Bài lược dịch từ tác giả Michael Cox - United’s diamond is breakable – and shows the problem of relying on a No 10
Trong cuộc tranh luận muôn thuở: Liệu có nên sử dụng một “số 10” trong bóng đá hiện đại hay không? MU và Arsenal - 2 đại diện trong nhóm “Big Six” của Premier League - chính là 2 cực đối lập rõ rệt nhất.
4 đại diện khác nằm đâu đó ở giữa lằn ranh sử dụng hay không. Jurgen Klopp là một người hoài nghi về tính hiệu quả của điều này. HLV người Đức thường ám chỉ chiến thuật gegenpressing của ông cũng tương tự một “số 10” trong sơ đồ ưu thích 4-3-3. Mặc dù vậy, đôi khi Liverpool vẫn sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 với Roberto Firmino đá ở vị trí hộ công.
Pep Guardiola cũng là một HLV ưa thích sử dụng sơ đồ 4-3-3 nhưng trong mùa giải này, ông ngày càng có xu hướng đặt Kevin De Bruyne ở vị trí “số 10” ngay phía sau tiền đạo. Đây là một minh chứng hùng hồn cho thấy Manchester City ngày càng phụ thuộc hơn vào tài năng của tiền vệ người Bỉ.
Trong khi đó, Frank Lampard đôi khi vẫn sử dụng một cầu thủ ở vai trò dẫn dắt lối chơi và linh hoạt chuyển đổi giữa sơ đồ 4-2-3-1 và 4-3-3. Jose Mourinho cũng làm điều tương tự ở Tottenham Hotspur. Nhìn chung Chelsea và Spurs là những đội bóng có khả năng xoay sở hệ thống dựa theo trận đấu một cách linh hoạt.
Manchester United và Arsenal cũng có thể thay đổi theo những cách khác nhau, nhưng thực tế cả 2 luôn có một “hằng số” không thay đổi. MU luôn trung thành với triết lý sử dụng số 10 với cách HLV Solskjaer xây dựng đội bóng xung quanh Bruno Fernandes.
Ở chiều ngược lại, Arsenal đã hoàn toàn quay lưng với việc sử dụng số 10 khi HLV Arteta kiên quyết loại Mesut Ozil - một số 10 điển hình nhất của bóng đá thế giới một thập kỷ qua khỏi danh sách đăng ký thi đấu ở Premier League.
Nói một cách đơn giản hơn: MU đang phải phụ thuộc vào sự xuất sắc của từng cá nhân trong khi Arsenal xây dựng đội bóng thông qua một khối tập thể vững chắc. Trận đấu hôm 1/11 giữa MU và Arsenal tại Old Trafford chính là ví dụ rõ rệt nhất về cách tiếp cận trận đấu của 2 trường phái này.
Arsenal tỏ rõ sự vượt trội hơn hẳn nhờ pressing cường độ cao ngay trên phần sân của MU, những tình huống uy hiếp hàng thủ đối phương ấn tượng. Có thể nói, "Pháo thủ" nắm sự chủ động trong phần lớn trận đấu.
Mặc dù vậy, vấn đề của Arsenal như thường lệ vẫn là khả năng biến sự áp đảo đó thành những cơ hội ghi bàn. Thực tế trên sân, đội bóng của Arteta không sở hữu bất kỳ một cầu thủ sáng tạo chính hiệu - người có khả năng biến một tình huống “hứa hẹn” thành một pha tấn công nguy hiểm.
Bukayo Saka nổi bật nhờ khả năng rê bóng hơn là chuyền bóng kiến tạo. Willian lại thường có xu hướng đưa những đường chuyền quá đà đồng đội. Alexandre Lacazette thi đấu ở vị trí “số 9” ảo một cách hiệu quả nhưng đó là về những đóng góp trong phòng ngự. Trong khi đó, Thomas Partey có một ngày thi đấu xuất sắc nhưng phải thi đấu lùi quá sâu.
Điều này khiến Arsenal không có những cơ hội thật sự trước khung thành của De Gea trong hiệp một dù có màn trình diễn về mặt chiến thuật vượt trội. Ngay cả trong hiệp 2, "Pháo thủ" vẫn rất bế tắc cho đến khi bất ngờ được hưởng quả phạt đền từ sai lầm của Pogba.
Ở chiều ngược lại, MU sở hữu một “số 10” tiêu biểu là Bruno Fernandes, người luôn có màn trình diễn ấn tượng kể từ khi gia nhập đội bóng đầu năm nay. Nhưng đây là vấn đề khi hoàn toàn đặt hệ thống của bạn xung quanh một “số 10”: Nếu cầu thủ này “biến mất” như cách Bruno đã làm hôm chủ Nhật, mọi thứ sẽ sụp đổ.
Số 10 có nhiệm vụ liên kết giữa hàng tiền vệ và hàng công. Nếu số 10 bị “vô hiệu hóa”, mối liên kết này sẽ bị phá vỡ khiến đội bóng thi đấu một cách rời rạc và thiếu sự gắn kết.
Là một người ưa thích sơ đồ 4-2-3-1, việc HLV Solskjaer sử dụng một hàng tiền vệ kim cương trong trận gặp RB Leipzig ở Champions League 4 ngày trước đó bất ngờ phát huy tác dụng tuyệt vời.
Tuy nhiên, trong cuộc đấu trí với Arteta, cấu trúc tiền vệ hình kim cương của Solsa đã sụp đổ hoàn toàn. Bruno đơn giản là không được nhận bóng ở những khu vực có thể tạo ra cơ hội nguy hiểm vì Arsenal biết điều gì sẽ đến. Arteta đã rất “cao tay” khi chỉ đạo các học trò Pressing và bóp nghẹt khu vực trung lộ của MU.
