'Tam hoàng ngũ đế' của LPL có ý nghĩa gì?

HUYỀN TRÂN , 14:33 24/08/2021 | Esport

Chia sẻ

Đằng sau những cuộc chiến khốc liệt, LPL còn sở hữu nhiều câu chuyện thú vị, hài hước.

Trong cộng đồng LPL, mọi người lưu truyền câu chuyện về "Tam hoàng ngũ đế". Theo nguồn gốc lịch sử, đây là sự tích của người Trung Quốc về những vị vua thuở sơ khai. Còn trong giới Liên Minh Huyền Thoại, "Tam hoàng ngũ đế" kể vị những tuyển thủ có thực lực mạnh, tài năng xuất hiện thời điểm đầu giải đấu. 

Uzi là vị vua không ngai của LMHT Trung Quốc

Uzi là vị vua không ngai của LMHT Trung Quốc

Thế nhưng, nếu "tam hoàng" mang nghĩa ca ngợi thì "ngũ đế" lại hàm ý mỉa mai, chế giễu. Trong đó, Uzi, San, Cool là dàn sao xứng danh "tam hoàng". Còn "ngũ đế" có sự xuất hiện của DO, Yao Yuan, Corn, Ley và Aluka. Vậy tại sao 5 cái tên kể trên lại được mệnh danh như vậy?

DO (DO đế)

DO từng là người chơi đường trên của IG. Tại LPL mùa Hè 2014, sau khi PDD giải nghệ, ngoài Yongxiu, đội nhà còn giới thiệu tân binh mới, DO. Màn ra mắt của anh được đánh giá khá tốt. Hay đúng hơn, DO có hàng loạt pha xử lý ấn tượng dù đối đầu với nhà á quân thế giới, Royal Club.  

Chỉ tiếc, phong độ tốt của anh không duy trì được bao lâu. Khi đó, cổ động viên chỉ còn nhớ đến DO với những pha chết lẻ khó hiểu. Và anh cũng bị mỉa mai, đả kích với biệt danh "DO đế".

Corn (Ngọc đế)

Corn cũng là cái tên đáng nhớ với cổ động viên LPL. Anh một thời khoác áo ông lớn Royal Club (RYL) và đảm nhận vị trí đường giữa. Tuy rất cố gắng nhưng Corn không thể hòa nhập cũng như tỏa sáng với đội nhà. 

Corn từng là đồng đội của Uzi khi còn khoác áo RYL

Corn từng là đồng đội của Uzi khi còn khoác áo RYL

Suốt thời gian gắn bó với RYL, Corn vẫn để lại chút dấu ấn. Anh thường xuyên góp công giúp Uzi thể hiện bộ mặt xuất sắc. Hiện tại, Corn đang khoác áo King, chơi ở LSPL (giải hạng hai Trung Quốc).  

Ley (Nhạc đế)

Cái tên tiếp theo xuất hiện trong danh sách này là Ley. Anh khoác áo RNG và đảm nhận vị trí ADC. Giống với DO, Ley khởi đầu khá ổn nhưng sau đó là chuỗi ngày sa sút không phanh. Cuối cùng, anh không thể gánh vác trọng trách của một sát thương chủ lực và RNG đã phải trả Uzi về vai trò xạ thủ. 

Aluka (Ca đế)

Aluka được nhớ đến như một điểm đen trong đội hình ông lớn WE ở LPL mùa Xuân 2015. Anh vừa chơi tệ ở vị trí đường trên vừa thất bại trong việc hỗ trợ người đi rừng. Quan trọng, khi giao tranh tổng, Aluka chỉ xuất hiện thời điểm đồng đội nằm xuống.

Aluka đã cải thiện phong độ sau khi được phong "Ca đế"

Aluka đã cải thiện phong độ sau khi được phong "Ca đế"

Thế nhưng, ở IME mùa 9, Aluke lại có màn trình diễn xuất sắc, khiến các đại diện Hàn Quốc khiếp sợ. Từ đó, thay vì mỉa mai, danh xưng "Ca đế" dùng để tán thưởng cho tài năng của Aluka. 

Yao Yuan (Diêu đế)

Yao Yuan được xem là người đầu tiên mở ra kỷ nguyên của "ngũ đế" ở LPL. Anh cũng từng chơi cho Royal Club bên cạnh Uzi. Quân bài khiến Yao Yuan bị chế giễu nhất là Renekton thời điểm thi đấu ở LPL mùa Hè 2014. 

Phong độ xuống dốc của Yao Yuan làm không ít cổ động viên tiếc nuối. Bởi lẽ, trước đó, ở CKTG LMHT 2013, Yao Yuan đã có màn đối đầu siêu phàm với Faker.