Garena tạo ra nhiều nội dung hay, khuyến khích giới trẻ trải nghiệm LMHT. Sau khi có được một cộng đồng ổn định, họ bắt tay cùng Riot Games xây dựng hệ thống giải đấu chuyên nghiệp cho khu vực Đông Nam Á. Và khi các đội tuyển Việt Nam tỏ ra quá mạnh so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia, VCS chính thức ra đời, đánh dấu một bước nhảy vượt bậc của LMHT ở Việt Nam.
Tuy nhiên suốt từ thời điểm thành lập đến giờ, VCS vẫn dậm chân tại chỗ. Các đội tuyển Việt Nam, ngoài Buffalo của năm 2019 vào được top 6 MSI, thường dừng bước rất sớm ở các sân chơi quốc tế. Đi kèm với thành tích không tốt ấy là sự đi xuống nhanh trông thấy của hệ thống giải từng được xem là sự tự hào. Đó là lúc người hâm mộ đặt ra những câu hỏi cho NPH.
Dễ thấy trong khoảng 2 năm trở lại đây, BTC VCS rất thiếu chăm chút nội dung liên quan đến giải đấu. Trailer tiền mùa giải kém ấn tượng vì kịch bản không được viết tỉ mỉ, thường bị CĐV chê là “làm cho có”. Kênh truyền thông thiếu những nội dung sáng tạo, truyền cảm hứng cho người chơi. Công tác hậu cần không tốt, cả giải đấu chỉ có duy nhất một chiếc cúp nên truyền tay đội vô địch này sang đội vô địch khác qua từng mùa giải.
Ngày 5/9, khán giả chứng kiến rõ nhất sự kém cỏi của BTC giải đấu. Đội tuyển GAM Esports đã phải… đi ra quán net để chụp ảnh nhận cúp vô địch sau khi đánh bại Saigon Buffalo. Bất chấp dịch Covid-19 đã được kiểm soát gần như hoàn toàn ở Việt Nam, phía Garena vẫn nhất quyết tổ chức trận chung kết theo thể thức online, để tiết kiệm chi phí hay vì lý do khác thì chỉ họ mới biết rõ nhất.
Khán giả chắc chắn không hài lòng vì điều này. Nhiều người tỏ ra xấu hổ thay cho các đội tuyển và NPH khi nhìn sang khu vực khác.
Còn về phía đội tuyển và nhà tài trợ, họ cũng đang gặp nhiều khó khăn vì sự thờ ơ ấy. Ở bộ môn mới mẻ như Esports, làm hình ảnh là điều quan trọng nhất đối với các đội tuyển. Các nhà tài trợ hẳn sẽ rất thất vọng khi dàn tuyển thủ họ “gửi vàng” để lan toả thương hiệu phải khúm núm, chui vào một không gian nhỏ hẹp, không khán giả để chụp những bức ảnh chất lượng ở tầm trung như thế.
Về trò chơi nói chung, đã rất lâu rồi người chơi chưa được tham gia một sự kiện thật sự thu hút do Garena tổ chức. Hầu hết những gì NPH này làm vào thời điểm hiện tại chỉ tập trung vào những chiêu trò moi tiền từ túi của khách hàng, đơn cử như những chương trình nhân đôi thẻ nạp. Đó là còn chưa nói đến hệ thống client tệ hại, nhiều lỗi, hầu như chẳng được nâng cấp, thay đổi gì trong suốt hơn chục năm qua.
Trên thực tế, chúng ta cũng chẳng thể trách Garena được bởi họ còn đang phải lo cho 2 tựa game con cưng khác trên nền tảng di động, 2 kho vàng gần như không đáy. Với LMHT, lượng người chơi active đang ngày một sụt giảm khiến doanh thu không cao như trước. Giải đấu VCS cũng không thu hút được nhiều nhà tài trợ trong những năm gần đây. Đó cũng là những lý do chính khiến Garena “buông”, trả LMHT về cho Riot Games theo những tin đồn xuất hiện đầu năm 2022.
Câu hỏi đặt ra rằng trong bối cảnh LMHT sắp có NPH mới ở Việt Nam (Riot Games tự quản lý hoặc một ông lớn khác như VNG), tương lai của trò chơi này liệu có bớt ảm đạm hơn trước?
Trong bối cảnh game trên nền tảng điện thoại lên ngôi vì sự tiện dụng, lượng người chơi PC đang đi xuống nhanh trông thấy. Đây không phải câu chuyện của riêng LMHT mà còn của rất nhiều trò chơi khác, bao gồm cả Dota 2, CS:GO, PUBG,... Lứa game thủ cách đây 10 năm đam mê Moba giờ đã lớn và không còn thời gian ngồi máy tính hàng giờ như trước. Thay vào đó, họ chọn cách giải trí nhanh gọn bằng điện thoại trong khoảng 15 phút đến nửa tiếng giờ nghỉ trưa.
Nếu không thay đổi được thực trạng này, lượng người chơi game trên PC nhiều khả năng sẽ còn giảm. Khổ nỗi nhiều NPH còn chẳng biết làm cách nào để hướng tệp khách hàng cũ trở lại với PC hoặc thu hút thêm giới trẻ sử dụng sản phẩm của họ.
Vậy nên dù LMHT có thuộc sự quản lý của tổ chức nào đi chăng nữa, tương lai của trò chơi này vẫn đang bị đặt dấu hỏi lớn. Câu trả lời chuẩn nhất có lẽ sẽ đến vào khoảng cuối năm nay, khi quá trình chuyển giao giữa 2 NPH chính thức hoàn tất.
Bạn nên quan tâm