Việc Arsenal pressing quá tốt khiến các đồng đội của Bruno bị hạn chế và từ đó, nguồn cung cấp bóng cho tiền vệ người Bồ Đào Nha thông qua họ bị cắt đứt hoàn toàn.
Về mặt nghĩa đen, Fernandes không phải là người chơi tệ nhất trên sân. Số 10 của MU không chuyền sai vị trí, sút bóng một cách vụng về hoặc chạm bóng kém. Bruno chỉ đơn giản là không được tham gia phát triển mối liên kết giữa các tuyến của MU.
Khi điều đó xảy ra, MU dường như không còn bất kỳ ý tưởng tấn công nào. Ở 2 cạnh của khối kim cương, Scott McTominay lúng túng khi thi đấu lệch phải trong khi tác động của Paul Pogba ít đến mức khi Solskjaer chuyển sang sơ đồ 4-2-3-1, tiền vệ người Pháp bị đẩy ra cánh trái. Cũng tại đây, Pogba hóa “tội đồ” với tình huống phạm lỗi quyết định trận đấu.
Fred là cầu thủ chơi thấp nhất trong viên kim cương của HLV Solskjaer, anh đã lựa chọn phương án an toàn nhất là thi đấu lùi sâu giữa các trung vệ và nhận các đường chuyền ngắn. Mặc dù vậy, Arsenal cũng nắm bắt được ý đồ này và HLV Arteta đã “bỏ túi” Fred bằng cách sử dụng Lacazette để khóa tiền vệ người Brazil ở một vị trí cố định.
Nếu Fred dũng cảm và dám thi đấu cao hơn để kéo Lacazette vào khu vực mà cầu thủ này không quen thuộc cũng như trao sự tin tưởng cho Harry Maguire và Victor Lindelof, “Quỷ đỏ” có thể đã đưa bóng đến hàng tiền vệ nhiều hơn.
Một vấn đề khác khi Fernandes thi đấu ở vị trí “số 10” là nó làm ảnh hưởng đến vai trò của những người khác. MU có vẻ tạo ra sự ổn định nhất khi Bruno được thi đấu hộ công với 2 tiền vệ trụ ở phía sau gồm Fred, McTominay hoặc Nemanja Matic.
Việc có đến 2 tiền vệ đảm nhận nhiệm vụ “dọn dẹp” gây hại cho MU theo nhiều cách khác nhau và kết quả là đội bóng của Solskjaer thiếu những cầu thủ có khả năng chơi bóng chất lượng từ hàng tiền vệ.
Sự ưu việt của Fernandes trong sơ đồ 4-2-3-1 buộc Pogba phải chơi lùi sâu, điều chưa bao giờ làm cầu thủ người Pháp thoải mái. Pogba chỉ hay nhất ở vai trò “số 8” lệch trái trong sơ đồ 4-3-3.
Phép thử thất bại đáng tiếc
Cấu trúc hàng tiền vệ kim cương là cách duy nhất để Solsa có thể vừa sử dụng Fernandes trong vai trò “số 10” và Pogba là “số 8”. Vì vậy sự thất bại của hệ thống này mang lại nhiều cảm giác đặc biệt nuối tiếc cho những fan MU muốn được chứng kiến bộ đôi này tỏa sáng.
Điều này cũng lý giải cho việc vì sao Donny van de Beek vẫn còn phải ngồi trên ghế dự bị. Cầu thủ người Hà Lan mới chỉ được ra sân 3 lần kể từ khi gia nhập MU vào đầu tháng 9 và tất cả đều là ở các giải đấu cúp khi Fernandes được cất trên ghế dự bị.
Solskjaer dường như coi Van de Beek và Bruno chính là sự loại trừ lẫn nhau, điều thường xảy ra với những số 10 trong lịch sử. Để lấy ví dụ, Van de Beek chính là Gianni Rivera còn Fernandes là Sandro Mazzola, hai số 10 tuyệt mỹ của đội tuyển Italy ở World Cup 1970.
Những vấn đề này cho thấy lý do vì sao đa phần các HLV hiện đại lựa chọn từ bỏ một “số 10” trong đội hình. Các CLB hiện nay tin vào cấu trúc cùng sự gắn kết của tập thể hơn là xây dựng đội bóng xung quanh một cầu thủ và phụ thuộc hoàn toàn vào người này. Điều đó phần nào giải thích cho việc HLV Arteta kiên quyết loại bỏ Ozil, bên cạnh một số vấn đề bên ngoài khác.
Tất nhiên sẽ không công bằng nếu phán quyết HLV Solskjaer đã sai hoàn toàn khi đặt đội bóng của mình xung quanh Fernandes. Màn trình diễn của tuyển thủ Bồ Đào Nha rất đặc biệt và gần như vực dậy hoàn toàn một MU thiếu sinh khí.
Tuy nhiên, liệu MU có thể “sống tốt” khi Bruno phải vắng mặt? Trong 2 trận thắng duy nhất của "Quỷ đỏ" ở Premier League mùa này trước Brighton và Newcastle United, Bruno đều ghi dấu ấn mạnh mẽ với 2 bàn thắng và 2 kiến tạo.
Nói cách khác, khi Bruno có khoảng trống, MU thực sự là một đội bóng đáng gờm. Tuy nhiên, nếu tiền vệ người Bồ Đào Nha không thể tạo ảnh hưởng đến trận đấu, "Quỷ đỏ" lập tức bế tắc. Các HLV hàng đầu hiện nay không sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó.
Bạn nên quan tâm