Phim ảnh, truyện tranh, truyện chữ... tất cả những sản phẩm sáng tạo kể trên đa phần mô tả những kiếm sĩ vô địch là những người luôn chiến thắng mọi đối thủ bằng món binh khí sở trường của họ. Tuy nhiên, sự thật về các trò ma mãnh của những kiếm sĩ khi xưa có thể sẽ khiến bạn bật ngửa.
Yếu tố đầu tiên cần phải kể đến chính là việc các kiếm sĩ vốn không chỉ chiến thắng kẻ thù bằng kỹ năng võ thuật. Kiếm sĩ huyền thoại của Nhật Bản, Miyamoto Musashi cũng đã chỉ ra những mẹo đánh binh khí trong bộ sách Ngũ Luân Thư của mình. Theo đó, Musashi cho rằng kinh nghiệm chiến đấu, mưu mẹo vốn cũng quan trọng chẳng khác gì trình độ kiếm thuật.
Musashi từng có chiến công hiển hách là một mình hạ gục 12 kiếm sĩ phục kích ông. Tuy nhiên, trên thực tế, Musashi vốn đã phục kích ngược lại 12 kiếm sĩ kia.
Số là trên con đường hành hiệp trượng nghĩa, Musashi cũng đã trở thành kẻ thù của nhiều người. Một ngày kia, ông phát hiện ra một nhóm kiếm sĩ 12 người đang phục kích ở gần nhà của người kiếm sĩ huyền thoại.
Miyamoto Musashi hiểu rằng, nếu đối đầu trực diện chúng, ông sẽ thất bại. Nhưng nếu bỏ trốn, ông cũng chẳng còn danh dự nào. Vì thế, Musashi đã lách luật như sau:
Musashi khéo léo lẩn trốn trong các bụi rậm và chờ đợi đến khi tất cả 12 kiếm sĩ kia đã tra kiếm vào bao. Lúc ấy, ông bất ngờ phóng ra từ bụi rậm và hét lớn: "Ta là Miyamoto Musashi, và ta ở đây để lấy mạng các ngươi!" (đại ý là như vậy). Sau đó Musashi điên cuồng lao vào giữa 12 kiếm sĩ với 1 đoản kiếm và 1 trường kiếm, vung tay loạn xạ.
12 kiếm sĩ kia vì bất ngờ mà không kịp rút kiếm, cũng không kịp bỏ chạy nên đại bại dưới tay Miyamoto Musashi. Huyền thoại về kiếm sĩ vô địch đơn thương độc mã hạ gục 12 người đã bắt đầu từ đó.
Ngay cả trong kỹ thuật dùng kiếm ở bộ sách Ngũ Luân Thư, Miyamoto Musashi cũng rất chú trọng vào những yếu tố lợi thế cho người kiếm sĩ.
Chẳng hạn như nếu phải đối đầu với nhiều đối thủ, Musashi cho rằng hãy nên đứng dựa tường, để chắc rằng mọi đối thủ đều ở trong tầm mắt của ta mà chiến đấu.
Khi phải đối đầu với đối thủ ở vùng trống trải, Musashi lại dạy rằng người kiếm sĩ nên đứng quay lưng về phía ánh mặt trời và buộc đối thủ phải nhìn trực diện vào ánh nắng. Từ đó, sức chiến đấu của đối thủ sẽ bị giảm đi đáng kể.
Tầm nhìn về kiếm thuật chiến đấu của Musashi có thể nói là đi trước thời đại rất xa. Bởi lẽ ở Nhật Bản nói riêng và ở thế giới nói chung, võ thuật chiến đấu chỉ bị gói gọn trong các kỹ thuật. Nếu phải nói về chiến thuật, người xưa sẽ chỉ nói đến binh pháp. Musashi đã thành công trong việc định hình và giải nghĩa về yếu tố chiến thuật lẫn mưu mẹo trong các tình huống chiến đấu thời gian trước.
Không chỉ có Miyamoto Musashi, một samurai huyền thoại khác của Nhật Bản là Yukimura Sanada cũng không thật sự đề cao vai trò của kiếm thuật hay võ thuật trong chiến đấu. Trên thực tế, vũ khí chiến trận ưa thích nhất của samurai huyền thoại này là súng.
Tuy nhiên, khi được đưa vào sử sách hay các tác phẩm sáng tạo khác như game, phim ảnh, truyện tranh, Yukimura Sanada lại nổi bật với trình độ dùng kiếm thuật và thương, kích. Súng lại không phải là món vũ khí dành cho Sanada khi lên màn ảnh.
Thời xa xưa, món công cụ truyền thông phổ biến nhất vẫn chỉ là truyền miệng và ghi chép. Chưa kể đến việc quần chúng ngày xưa có nhiều người còn không biết chữ, vì thế họ không thể ghi chép lại được những điều đã diễn ra. Do đó, quá trình hình thành một tài liệu ghi chép hoàn chỉnh phải trải qua nhiều giai đoạn từ nghe ngóng dân gian truyền miệng, ghi chép thô, chỉnh sửa qua các học giả... để rồi cuối cùng mọi thứ cũng mất đi phần nhiều sự thật trong đó.