Dù mới chuyển sang đấu MMA chuyên nghiệp được vài năm, Kayla Harrison đã kịp bỏ túi 10 trận toàn thắng, phần lớn đến ở sân chơi PFL. Năm 2019 cô cũng trở thành nhà vô địch của giải đấu và bỏ túi khoản tiền 1 triệu USD. Năm nay, Harrison cũng tiến gần tới việc tái lập thành tích này. UFC hiện cũng đánh tiếng muốn có được nữ võ sĩ 31 tuổi. Tuy nhiên, Harrison cho biết trải nghiệm khi giành chiếc HCV Olympic vẫn là tuyệt vời nhất.
"Olympic vẫn là khoảnh khắc số 1, chắc chắn là vậy", Harrison, người thắng HCV môn Judo tại Olympic 2012 và 2016, chia sẻ. "Tôi không biết bản thân có thể đạt được thứ gì vĩ đại hơn thế không. Tôi có thể giành 10 danh hiệu vô địch thế giới nhưng tới lúc này, HCV Olympic vẫn là thứ đáng nhớ nhất tôi giành được. Đó là thứ gì đó rất đặc biệt".
Điều tương tự cũng đến với Claressa Shields, cô từng giành HCV 2 kỳ Olympic liên tiếp trước khi chuyển lên nhà nghề. Tại đây, VĐV người Mỹ trở thành nhà vô địch ở 3 hạng cân, từng giữ 4 đai thế giới ở hạng trung. Mới đây, cô cũng có trận đấu MMA đầu tiên, cũng tại PFL.
"Tôi đặt Olympic ở vị trí đầu bảng. Bởi lẽ, rất khó để vô địch Olympic. Có rất nhiều người giành danh hiệu vô địch thế giới nhưng không thể lên ngôi ở Thế vận hội. Với tôi, Olympic khó chinh phục hơn nhiều", Shields cho biết.
Thế vận hội đại diện cho một thứ gì đó rất đặc biệt với các VĐV thể thao. Xét rộng ra, rất nhiều VĐV chuyên nghiệp nổi tiếng tại các môn như tennis, bóng rổ, hockey, nếu điều kiện cho phép sẵn sàng tranh tài tại giải đấu, so tài cùng những đối thủ vô danh, chưa từng một lần lên chuyên.
Như Novak Djokovic, dù vừa trải qua hàng loạt giải đấu khác nhau, anh vẫn chấp nhận sang Nhật, chịu đựng cái nóng để theo đuổi tấm huy chương vàng Olympic. Hay như các cầu thủ bóng rổ Mỹ, đa số cảm thấy Olympic quan trọng hơn so với những giải đấu tại quốc nội, nơi họ được trả hàng tấn tiền để ra sân.
Ở các môn thể thao đối kháng thì khác đôi chút. Như ở boxing, các VĐV đã thành danh ở sân chơi nhà nghề sẽ không trở lại đấu ở Olympic. Tuy nhiên, Thế vận hội là bệ phóng để họ chấm dứt chặng đường nghiệp dư, như Muhammad Ali, Joe Frazier và George Foreman từng làm trong quá khứ. Thành công tại Olympic giúp họ được chú ý, thu về những khoản béo bở hơn.
Không ít VĐV từng tham dự Olympic tạo được tiếng vang tại làng MMA, thậm chí đi vào huyền thoại. Henry Cejudo có đai vô địch UFC ở 2 hạng cân (nhưng vẫn khẳng định chiếc HCV tại Olympic 2008 là khoảnh khắc của cuộc đời). Daniel Cormier, hạng 4 môn vật ở Olympic 2004, cũng từng giữ 2 đai UFC giống Cejudo. "Đả nữ" Ronda Rousey, HCĐ môn Judo tại Olympic 2008, cũng thống trị MMA nữ một thời gian dài.
Vậy thì điều gì tại Olympic khiến các VĐV luôn trân trọng, ngay cả khi, đó chỉ là một bước đệm cho sự nghiệp sau này? Tại sao những võ sĩ đã giành đai thế giới trước hàng chục nghìn khán giả, bỏ túi hàng triệu USD, vẫn coi Olympic như là điểm sáng nhất sự nghiệp? Với Harrison, cô cho rằng không thể lấy giá trị vật chất ra đong đếm danh hiệu tại Olympic.
