quan. HLV của tuyển Anh cũng không ngoại lệ, với hàng loạt bài viết chỉ trích những Fabio Capello, Steve McClaren hay Sven-Goran Eriksson.

Ấy thế nhưng, chúng ta có gì sau thất bại của tuyển Anh ở trận chung kết Euro đầu tiên? "Tuyển Anh thất bại nặng nề nhưng Southgate và các cầu thủ của ông đã tỏa sáng trong mùa hè", tựa đề một bài bình luận của cây viết Barney Ronay tờ The Guardian.

Tờ The Times liên tiếp có hai bài viết khen ngợi Southgate

The Times liên tiếp có hai bài viết khen ngợi Southgate, với những dòng tít như "Giá trị của Gareth Southgate không nên bị đánh giá thấp - FA không thể để ông ra đi" hay "Nổi tiếng hơn cả Churchill, Gareth Southgate đặt cả thế giới dưới chân". Ngay cả đến một tạp chí vốn rất gay gắt khi tuyển Anh thất bại cũng giật dòng tiêu đề có phần nhẹ nhàng và thông cảm hơn như "Tam sư dũng cảm thua trận chung kết Euro 2020 sau loạt sút luân lưu nghiệt ngã".

Trên khắp các MXH và khi trả lời phỏng vấn, những cựu danh thủ Anh hầu hết đều ca ngợi không ca ngợi hoặc không nhắc đến Southgate. Thay vào đó, họ chỉ trích cầu thủ một cách rất vô lý và nghe khá là... ngây ngôi. Ví dụ như Roy Keane, cựu danh thủ MU, chỉ trích Sterling và Grealish không nhận đá 11 mét: "Sterling và Grealish không thể ngồi một chỗ mà nhìn một cậu nhóc bước lên thực hiện quả 11m. Cậu ấy không nên ngồi đó nhìn mọi việc xảy ra. Sterling và Grealish phải đứng lên và yêu cầu đá trước. Thật tệ là họ không làm điều đó".

HLV Jose Mourinho cũng chất vấn các cầu thủ tuyển Anh: "Trong tình huống đó, Raheem Sterling, John Stones, Luke Shaw đã ở đâu? Tại sao Jordan Henderson hoặc Kyle Walker lại bị thay ra nghỉ?".

Quyết định cho ai đá thuộc về HLV, thật kỳ lạ bởi những người tự nhận mình là chuyên gia lại đổ lỗi cho cầu thủ. Southgate thật may mắn vì ra quyết định ngớ ngẩn mà vẫn tránh được búa rìu dư luận. Chỉ thiệt các học trò của ông, đội nhà thua cuộc mà nằm yên vẫn dính đạn.

Sự vị tha kỳ lạ của nước Anh với "gã khờ" Gareth Southgate - Ảnh 8.

Hình ảnh này có thể không xuất hiện nếu Gareth Southgate tỉnh táo hơn trong quyết định chọn người đá luân lưu

Một lần hiếm hoi trong lịch sử, tuyển Anh thua cay đắng nhưng thuyền trưởng của họ lại được khen ngợi hết mực. Ai cũng tin vào tương lai tươi sáng cho tuyển Anh. "Thế hệ này còn tiến xa", một câu văn mẫu xuất hiện khắp mạng xã hội xứ sương mù. Đó mới chính là "thuốc độc" với nước Anh, bởi có vẻ họ đã hài lòng với thành tích vào đến bán kết World Cup và chung kết Euro. Sự chờ đợi và thất vọng kéo dài quá lâu có lẽ đã khiến nước Anh tự hạ thấp tiêu chuẩn của mình.

Một trong những điều đáng khen ngợi ở Gareth Southgate chính là việc ông đã truyền cho các học trò sự tự tin và không còn biết sợ áp lực từ thất bại. Trớ trêu thay, trên vũ đài lớn nhất sự nghiệp, Southgate lại để chính nỗi ám ảnh 25 năm trước nuốt chửng mình.

Người Anh có thể hài lòng về thành tích vào đến chung kết Euro lần đầu tiên, nhưng để vô địch, vị trí HLV Gareth Southgate chính là điểm yếu lớn nhất họ phải thay đổi. Nếu vẫn còn một người bảo thủ và cầu toàn như Southgate trên ghế huyến luyện, vinh quang sẽ là thứ "xa xỉ" mà nước Anh không bao giờ có thể tận hưởng.