Đội bóng Đông Á không những đánh bại Đức trong trận mở màn mà còn thắng luôn nhà vô địch thế giới 2010 Tây Ban Nha rạng sáng qua, cùng một kịch bản ngược dòng kịch tính với tỷ số chung cuộc 2-1. Chiến thắng của Nhật Bản đồng nghĩa họ giành ngôi nhất bảng E (6 điểm), cùng Tây Ban Nha (4 điểm, nhì bảng) giành vé đi tiếp. Trong khi tuyển Đức bị loại sớm do kém Tây Ban Nha về chỉ số phụ.
Vào khoảnh khắc bình minh tươi sáng của bóng đá Nhật Bản mở ra, người hâm mộ như được chứng kiến những trang manga “Captain Tsubasa” và bộ truyện tranh/anime bóng đá nổi đình nổi đám hiện tại là “Blue Lock” thành hiện thực.
Giấc mơ “Captain Tsubasa” và “Blue Lock”
Nhật Bản là thiên đường của manga/anime (truyện tranh/hoạt hình), đặc biệt là thể loại shounen (dành cho nam thanh thiếu niên, chủ yếu khơi dậy tinh thần đồng đội, tình bạn bè cùng những pha hành động mạnh mẽ), trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến “Captain Tsubasa” của quá khứ và “Blue Lock” của hiện tại.
“Captain Tsubasa”, Đội trưởng Tsubasa, còn được biết đến với tên Tsubasa - Giấc mơ sân cỏ, phát hành lần đầu vào năm 1981 do tác giả Takahashi Yoichi sáng tác. Cốt truyện xoay quanh nhân vật chính, một cậu bé thần đồng của bóng đá Nhật Bản có tên Tsubasa Ozora và hành trình chinh phục bóng đá thế giới.
Giấc mơ của “Captain Tsubasa” là cùng tuyển Nhật Bản đánh bại Đức và Brazil ở World Cup. Điều này có phần trùng hợp với mục tiêu ban đầu của “Samurai xanh” tại World Cup 2022, khi họ rơi vào bảng đấu tử thần có sự góp mặt của hai nhà vô địch thế giới Đức và Tây Ban Nha. Kết quả, Nhật Bản giành hai trận thắng cùng tỷ số 2-1, kịch bản khá giống trong manga/anime “Captain Tsubasa”.
“Captain Tsubasa” là lời dự đoán chính xác từ quá khứ cho hành trình lật đổ tuyển Đức của Nhật Bản, dù có phần viễn tưởng vào thời điểm nó ra đời. 30 năm sau, “Blue Lock” thậm chí còn bước ra ngoài đời thực, cùng tuyển Nhật Bản đồng hành tại World Cup 2022.
“Blue Lock” lấy bối cảnh sau thất bại của Nhật Bản tại World Cup 2018, cùng câu hỏi: họ còn thiếu điều gì để giành chức vô địch? Cuối cùng, họ nhận ra rằng đội bóng thiếu một tiền đạo chủ lực có thể mang về chiến thắng. Vì thế, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản cho ra đời "Dự án Blue Lock", tập hợp 300 tiền đạo trẻ xuất sắc nhất đến từ khắp nơi trên Nhật Bản. Mục đích của dự án là tạo ra duy nhất một chân sút luôn thèm khát bàn thắng hơn bất kỳ ai.
Tinh thần hiện đại và khát vọng chiến thắng của “Blue Lock” phần nào đã được tuyển Nhật Bản thể hiện trên sân cỏ World Cup 2022. Đặc biệt, bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 của “Samura xanh” vào lưới Tây Ban Nha rạng sáng qua giống hệt tình huống trong manga. Tất cả các cầu thủ áo xanh đều khao khát bàn thắng, không đầu hàng và tận dụng mọi cơ hội có thể.
“Một tiền đạo mà chết đứng, bị áp lực bóp nghẹt trước khung thành đối phương thì không xứng đáng làm tiền đạo”, nhân vật Shoei Baro trong “Blue Lock” đã thẳng thừng nhận định. Các cầu thủ trên hàng công tuyển Nhật Bản hoàn toàn đồng ý với nhận định ấy.
Hình ảnh Daizen Maeda và Mitoma Kaoru nỗ lực cứu bóng bằng cả thân mình trước khi tạo cơ hội để Ao Tanaka băng vào ghi bàn chính là tinh thần của “Blue Lock”: khát khao ghi bàn đến tận cùng.
Có một điều khá thú vị khiến fan của cả đội tuyển Nhật Bản và “Blue Lock” cảm thấy hào hứng, đó chính là trang phục thi đấu của đội bóng xứ sở mặt trời mọc tại World Cup 2022 được lấy cảm hứng từ “Blue Lock” và “Giant Killing”. Ngay cả nhà tài trợ là Adidas cũng đã tung video quảng bá nhấn mạnh điều này.