"Đó là khoảnh khắc đặc biệt mà tại đó cả thế giới tụ lại và gửi đến những VĐV tốt nhất của họ để đại diện cho bộ mặt quốc gia. Tôi nghĩ đó là điều khiến chiếc huy chương Olympic trở nên đặc biệt. Bạn không chiến đấu vì tiền. Bạn không chiến đấu vì danh tiếng cá nhân. Bạn chiến đấu vì bạn yêu môn thể thao đó và muốn trở thành người giỏi nhất thế giới. Đó là những cảm xúc mà bạn không thực sự có khi chuyển lên chuyên nghiệp".
Tại môn Judo của mình, Harrison nói thêm, Olympic là đấu trường khẳng định vị thế dẫn đầu của một VĐV. Giành giải cao tại giải vô địch thế giới hay các đấu trường khu vực tất nhiên vinh quang nhưng không thể sánh bằng.
"Judo không phải môn thể thao được phần đông quan tâm nhưng Olympic là sân chơi cả thế giới dõi theo. Nó chỉ có 4 năm một lần. Cả thế giới cùng tranh tài. Nó đem lại cảm xúc thú vị".
Shields từng có ý định tham dự kỳ Olympic thứ 3 nhưng cô đã quyết định chuyển lên chuyên nghiệp. Với nữ võ sĩ 26 tuổi, cô nhận được cái nhìn khác của các fan khi đại diện cho quốc gia và giành được thành tích cao .
"Khi chúng tôi trở về Mỹ. Tôi vẫn phải chịu sự phân biệt chủng tộc. Nhưng nếu là Olympic, họ sẽ không quan tâm tới màu da người chiến thắng, chỉ cần có được tấm HCV. Họ sẽ nói là, 'cô ấy đại diện cho chúng tôi và khiến chúng tôi tự hào'. Khi bạn lên chuyên, một số quay lưng vì màu da, hay tín ngưỡng của bạn. Tại Olympic, điều đó không xảy ra".
Tất nhiên, không phải ai cũng có cái kết đẹp tại Olympic. Cormier từng giành hạng 4 tại Olympic 2004. Tới Bắc Kinh 2008 với kỳ vọng giành huy chương, cựu võ sĩ người Mỹ lại gặp vấn đề về cắt cân và không được phép thi đấu.
Nhiều năm sau, khi đã có đai UFC, một ngôi nhà xinh xắn mua từ tiền thi đấu chuyên nghiệp cùng một công việc bình luận tại UFC, Cormier vẫn không thể quên được ký ức đau lòng vào năm 2008.
"Nó vẫn khiến tôi cảm thấy tiếc nuối. Cảm giác này sẽ theo tôi đến suốt đời. Tôi sẽ nhớ rằng mình không được tranh tài ở Olympic năm đó. Mọi thứ không thể thay đổi. Tôi đã mắc sai lầm và khiến không chỉ tôi mà dân tộc, gia đình, làng vật của Mỹ, bang Oklahoma, các fan phải thất vọng".
Nỗi buồn lớn hơn với Cormier khi phần lớn sự nghiệp MMA của mình, anh có thể ép cân để đấu ở hạng 205 lbs (93kg), nhẹ hơn 3kg so với mức cân tranh tài tại Olympic năm đó. Anh đến nay vẫn chưa thể nuốt trôi.
Ngay cả những người đã giành được vinh quang, sự ám ảnh Olympic vẫn có thể xuất hiện. Như Harrison, cô thừa nhận phải mất một thời gian dài để vượt qua.
"Sau khi chiến thắng tại kỳ Thế vận hội thứ 2, tôi biết mình phải giải nghệ và không thể tiếp tục với Judo. Tôi đã chuẩn bị cả đời cho khoảnh khắc vô địch. Tôi bị ám ảnh bởi nó, chẳng biết làm gì sau đó. Mọi thứ trở nên trống rỗng với tôi. Từ một con người kỷ luật, tôi đột nhiên chẳng biết làm gì, chẳng còn mục tiêu. Tôi chỉ ngồi nhà cả ngày mà thôi", Harrison cho hay.
Cuối cùng, Harrison cũng tìm thấy MMA và giờ trở thành một cái tên hàng đầu. Khoản tiền một triệu USD tiền thưởng của PFL chắc chắn sẽ giúp cô vui hơn. Nhưng tất nhiên, chẳng gì phấn khích bằng chiếc HCV Olympic.