Tính theo mốc thời gian âm lịch của người Việt Nam, một trong những năm Draft gặt hái thành công nhất trong các năm con Hổ là năm Mậu Dần 1998. Cùng Sport5 quay ngược thời gian và điểm mặt những tân binh được Draft năm ấy đã thay đổi chóng mặt đến mức nào.
Bên cạnh Vince Carter, thương vụ trao đổi Dirk Nowitzki cũng là một trong những pha trade đi vào lịch sử NBA. Năm Mậu Dần đó, chỉ cần một đội bóng thay đổi nước đi thì tương lai của các cầu thủ có thể đã rẽ sang một hướng hoàn toàn.
Ở thời điểm đó, ít ai kỳ vọng một cầu thủ người Đức, được lựa chọn ở vị trí thứ 9 tại kỳ NBA Draft sẽ tạo ra nhiều khác biệt cho Dallas Mavericks. Thế nhưng, trung phong mang số áo 41 đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của fan hâm mộ lẫn giới chuyên môn. Dần dần, anh phát triển kỹ năng ném fadeaway trở thành một thương hiệu và không thể bị cản phá khi kết hợp với chiều cao 2m13.
Dirk Nowitzki và cú ném fadeaway thương hiệu
Anh kết thúc sự nghiệp NBA sau 21 năm trung thành với chỉ 1 màu áo Mavericks. Huyền thoại người Đức có một chức vô địch năm 2011 cùng danh hiệu Finals MVP năm đó, một danh hiệu MVP năm 2007, đứng thứ 6 trong danh sách ghi điểm mọi thời đại và có 14 lần tham dự đội hình All Star. Anh cũng được xem như cầu thủ nước ngoài có thành tích vĩ đại nhất tại NBA tính đến thời điểm hiện tại.
Những năm cuối cùng của sự nghiệp, Dirk Nowitzki vẫn thường xuyên góp mặt trong đội hình xuất phát dù không còn quá bùng nổ như xưa. Trước khi nói lời giải nghệ vào mùa hè năm 2019, Dirk Nowitzki vẫn kịp sát cánh và gửi gắm niềm hy vọng vào đàn em, người kế thừa và tương lai của Dallas Mavericks là Luka Doncic.
Thật đáng bất ngờ là huyền thoại Hall of Fame duy nhất trong danh sách này lại xếp thứ 10 trong lứa cầu thủ tham dự NBA Draft năm Mậu Dần 1998. Paul Pierce đã bