Lời cảnh báo bị phớt lờ trước thảm kịch khiến 125 người chết tại Indonesia

Hồng Nam , 14:35 04/10/2022 | Tin thể thao khác

Chia sẻ

Việc cảnh sát sử dụng hơi cay có thể kích động bạo lực là vấn đề đã được cảnh báo, nhưng giới chức tại Indonesia lại phớt lờ.

Ngày 23/9/2018, Haringga Sirla, một CĐV của đội Persija Jakarta, đã làm điều mà hàng chục nghìn người Indonesia làm vào mỗi cuối tuần: anh đến sân theo dõi đội bóng yêu thích của mình thi đấu.

Tuy nhiên, ngay sau khi thực hiện hành trình dài 117 km về phía đông nam từ thủ đô Jakarta đến thành phố Bandung, Sirla đã bị một nhóm CĐV đối thủ hành hung đến chết bằng gạch đá và gậy gộc ngay tại sân vận động.

Ít nhất 16 nghi phạm đã bị bắt giữ liên quan đến vụ giết người, với bằng chứng là các cảnh quay trên điện thoại của những người chứng kiến.

Theo ông Edy Rahmayadi, Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Indonesia, Sirla là CĐV Indonesia thứ 95 thiệt mạng khi đi cổ vũ bóng đá kể từ năm 2005. Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) tạm ngừng giải đấu để phản đối bạo lực, song giới quan sát cho rằng vấn nạn bạo lực sẽ không bị triệt tiêu nếu cách điều hành trận đấu vẫn không có gì thay đổi.

Bóng đá là môn thể thao được hâm mộ cuồng nhiệt không khác một thứ "tôn giáo" tại Indonesia. Nhưng đây cũng là lò lửa bạo lực, giết chết hoặc làm bị thương hàng trăm người trong những năm qua.

Lời cảnh báo bị lãng quên

Theo Asia Times, nếu bạn muốn đến xem một trận bóng đá, hãy cẩn thận lựa chọn mang tên Indonesia. Đây là nơi nguy hiểm nhất ở châu Á để có thể làm điều này.

Cái chết của Haringga Sirla đã khiến truyền thông Indonesia rúng động. Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh: "Cần đảm bảo điều này sẽ không bao giờ lặp lại".

CLB Persib Bandung, đội bóng có những CĐV đã xảy ra vụ hành hung trên, phải chơi các trận sân nhà còn lại ở mùa giải 2018 trên hòn đảo xa xôi Borneo. Số CĐV đến sân xem Persib cũng giảm mạnh.

Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bạo lực ở Indonesia trở nên nghiêm trọng đến mức các cầu thủ xuất sắc nhất của một số CLB phải sử dụng xe bọc thép để đến sân thi đấu.

Lời cảnh báo bị phớt lờ trước thảm kịch khiến 125 người chết tại Indonesia - Ảnh 1.

Bóng đá được hâm mộ cuồng nhiệt tại Indonesia.

"Các biện pháp trừng phạt không đảm bảo bất cứ điều gì. Điểm quan trọng nhất là Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia, PSSI và các nhóm CĐV phải ngồi lại với nhau để tìm ra vấn đề", Tổng thống Widodo nói thêm.

Haringga Sirla đã bị giết bởi "người Viking" - nhóm CĐV quá khích của Persib với khoảng 100.000 thành viên. Những nhóm CĐV này, về bản chất tương tự như các nhóm côn đồ gây ra bạo lực tại các trận đấu ở Anh, có văn hóa ủng hộ cuồng tín với đội bóng của mình và thù hận các CLB đối nghịch.

Bạo lực leo thang ở Indonesia, đến mức những kẻ quá khích chỉ mượn danh bóng đá để tận hưởng cảm giác bạo lực.

"Đây không phải bóng đá. Đây là tội phạm", Dex Glenniza, một chuyên gia bóng đá Indonesia chia sẻ.

Theo thống kê của Save Our Soccer (SOS), từ khi PSSI bắt đầu hoạt động ở giai đoạn 1993-1994, ít nhất 54 trường hợp tử vong liên quan đến bóng đá đã xảy ra. "Mất mạng khi xem bóng đá, cái giá đó là quá đắt", Akmal Marhali, một điều phối viên của SOS cho biết.

Marhali nhấn mạnh sự cuồng tín trong hâm mộ thể thao đã kích hoạt trạng thái bạo lực trong nhiều CĐV quá khích. "Bóng đá tạo ra sự cuồng tín và cạnh tranh. Người hâm mộ Indonesia cũng chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa bóng đá châu Âu, nơi bản thân họ đang phải vật lộn với vấn nạn bạo lực từ trước đến nay", Marhali chia sẻ.

Theo The Guardian, bạo lực trong bóng đá Indonesia còn bắt nguồn từ những mâu thuẫn âm ỉ ở một bộ phận người dân trong lòng xã hội. Manggarai, một trong những thành trì của CĐV quá khích tại Indonesia, thực chất là một khu ổ chuột với mật độ dân cư và tỷ lệ thất nghiệp đều ở mức cao.

"Bạo loạn và ẩu đả xảy ra thường xuyên. Người trẻ ở đây thường xuyên xung đột và họ cũng mang thái độ này vào sân bóng", The Guardian đánh giá.