Trong khi đó, chứng kiến hai màn địa chấn mà Nhật Bản tạo nên trước Đức và Tây Ban Nha, nhiều fan của “Blue Lock” phải đặt ra câu hỏi, thực sự Liên đoàn bóng đá Nhật đã cho chạy dự án Blue Lock? Một số khác thì khẳng định chắc chắn, ở giờ nghỉ giải lao, HLV đã cho các cầu thủ Nhật xem anime “Blue Lock” để tăng sức mạnh tinh thần, vùng lên trong hiệp hai.
Cảm hứng cho cả thế giới bóng đá
Ảnh hưởng tích cực của manga/anime Nhật Bản không chỉ gói gọn phạm vi trong nước, mà còn lan tỏa khắp thế giới.
“Captain Tsubasa” là manga đầu tiên có fandom (cộng đồng người hâm mộ) trên toàn thế giới. Nhân vật chính hư cấu của tác giả Takahashi Yoichi thậm chí đã vượt qua tưởng tượng của ông.
Vào năm 1983, “Captain Tsubasa” ra mắt phiên bản phim hoạt hình và được dịch, phát sóng trên toàn thế giới. Ở Trung Đông, anh là “Captain Majed”. Ở Bắc Mỹ, anh là “Flash Kicker”. Ở Nam Mỹ, series hoạt hình này mang tên Supercampeones. Tại châu Âu, ngôi sao anime được đặt tên là Oliver.
“Khi còn là một cậu nhóc, tôi hâm mộ Tsubasa và luôn học theo những động tác của anh ấy. Nhưng khi lớn lên, tôi nhận ra mình không thể bắt chước những kỹ thuật quá khó”, Fernando Torres, tiền đạo biểu tượng của bóng đá Tây Ban Nha hài hước cho biết. “Tôi thực sự đam mê bóng đá nhờ cảm hứng từ Tsubasa”.
Hậu vệ Francesco Coco, tiền đạo Alessandro Del Piero (Italy) là fan ruột của bộ truyện tranh, từng khoe chữ ký của tác giả Takahashi. Trong khi tiền đạo Lukas Podolski (Đức) còn có đôi giày in hình Tsubasa. Đặc biệt, hai tiền vệ huyền thoại Zinedine Zidane (Pháp) và Ronaldinho (Brazil) từng hé lộ, họ đá vị trí tiền vệ vì muốn học theo Tsubasa.
Trong lịch sử bóng đá Nhật Bản, tiền vệ nổi danh một thời, người tiên phong thi đấu và gặt hái thành công ở châu Âu, Hidetoshi Nakata thậm chí còn không xem trận bóng nào khi còn nhỏ. Anh chỉ học theo Tsubasa.
Ngoài Hidetoshi Nakata, Keisuke Honda (AC Milan), Shinji Kagawa (Manchester United, Dortmund), Makota Hasebe (FC Nurnberg) đều là những tiền vệ học theo khuôn mẫu của Tsubasa. Ngay cả những tiền đạo của Nhật Bản như Hiroshi Kiyotake, Shinji Okazaki, Yoichiro Kakitani và Takashi Inui đều chơi ở vị trí tiền vệ ở CLB vì thần tượng Tsubasa. Họ chỉ chuyển sang vị trí tấn công khi chơi cho Nhật Bản.
Nếu “Captain Tsubasa” ảnh hưởng sâu rộng đến lứa cầu thủ 8x, 9x thì “Blue Lock” hứa hẹn sẽ là cơn sốt của 1-2 thập kỷ tới. Chủ đề xoay quanh cái tôi, sự quyết đoán đến ích kỷ của một tiền đạo đang thu hút người hâm mộ đón chờ từng tập.
Sau 2 chiến thắng trước những gã khổng lồ của bóng đá thế giới, nhiều người cho rằng cầu thủ Nhật Bản đang say trong men chiến thắng, tận hưởng những phút nghỉ ngơi thoải mái. Nhưng họ có lẽ sẽ học nằm lòng câu nói của HLV Jinpachi Ego trong “Blue Lock”: “Trong khi bạn đang phấn khích với những thành công tầm thường của mình, thì những tiền đạo thực thụ sẽ luôn đặt ra lựa chọn: tiếp tục chiến thắng hay mất tất cả. Mỗi trận đấu là một cuộc chiến, chỉ có thắng hoặc thua, không thể bằng lòng với thực tại và phải luôn hướng về phía trước, như thể mỗi ngày là một cuộc chiến để sống sót”.
Bạn nên quan tâm