Vào bây giờ, rất nhiều các tài năng trẻ được gọi là "Tiểu Messi". Như chúng ta thấy ở AFF Cup 2018, bất kỳ nước nào cũng tìm cho mình một ngôi sao và gán cho họ với biệt danh "Messi Thái Lan", "Messi Việt Nam" hay thậm chí, cả "Messi Campuchia" và "Messi Lào".
Nếu thế giới này phát triển sớm hơn, với sức mạnh truyền thông, có lẽ Đông Nam Á không cần phải đi xa để có được một cầu thủ tiêu chuẩn siêu sao và ngưỡng mộ. Và họ sẽ gọi tài năng lớn nhất của mình bằng cái tên "Alcantara Thái Lan" hay "Alcantara Việt Nam". Còn ở Barca, Messi sẽ được gọi là "Alcantara Argentina".
Đó là bởi cách đây 1 thế kỷ, Đông Nam Á, biên giới cuối cùng của bóng đá, từng sản sinh ra một ngôi sao tầm cỡ thế giới. Ông là Paulino Alcantara, một người Philippines.
Paulino Alcantara trong màu áo Barca cách đây 1 thế kỷ.
Là thuộc địa của Tây Ban Nha, bóng đá hiện diện ở xứ sở nghìn đảo. Và tỉnh Iloilo, nơi cách thủ đô Manila vài trăm cây số, vốn người Tây Ban Nha có ảnh hưởng rất sâu, trở thành cái nôi của bóng đá. Ở đó, Alcantara được sinh ra (năm 1896), bởi người cha là sỹ quan quân đội Tây Ban Nha cùng bà mẹ người bản địa. Và ông bắt đầu chơi bóng từ rất sớm.
Rồi cuộc chiến Tây Ban Nha - Mỹ nổ ra, dẫn đến sự thoái lui của Tây Ban Nha khỏi Philippines. Gia đình Alcantara chuyển đến Barcelona năm ông 8 tuổi. Joan Gamper, người sáng lập FC Barcelona, sớm phát hiện ra tài năng và đưa ông vào đội. Năm 15 tuổi, Alcantara ra mắt và lập hat-trick trong chiến thắng Catala SC 9-0, trở thành cầu thủ ghi bàn trẻ nhất lịch sử CLB.
Một HLV của Barca thời kỳ ấy nói rằng, "Alcantara hầu như không có đối thủ, có thể ghi bàn bất cứ khi nào ông muốn, hoặc đội bóng cần", và "Alcantara ghi bàn tự nhiên như hơi thở". Đó là lý do người ta gọi ông là El Romperedes, tức Máy dội bom. Trong 4 năm, từ 1912-1916, với vô số bàn thắng của Alcantara, Barca giành được 5 danh hiệu. Không có gì tranh cãi ở đây, ông là siêu sao đầu tiên của đội bóng xứ Catalan.
Alcantara được biết đến với biệt danh El Romperedes - Máy dội bom.
Tuy nhiên, sự phát triển rực rỡ của Alcantara không xóa đi mong muốn cậu con trai đi theo con đường học vấn của bố ông. Năm 2016, khi cả gia đình về lại Philippines, Alcantara bị ép theo học y khoa. Thời gian này, ông tham gia vào đội Bohemians of Manila. Sau đó, chơi cho ĐTQG Philippines, tham dự Giải vô địch Viễn Đông (tiền thân của Asian Cup) năm 1917.
Tại đó, ông cùng các đồng đội tàn phá đội chủ nhà Nhật Bản với tỷ số 15-2 để tiến vào chung kết. Trận đấu này bị bỏ dở vì trọng tài cho rằng các cầu thủ Philippines chơi thô bạo, xử họ thua cuộc.
Về phần Barcelona. Không còn Alcantara, họ không còn là một đội bóng và không giành thêm bất cứ danh hiệu nào. Nó thậm chí nghiêm trọng hơn việc Barca mất Messi vào bây giờ. Cực chẳng đã, họ phải lặn lội đến Philippines và van xin Alcantara trở lại.
Bố mẹ Alcantara nhất quyết không. Thật may cho Barca, Alcantara mắc bệnh sốt rét. Và ông nhất quyết không uống thuốc cho đến khi được quay lại Tây Ban Nha. Cách này đã hiệu quả. Alcantara lại khoác áo Barca một lần nữa, giúp đội bóng thiết lập khoảng giai đoạn thống trị kéo dài từ năm 1918 đến 1927 với 12 danh hiệu lớn nhỏ.
Thống kê so sánh Alcantara với Messi, khi siêu sao người Argentina vượt qua kỷ lục của ông năm 2014.
HLV huyền thoại Herbert Chapman của Arsenal từng thốt lên, "Alcantara là một sát thủ với khối thuốc nổ ở chân, đồng thời chơi theo cách mà chưa ai từng thấy". Người ta còn tạo nên giai thoại, rằng cú sút của Alcantara từng xé rách lưới, và có lần sút trúng vào một viên cảnh sát vô tình chạy ngang khung thành, khiến cả ông ta và bóng cùng… bay vào lưới.
Trong thời gian cuối ở Barca, Alcantara chuyển sang chơi ở vị trí trung vệ rồi giải nghệ ở tuổi 31. Vì lẽ đó, số bàn thắng của ông chỉ dừng lại ở con số 369. Thành tích này bị Lionel Messi vượt qua năm 2014. Thật ra đó là dịp tốt để thế hệ ngày nay biết đến cái tên Alcantara.
Trong nhiều năm, Alcantara đã bị lãng quên. Một phần vì ngay tại đất nước ông sinh ra, Philippines, cũng không nhận thức được vị trí của El Romperedes trong lịch sử. Khi người Mỹ áp đặt ảnh hưởng lên xứ nghìn đảo, bóng rổ và boxing thay thế bóng đá trở thành môn thể thao được ưa chuộng nhất.
Nhưng bóng đá đang dần được phục hưng. Giới trẻ Philippines bắt đầu chơi bóng nhiều hơn và Alcantara cũng được đặt vào vị trí xứng đáng. Vào năm 2015, Shane Clemente, thần đồng 12 tuổi của bóng đá Philippines, trong bài phỏng vấn của FourFourTwo đã nói về ước mơ chơi bóng cho Barca. Không phải vì Messi, mà vì "đó là nơi Alcantara từng chơi".