Công việc của HLV võ thuật không phải là để làm cho võ sĩ nhanh hơn hay mạnh mẽ hơn mà đó là nhiệm vụ của HLV thể lực thể chất.
Đối với HLV võ thuật, điều quan trọng nhất là hiểu học trò, tìm ra chiến thuật hợp lý để chuẩn bị cho học trò chiến thuật NỀN TẢNG phù hợp với giáo án, lối đánh của lò và chiến thuật TỐI ƯU cho giải đấu/đối thủ sắp tới.
Rồi từ các chiến thuật đó, HLV võ thuật mới tìm hiểu xem võ sĩ cần nhanh hơn hay mạnh hơn, cụ thể là nhanh hơn, mạnh hơn ở kỹ thuật nào, tình huống nào rồi phối hợp với HLV thể lực để cho ra bài tập hiệu quả nhất.
Dưới trướng của HLV võ thuật còn có thể có thêm những HLV chuyên soi xét kỹ thuật, HLV cầm pad và cả những HLV có thể mô phỏng tình huống tốt để võ sĩ tập drills (vào đôi) hiệu quả.
HLV thể lực là người phối hợp với HLV võ thuật. HLV thể lực phải hiểu chiến thuật của team, ý đồ của HLV võ thuật để từ đó ra các bài tập phát triển cơ bắp, sức mạnh, sức bền, sức nhanh... cho võ sĩ thi đấu.
Quan trọng nhất là HLV thể lực phải hiểu cơ chế vận động của môn võ mình đang hỗ trợ để có thể đưa ra các bài tập tối ưu nhất.
Từ các vấn đề trên, có thể thấy rằng, các HLV võ thuật không nhất thiết phải là người chuyên sâu về thể lực, nhưng họ cũng cần có một chút ít kiến thức nhất định để có thể hiểu, nhìn ra cái đúng hoặc cái sai của HLV thể lực đang cộng tác mà cùng nhau phát triển võ sĩ.
HLV trưởng (head coach) sau khi nhận được lịch thi đấu mới nhất của học trò sẽ cùng các HLV và võ sĩ tiến hành mổ băng nghiên cứu. Ông phải tham khảo với các HLV kỹ thuật để tìm ra điểm cần thay đổi trong chiến thuật nền tảng của ông cho võ sĩ.
Về các sự thay đổi này, có thể lấy ví dụ từ Manny Pacquiao. Với Pac, đòn móc số 3 (tay phải) của Pac có vai trò quan trọng trong chiến thuật nền tảng của anh. Do đó, với mỗi trận đấu khác nhau, HLV Freddie Roach sẽ có một sự điều chỉnh khác nhau:
- Với đối thủ có tầm jab thấp, Pac cần có cú số 3 ở tầm cao để tránh được cái tay jab của đối thủ. (Ricky Hatton)
- Với đối thủ có guard đóng, đòn móc phải của Pac cần vào gần, biên độ rộng để đánh vào mang tai đối thủ. (Miguel Cotto)
- Với đối thủ có guard mở, đòn móc phải của Pac phải có biên độ hẹp và kết hợp bẻ góc để khai thác điểm hở phía chính giữa guard. (Timonthy Bradley)
Từ đó, HLV kỹ thuật và các HLV cầm pad của đội Freddie Roach sẽ thiết kế ra các bài tập drills, pad work, bao cát sao cho đảm bảo Pacquiao đi đúng chiến thuật nhất.
Các HLV kỹ chiến thuật này cũng sẽ góp ý tính nước đi cho Pacquiao và các kế hoạch dự phòng khi Pacquiao bị bắt bài chẳng hạn như vị trí đặt tay ở đâu là an toàn nhất theo thói quen phản công của đối thủ...
Sau khi thảo luận chiến thuật xong, Freddie Roach sẽ tiến đến HLV thể lực để ra yêu cầu đại loại như:
- Tôi cần Pac mạnh hơn ở cú số 4 với biên độ thế này. Đối thủ đợt này cằm khá yếu nên tôi cần Pac mạnh hơn nữa chứ không cần Pac quá nhanh. Anh ấy sẽ có cú số 4 mở đòn như thế này và đòn quyết định là như thế này....
- Chân Pac đang bị chấn thương, và cần giảm áp lực trong 2 tuần, ông có thể ra bài nào đừng gây áp lực đến vùng chấn thương đó....
- Đối thủ có đòn .... rất mạnh và Pac cần lách thấp hoặc đỡ để tránh vùng đó, chỗ đấy sẽ phải chịu đòn nhiều nên ông gia cố cho cậu ấy nhé...
Đó là một mô hình huấn luyện hoàn hảo với sự phối hợp ăn ý nhuẫn nhuyễn giữa các thành viên trong đội huấn luyện với nhau. Tất nhiên vấn đề sẽ còn phức tạp lên rất nhiều, nhưng quá trình huấn luyện có thể tóm tắt như vậy.
Về chuyên môn võ, đa phần các HLV võ thuật hàng yếu thường hiểu sai về vai trò của bản thân. Do đó, dù mang cương vị là HLV võ thuật, các HLV này chỉ chăm chăm vào việc phát triển thể chất, thể lực của võ sĩ mà quên mất rằng chiến thuật là thứ đáng lẽ họ phải tập trung cao nhất.
Về chuyên môn thể lực, Việt Nam đang trong tình trạng thiếu hụt HLV thể lực chuyên môn cho võ thuật nên thường phải tận dụng các HLV thể lực, thể chất của các bộ môn phát triển khác như bóng đá, chạy bộ, thể hình... về để dạy.
Điều này là hoàn toàn hợp lý, nhưng vì thiếu trải nghiệm môn, các HLV thể lực này thường có một hoặc vài điểm lệch lạc trong việc chuẩn bị thể chất cho võ sĩ và rất cần có một HLV võ đủ chuyên môn để nhận ra những thiếu sót của họ.
Tuy nhiên, như mình đã nói, để hợp tác được với HLV thể lực, các HLV võ cũng cần phải ít nhiều có các kiến thức về thể lực, thể chất để nhìn nhận cái đúng, cái sai của HLV thể lực cộng tác.
Vì mảng khoa học thể thao và cả mảng chiến thuật trong võ thuật tại Việt Nam vẫn chưa được chú ý nhiều, do đó việc tìm tòi, học hỏi các tư liệu tiếng Việt là khá khó khăn cho các HLV võ.
Do đó, nếu ngoại ngữ chưa đủ tốt thì hãy tự vạch đường cho bản thân bằng những câu hỏi sau:
Giáo án của mình đang nhắm đến lối đánh nào hay mình đang hướng tới mục tiêu gì (đánh MMA, Kickbox, đánh Boxing pro, đánh Boxing Olympic). Hay các bạn đang theo đuổi style nào (Counter, Pressure, Aggressive Counter, Defensive Counter...) Sau khi tìm được cái style trong phong cách giáo án, hãy tìm cách tối ưu nó hơn.
Các kỹ thuật, drill trong giáo án đánh ở cự ly gần, trung bình, hay cự ly xa? Tùy vào lối đánh mà các HLV sẽ sắp đặt lại số lượng kỹ thuật cho các cự ly đánh khác nhau. Chẳng hạn một lò chuyên dạy đánh gần thì sẽ bổ sung nhiều combo, kỹ thuật đánh gần hơn là ở các cự ly còn lại. Một lò MMA chuyên vật sẽ tập trung vào các kỹ thuật close range ở vị trí xa và trung bình...