Lời cảnh báo bị phớt lờ trước thảm kịch khiến 125 người chết tại Indonesia - Ảnh 2.

Thảm họa tại sân Kanjuruhan.

"Chúng tôi không thể kiểm soát hành vi của tất cả CĐV cuồng tín, với xu hướng lan rộng khắp các vùng ngoại ô của Jakarta và xa hơn nữa", Cựu chủ tịch của Jakmania (một hội CĐV cuồng nhiệt của CLB Persija Jakarta), Richard Achmad Supriyanto nhấn mạnh.

Theo Herdian Lesmana, một CĐV lâu năm của Persija Jakarta, cảnh sát không thể kiểm soát những khán giả cuồng nhiệt trong sân. "Họ thường sử dụng dùi cui hoặc hơi cay để giải tán đám đông, nhưng chúng tôi là những người hâm mộ bóng đá, không phải khủng bố. Sử dụng hơi cay sẽ kích động bạo loạn", Lesmana khẳng định.

Lời cảnh báo của Lesmana đã trở thành sự thật. Thảm kịch Kanjuruhan với 125 người thiệt mạng được cho là bắt nguồn từ quyết định sử dụng hơi cay của cảnh sát, khiến hàng nghìn người hoảng loạn giẫm đạp lên nhau để rời sân vận động.

Giải pháp

Tại Indonesia, bóng đá có vị thế rất lớn. Điều này đã thu hút các chính trị gia hoặc những người có tham vọng chính trị tham gia điều hành các trận bóng đá.

Edy Rahmayadi, Chủ tịch PSSI từ năm 2016, sau đó được bầu làm Thống đốc Bắc Sumatra hồi tháng 9/2018. Nhiều năm qua, các chính trị gia đã nhúng tay nhiều hơn vào bóng đá ở Indonesia.

Theo Asia Times, do giải đấu không được điều hành bởi những nhà quản lý thực sự chuyên nghiệp và tận tâm, nên chủ nghĩa bạo lực đã leo thang với tốc độ rất nhanh.

"Bạo lực là vấn đề quen thuộc của bóng đá Indonesia, và nó bắt nguồn từ cách PSSI và cảnh sát điều hành các trận đấu", Fajar Junaedi, giáo sư tại Đại học Muhamadiyah Yogyakarta, người đã nghiên cứu về văn hóa cổ động viên ở nước này, cho biết.

"Người hâm mộ không tin tưởng vào PSSI, nhưng bạo lực chỉ là một trong nhiều vấn đề của bóng đá Indonesia như tham nhũng, công tác quản lý kém hiệu quả của các CLB và sự can thiệp của chính trị vào bóng đá".

Tham nhũng là ung nhọt của bóng đá Indonesia. Nurdin Halid, cựu chủ tịch PSSI, đã bị kết án hai lần về tội tham nhũng trong thập kỷ trước. Năm 2015, đội tuyển Indonesia bị cấm tham dự các trận đấu quốc tế do can thiệp chính trị vào bóng đá.

Công tác quản lý bóng đá của PSSI cũng không được đảm bảo. Theo Asia Times, Liên đoàn bóng đá Indonesia có xu hướng để các CLB quản lý CĐV. Những kẻ quá khích có thể mang bất cứ thiết bị nào vào sân.

Lời cảnh báo bị phớt lờ trước thảm kịch khiến 125 người chết tại Indonesia - Ảnh 3.

CĐV cần môi trường lành mạnh để theo dõi bóng đá.

"PSSI coi bạo lực là điều không thể tránh khỏi nên họ không làm gì cả. Họ đưa ra một số hình phạt không thực sự giải quyết được vấn đề. Chính họ cũng chẳng bao giờ xem mình là một phần của vấn đề", Gunter Said, một CĐV Persija Jakarta chia sẻ.

Vấn nạn bạo lực từng ám ảnh cả những nền bóng đá tiên tiến hàng đầu thế giới, trong đó có Anh. Chủ nghĩa côn đồ phát triển mạnh ở những hội nhóm CĐV tại Anh ở những thập kỷ 70, 80. Một loạt các thảm họa chết người xuất hiện tại Anh, đỉnh điểm là cái chết đau đớn của 96 cổ động viên Liverpool tại sân vận động Sheffield năm 1989, nơi được gọi là thảm họa Hillsborough.

Thảm kịch đó đã thúc đẩy các CLB Anh xây dựng những sân bóng hiện đại với số lượng ghế ngồi lớn hơn, nhiều cửa thoát hiểm cùng những vách ngăn giữa các khán đài, góp phần giảm thiểu bạo lực và chen lấn giữa các CĐV. Công tác an ninh cũng được đảm bảo chặt chẽ.

"Bạo lực không phải vấn đề của riêng Indonesia. Chúng tôi phải học hỏi từ các quốc gia khác, thay vì miễn cưỡng chấp nhận sự thật. Việc dừng giải đấu là đúng nếu nó mang lại những thay đổi, nhưng tôi không tin điều đó sẽ xảy ra", Gunter Said chia sẻ.

Chỉ có sự thay đổi toàn diện từ PSSI, giới chức Indonesia, lực lượng an ninh đến chính các CĐV, bạo lực mới thôi trở thành nỗi đau nhức nhối của bóng đá nước này.