Với những người làm bóng rổ chuyên nghiệp, SEA Games 31 quả thực là những trái ngọt chín nhất trong gần 10 năm vun trồng cho nền bóng rổ nước nhà. Quay trở lại với kỳ SEA Games 22 cũng tại chính mảnh đất hình chữ S, bóng rổ khi đó quả thực không phải là môn thể thao được kỳ vọng gặt hái thành tích. Điều này cũng phần nào dễ hiểu khi so sánh về mặt bằng chung với các nước trong khu vực, bóng rổ khi đó chưa được chú ý cũng như nhận được sự đầu tư như ở thời điểm hiện tại. Thành tích trắng tay trước 5 đối thủ cùng khu vực phần nào dễ hiểu.
Và sau 19 năm, khi Việt Nam một lần nữa trở thành nước chủ nhà đăng cai tổ chức SEA Games, bóng rổ quả thực đã trở thành một trong những bộ môn thể thao thu hút được sự chú ý của phần lớn NHM thể thao nước nhà. Bên cạnh việc NTĐ Thanh Trì mở cửa tự do, việc người dân Hà Nội "đói VBA" trong 2 năm liên tiếp đã trở thành những lý do chính, giúp cho nơi đây luôn ở trong tình trạng "vỡ trận" ở những trận đấu của tuyển bóng rổ nam và nữ Việt Nam.
Ảnh: Huy Phạm
Bóng rổ tại SEA Games 31 được chia làm 2 nội dung, 3x3 và 5x5. Với thể thức 3x3, một trong những lý do khiến cho quãng đường xa tới NTĐ Thanh Trì trở thành vô nghĩa chính là các cô gái thuộc tuyển 3x3 nữ. Cặp chị em nhà Trương, Trần Thị Anh Đào và Huỳnh Thị Ngoan chính là tâm điểm trong lòng NHM.
Sau thành tích lần đầu tiên giúp bóng rổ nữ Việt Nam giành chức vô địch trong một giải đấu hồi tháng 4 tại Bali, SEA Games 31 chính là sân khấu nơi các cô gái Vàng của bóng rổ Việt Nam có cơ hội trình diễn trực tiếp trước người hâm mộ. Bên cạnh những nữ chiến binh, các đồng nghiệp phía tuyển nam cũng mang tới những trận đấu cống hiến, cùng sự quyết tâm nhằm đáp trả ân tình từ cổ động viên nước nhà.
Hai ngày thi đấu 3x3 đã được chứng kiến những hình ảnh NTĐ Thanh Trì được phủ đỏ tới từ các CĐV. Niềm tự tôn dân tộc, tình yêu của người hâm mộ xen lẫn những trận đấu thăng hoa cùng các chiến thắng lịch sử trước Philippines tới từ cả 2 đội tuyển quả thực là những cảm xúc khó phai trong lòng NHM và trong chính các vận động viên.
Ảnh: Huy Phạm
Dù phải dừng bước ở trong cả 2 loạt trận chung kết tại những thời khắc cuối cùng, thế nhưng 2 tấm huy chương Bạc đã là thành tích tốt nhất trong lịch sử tham dự các kỳ SEA Games mà đội tuyển bóng rổ đóng góp cho thành tích của đoàn thể thao Việt Nam.
Với người hâm mộ, họ có nuối tiếc! Họ nuối tiếc khi phải chứng kiến các chiến binh "cờ Đỏ sao Vàng" bị hạ gục bởi người Thái. Họ nuối tiếc khi không được nghe thấy bản nhạc Quốc ca hùng tráng vang lên tại NTĐ Thanh Trì cùng tấm Quốc kỳ được kéo lên ở vị trí cao nhất.
Họ nuối tiếc trước những nỗ lực và chấn thương mà các cầu thủ đã phải trải qua để có thể đi tới trận đấu cuối cùng. Nhưng sau cùng vẫn là sự tự hào, tự hào khi được là một trong những người chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của bóng rổ Việt Nam.
Ảnh: Huy Phạm
Trước khi có sự xuất hiện của Saigon Heat (2012) tại giải đấu ABL và VBA - giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (2016), người hâm mộ gần như không có khái niệm về văn hóa cổ vũ bóng rổ. Khác với bóng đá cùng các môn thể thao khác, bóng rổ với tiết tấu nhanh cần một kiểu cổ vũ khác.
"Let's go Việt Nam Let's go" hay "Defense" là điều không còn mới mẻ với NHM Việt Nam như trước đây. Nếu phải có MC hô để bắt nhịp như những ngày đầu bóng rổ chuyên nghiệp tới với Việt Nam, nay các cổ động viên ở NTĐ Thanh Trì đã không cần điều đó. Họ có thể tự tạo nhịp và tự hô hào với nhau, âm thanh từ trong lồng ngực và huyết quản được tuôn ra một cách bản năng nhất, tựa như nguồn năng lượng vô tận động viên tinh thần cho các cầu thủ.
Dù có thể chưa được đều, dù có những người chưa biết tới bóng rổ hoặc chưa từng xem một trận cầu chuyên nghiệp tại VBA, đó vẫn là âm thanh của lòng tự hào, nơi người hâm mộ được sống trọn vẹn với mọi khoảnh khắc và tự nhiên nhất có thể. NTĐ Thanh Trì trong những ngày bóng rổ diễn ra đã trở thành nơi truyền cảm hứng, giúp tình yêu bóng rổ được lan truyền mạnh mẽ tới cả những khán giả lớn tuổi, đáng tuổi ông tuổi bà hoặc những cô cậu bé thiếu nhi được bố mẹ dẫn đi theo.
