Không đánh vào mặt và những điểm chung kỳ lạ của các môn võ cổ thế giới

Phúc Cơ , 14:48 21/02/2022 | Võ thuật

Chia sẻ

Nếu xét từ võ thuật châu Âu và châu Á thời cổ, có thể nhận thấy rằng, đa phần các kỹ thuật của các môn võ thời xưa đều khá giống nhau từ thế tấn cho đến vị trí tấn công. Điều gì đã tạo nên sự tương đồng này?

Dù cách nhau đến cả châu lục, thậm chí người dân phương Tây và phương Đông có thời điểm còn không biết đến sự tồn tại của nhau, nhưng nền văn hóa võ thuật giữa các quốc gia xa xôi lại có nhiều điểm chung đến kỳ lạ. Điều gì đã tạo nên những điểm thú vị này?

Hạn chế kỹ thuật tấn công vào mặt

Một trong những điểm chung đầu tiên cần phải kể đến đó là các môn võ cổ rất hạn chế đấm vào mặt đối phương. Môn võ cổ duy nhất đề cao kỹ thuật này là quyền anh Hy Lạp cổ. Tuy nhiên, các võ sĩ quyền Anh thời điểm này thi đấu với bộ găng tay có gắn cả những núm kim loại (thường làm bằng chì) để thi đấu. Do đó, nó cũng không hẳn là một môn võ tay trần.

Không đánh vào mặt và những điểm chung kỳ lạ của các môn võ cổ thế giới - Ảnh 1.

Quyền Anh Hy Lạp cổ sử dụng găng tay quấn núm chì, do đó, khó mà bảo đây là một môn đối kháng tay trần

Nói thêm một chút về các kỹ thuật võ cổ, không hẳn là các môn võ thời xưa đều hạn chế đánh vào mặt, nói đúng hơn thì chúng hạn chế các kỹ thuật dùng nắm đấm đánh lên vùng đầu đối phương. Thay vào đó, các môn võ cổ thường sử dụng phần ức bàn tay, cạnh bàn tay để tấn công lên đầu nhiều hơn.

Không đánh vào mặt và những điểm chung kỳ lạ của các môn võ cổ thế giới - Ảnh 2.

Các môn võ truyền thống như Karate thường phát triển kỹ thuật đấm vào thân

Không đánh vào mặt và những điểm chung kỳ lạ của các môn võ cổ thế giới - Ảnh 3.

Dù là môn võ khá "trẻ" Vịnh Xuân cũng phát triển các kỹ thuật đấm vào vùng thân

Nguyên do chính là vì vùng xương đầu rất cứng và xương bàn tay lại mềm, nhiều khớp, mật độ xương cũng mềm hơn dẫn đến dễ nứt, gãy hơn. Những cú đấm vào đầu trên thực tế không khác nhiều so với việc đấm tay vào một bức tường bê tông.

Hơn nữa, ai cũng cần một bàn tay nguyên vẹn để làm việc. Từ những công việc đồng áng cho đến các công việc triều chính đều cần có một bàn tay khỏe mạnh. Việc chấn thương bàn tay do đó cũng đi kèm với việc "đói ăn" mất vài ngày, thậm chí là vài tuần.

Không đánh vào mặt và những điểm chung kỳ lạ của các môn võ cổ thế giới - Ảnh 4.

Nữ võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp Terri Harper gãy xương bàn tay dù thi đấu có găng bảo hộ đầy đủ

Không chỉ vậy, khi tấn công vào vùng mặt đối phương bằng tay trần, người tấn công còn dễ gặp phải tai nạn bị răng đối thủ găm vào tay dẫn đến nhiễm trùng. Mà ở thời đại ấy, y tế chưa phát triển, nhiễm trùng gần như gắn liền với hoại tử, thậm chí là tử vong.

Với những lý do trên, các môn võ cổ đã phát triển kỹ thuật đấm để tấn công vào những vị trí "mềm" hơn nắm đấm chẳng hạn như cổ, ngực, bụng. Và cũng từ đó, các môn võ thường tập trung phát triển những kỹ thuật phòng thủ các đòn đánh tay không vào vị trí cổ, ngực, bụng nhiều hơn.

Không đánh vào mặt và những điểm chung kỳ lạ của các môn võ cổ thế giới - Ảnh 5.

Các kỹ thuật đấm của Taekwondo cũng chủ yếu tấn công vào vùng bụng, ngực

Thời nay, với những găng tay chuyên dụng, các võ sinh, võ sĩ có thể thoải mái vung đấm vào bất cứ đâu. Do đó, nhiều bộ môn đánh đài hiện đại đã phát triển các bộ kỹ năng tấn công vào vùng đầu đối phương.

