1. Nguyễn Công Phượng - Mito Hollyhock (2016)
Năm 2016, Công Phượng gia nhập CLB Mito Hollyhock thi đấu ở J.League 2. Tuy nhiên, khi chưa sang được đội bóng mới, anh đã gặp một chấn thương nặng.
Tháng 1/2016, Công Phượng cùng U23 Việt Nam thi đấu VCK U23 châu Á ở Qatar. Anh không may gặp chấn thương gãy xương quai xanh trong trận cuối cùng vòng bảng gặp U23 UAE.
Công Phượng phải nghỉ thi đấu hơn 2 tháng dẫn tới hoà nhập chậm cùng đội bóng Nhật Bản. Ngày 7/5/2016, anh vào sân ở những phút cuối, thi đấu trận đầu tiên cho Mito Hollyhock. Hết mùa giải 2016, Công Phượng rời đội với 5 lần vào sân, thi đấu 80 phút.
Sau này, Công Phượng gia nhập Incheon United (Hàn Quốc) và Sint-Truidense (Bỉ). Anh không bị chấn thương làm ảnh hưởng nhưng cũng không trụ lại được CLB vì không phù hợp với lối chơi cũng như kỹ năng cần cải thiện nhiều.
2. Nguyễn Tuấn Anh – Yokohama FC (2016)
Tuấn Anh gia nhập Yokohama FC, cũng thi đấu ở J.League 2 như Công Phượng. Thậm chí, Tuấn Anh còn ghi 1 bàn trong chiến thắng 3-2 trước Nagano Parceiro ở vòng 3 Cúp Hoàng đế trong tháng 9. Tuy nhiên, số lần vào sân của Tuấn Anh cũng chỉ vỏn vẹn 3 lần.
Những chấn thương liên tục đeo bám lấy tiền vệ sinh năm 1995. Anh bị chấn thương ở vùng miệng hồi tháng 3, sau đó gặp vấn đề ở lưng. Nghiêm trọng nhất là chấn thương ở đầu gối và không được điều trị dứt điểm.
Sau khi rời Yokohama FC, Tuấn Anh phải phẫu thuật sụn chêm đầu gối. Anh trải qua năm 2017, 2018 đáng quên khi liên tục làm bạn với giường bệnh, phòng tập hồi phục. Đến năm 2019, Tuấn Anh trở lại với thể trạng tốt hơn. Anh dần thi đấu ổn định cho cả đội tuyển Việt Nam lẫn CLB HAGL.
3. Lương Xuân Trường – Incheon United (2016), Gangwon FC (2017)
Cũng trong năm 2016, Lương Xuân Trường rời HAGL gia nhập Incheon United thi đấu tại K.League Classic. Anh không được ra sân nhiều và còn mất 1 tháng chữa trị chấn thương háng gặp phải từ đầu tháng 5.
1 năm sau, Xuân Trường gia nhập Gangwon FC. Ở giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải mới, anh gặp chấn thương giãn dây chằng cổ chân và phải rời xa sân cỏ 1 tháng. Đến giữa năm 2017, anh lại gặp chấn thương đầu gối và cũng rời sân cỏ 2 tuần.
Chung cuộc, Xuân Trường thi đấu tổng cộng 4 trận cho Incheon United với 251 phút, 3 trận cho Gangwon FC với 152 phút.
Năm 2019, Xuân Trường gặp chấn thương nặng nhất sự nghiệp. Anh bị đứt dây chằng đầu gối khi tập cùng đội tuyển Việt Nam. Tiền vệ người Tuyên Quang phải rời xa sân cỏ gần 1 năm.
4. Đoàn Văn Hậu – SC Heerenveen (2019/2020)
Đoàn Văn Hậu gia nhập SC Heerenveen ở Giải VĐQG Hà Lan là sự kiện lớn của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, anh không có nhiều cơ hội thi đấu. Lần duy nhất Hậu vào sân ở Cúp quốc gia với vài phút ít ỏi.
Một phần nguyên nhân là bởi Văn Hậu liên tục phải về nước phục vụ ĐTQG và U22 Việt Nam. Anh gia nhập SC Heerenveen từ tháng 9/2019 nhưng dành thời lượng tương đương 2 tháng cuối năm để thi đấu cho hai đội tuyển, trong đó có SEA Games.
Tập luyện ít, chưa hoà nhập đồng nghĩa với khó có cơ hội ra sân. Tháng 3/2020, Văn Hậu còn gặp chấn thương đầu gối trong một trận đấu cho đội trẻ Heerenveen. Anh phải nghỉ thi đấu 1 tháng. Đúng lúc này, đại dịch Covid-19 ập đến khiến các giải bóng đá ở Hà Lan phải huỷ bỏ.
Văn Hậu "mắc kẹt" ở Hà Lan 2 tháng trước khi trở về Việt Nam vào cuối tháng 8/2020. Sau đó, chấn thương liên tục ập đến. Anh phải phẫu thuật sụn chêm đầu gối vào tháng 12/2020. Đến hiện tại, khi vừa hồi phục chưa lâu, anh tiếp tục phải lên bàn mổ lần 2.
5. Đặng Văn Lâm - Cerezo Osaka (2021)
Đặng Văn Lâm trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu cho 1 CLB ở Giải VĐQG Nhật Bản. Tính đến hiện tại, anh đã có 2 trận bắt chính cho CLB.
Tuy nhiên, chấn thương mới đây khiến sự nghiệp Văn Lâm bị chững lại. Anh được xác định bị trật khớp vai trong một buổi đá tập của CLB và có thể phải làm phẫu thuật. Sau đó, các bác sĩ sẽ kết luật thủ môn sinh năm 1993 cần bao nhiêu thời gian để hồi phục.
Với chấn thương gặp phải, Văn Lâm chắc chắn lỡ hai trận gặp Trung Quốc và Oman của tuyển Việt Nam trong tháng 10. Trong khi đó, hai trận gặp Nhật Bản và Saudi Arabia tại Việt Nam vào tháng 11 sẽ nằm ở chế độ chờ.