Hình ảnh những cổ động viên lớn tuổi đeo băng rôn, mặc áo tuyển Việt Nam cùng với nào là trống, nào là chập cheng để cổ vũ là thứ không còn xa lạ ở NTĐ Thanh Trì những ngày vừa qua. Có thể các ông các bà không hiểu những cụm từ "Lets go" hay "Defense" là gì, thế nhưng điều đó có là gì khi niềm tự hào và tình yêu dân tộc trong sâu thẳm mỗi người luôn trực dâng trào.
Ảnh: Huy Phạm
Với cá nhân người viết bài, từng có cơ hội tác nghiệp tại Philippines tại SEA Games 2019, nơi coi bóng rổ là bộ môn thể thao vua thì hình ảnh hàng nghìn người chờ đợi đội tuyển rời khỏi NTĐ MOA khi đó là một trong những ấn tượng khó phai. Quả thật ở thời điểm đó, xen lẫn cảm xúc choáng ngợp bởi tình yêu người dân nơi đây dành cho bóng rổ thì có một chút ganh tỵ và mơ ước về điều tương tự tại mảnh đất hình chữ S.
Và rồi không mất quá lâu để mơ ước đó trở thành hiện thực. SEA Games 31 và NTĐ Thanh Trì quả thực là nơi của rất nhiều những "lần đầu tiên" của bóng rổ Việt Nam. Hình ảnh cờ đỏ sao vàng ngập tràn sân, người hâm mộ chen chúc nhau từng chỗ đứng để cổ vũ cho đội tuyển, những ánh đèn flash được thắp lên mỗi khi trận đấu kết thúc, NHM cùng hòa vang ca điệu "Việt Nam Ơi" sau mỗi trận thắng chính là những lần đầu tiên đầy thiêng liêng của bóng rổ Việt Nam.
Nếu điều đó chưa đủ để chứng minh tình yêu của người hâm mộ bóng rổ Việt Nam, chắc hẳn nhiều người sẽ phải rất ngỡ ngàng khi bước ra cổng NTĐ Thanh Trì sau mỗi trận đấu của các chiến binh "cờ Đỏ sao Vàng". Hơn một nghìn người hâm mộ chờ đón để được gặp các cầu thủ, để được ký tặng cũng như chụp hình cùng với những người hùng trên sân đấu.
Ảnh: Huy Phạm
Hai hàng người đông đứng kín vây quanh ngay cửa NTĐ Thanh Trì, những cánh tay đưa ra để được bắt tay cùng các cầu thủ, những chiếc điện thoại luôn ở chế độ chụp ảnh hoặc ghi hình là thứ mà tưởng chừng chỉ xuất hiện ở bộ môn quốc dân bóng đá, hay trong trí tưởng tượng của những người bắt tay vào làm bóng rổ chuyên nghiệp nay đã trở thành hiện thực.
Sự săn đón, hình ảnh vỡ òa trong vòng vây của người hâm mộ sau mỗi trận thắng cũng như thua là minh chứng cho thấy bóng rổ đã và đang có chỗ đứng to lớn ra sao trong lòng người hâm mộ thể thao nước nhà. Tình yêu đó càng thể hiện rõ rệt hơn ở trong ngày thi đấu cuối cùng 22/5, cùng thời điểm diễn ra trận chung kết của U23 Việt Nam với Thái Lan.
Thay vì hòa chung không khí với 40.000 ở sân vận động Mỹ Đình, gần 2.000 người đã có mặt tại "chảo lửa" Thanh Trì để tiếp sức và động viên cho các chàng trai cô gái thuộc tuyển Việt Nam. Dù không được tận hưởng niềm vui ăn mừng chức vô địch như những người hâm mộ ở cách đó gần 15km, thế nhưng bầu không khí cuồng nhiệt ở "chảo lửa" Thanh Trì trong ngày thi đấu cuối cùng cũng chả kém cạnh.
Đối với các cầu thủ, danh hiệu là thứ họ hướng tới thế nhưng tình cảm của người hâm mộ luôn là điều vô giá. Đội tuyển bóng rổ Việt Nam đã có 9 ngày được cống hiến, được tận hưởng bầu không khí cuồng nhiệt từ phía 2 khán đài, được thăng hoa trong từng pha bóng, trong từng khoảnh khắc ăn mừng chia vui với người hâm mộ.
Ảnh: Huy Phạm
Về phía người hâm mộ bóng rổ Việt Nam, họ cũng có cho mình 9 ngày vượt qua mọi rào cản hiểu biết để hòa chung vào biển cờ đỏ sao vàng tại NTĐ, 9 ngày để được hò hét cổ vũ, để ăn mừng với mỗi chiến thắng và rơi nước mắt sau mỗi lần hụt chân của đội tuyển. Quãng thời gian không quá dài nhưng cũng không ngắn vừa qua tại NTĐ Thanh Trì sẽ là những kỷ niệm không bao giờ phai.
Cảm ơn người hâm mộ thể thao Việt Nam khi đã lựa chọn cổ vũ bóng rổ và đội tuyển tại SEA Games 31!
Bạn nên quan tâm