Các kỹ thuật quăng quật phát lực hông

Một điểm chung nữa giữa các môn võ khác nhau chính là việc tận dụng lực hông trong các động tác vật và các kỹ thuật tay đấu tay chiếm ưu thế. Về cơ bản, vật là bản năng chiến đấu sơ khai nguyên thủy nhất của con người rồi mới đến đánh đấm.

Do đó, các kỹ thuật đấu vật cũng thường có tuổi đời lên đến hàng nghìn năm. Một trong những kỹ thuật tiêu biểu nhất của đấu vật chính là kỹ thuật quăng quật đối thủ qua hông (hip throw).

Không đánh vào mặt và những điểm chung kỳ lạ của các môn võ cổ thế giới - Ảnh 6.

Kỹ thuật quăng quật qua hông là kỹ thuật tiêu biểu nhất của mọi môn vật

Không đánh vào mặt và những điểm chung kỳ lạ của các môn võ cổ thế giới - Ảnh 7.

Các võ sĩ Sumo cũng sử dụng kỹ thuật quăng quật qua hông

Về cơ bản, đây là phương phát lực mạnh nhất của con người, thêm với việc sử dụng hông làm đòn bẩy để quăng quật đối phương, gần như mọi môn vật trên thế giới đều có kỹ thuật này.

Không đánh vào mặt và những điểm chung kỳ lạ của các môn võ cổ thế giới - Ảnh 8.

Ghi chép về các kỹ thuật đấu vật từ thời Ai Cập cổ đại. (động tác hip throw ở hàng 2, đứng thứ 4 từ phải sang)

Bộ tấn giống nhau đến kỳ lạ

Nếu xét về các môn võ truyền thống, bạn có thể dễ dàng nhận thấy rằng các môn võ cổ từ Âu đến Á, thậm chí là cả những môn võ của các bộ lạc, bộ tộc nhỏ cũng có nhiều điểm tương đồng nhau về thế tấn (stance).

Không đánh vào mặt và những điểm chung kỳ lạ của các môn võ cổ thế giới - Ảnh 9.

Thế tấn giống nhau đến kỳ lạ giữa kiếm thuật Nhật Bản và kiếm Âu

Điển hình nhất có lẽ là thế đinh tấn. Thế tấn này xuất hiện ở mọi môn võ với mọi tên gọi khác nhau. Hay như kiếm thuật các nước cũng có nhiều sự tương đồng về kỹ thuật tấn, kỹ thuật cầm kiếm cũng như cách thức thực hiện kỹ thuật… dù cho ở thời đại ấy, việc giao thương giữa các châu lục là rất hiếm nên rất khó có việc giao thoa văn hóa giữa các vùng quá xa nhau.

Điều tạo nên điểm chung này chính là khoa học. Võ thuật là khoa học chiến đấu, và dù là Âu hay Á, các võ sư cũng hướng đến cách chiến đấu thực tế nhất (trong thời điểm đó). Vì vậy, dù vô tình, các võ sư cũng tìm ra mẫu số chung cho khoa học chiến đấu của họ.

Không đánh vào mặt và những điểm chung kỳ lạ của các môn võ cổ thế giới - Ảnh 10.

Đinh tấn gần như xuất hiện trong mọi môn võ từ Á đến Âu, từ tay không đến binh khí

Để ra đòn mạnh mẽ, ai cũng cần một bộ tấn vững chãi. Để có một bộ tấn vững chãi, tấn phải đủ rộng, đủ dài, nhưng cũng đồng thời phải dễ làm quen với người tập võ để họ dễ dàng ứng dụng. Hơn nữa, mọi đòn tấn công đều phải nhắm về phía trước (phía của đối thủ). Từ đó, mọi môn võ trên thế giới đều sử dụng đinh tấn làm thế tấn quan trọng nhất cho các kỹ thuật chiến đấu.

Kết

Võ thuật nên được hiểu là khoa học chiến đấu. Và vì võ thuật là khoa học, người nghiên cứu và người thực hành chỉ có thể tìm cách để hiểu rõ võ thuật hơn, từ đó phát triển ra các kỹ thuật, giáo án phù hợp hơn với các hiểu biết ấy. Để rồi mọi thứ sẽ dần quy về một mẫu số chung giống nhau nhất.

https://sport5.vn/khong-danh-vao-mat-va-nhung-diem-chung-ky-la-cua-cac-mon-vo-co-the-gioi-20220221132725573.htm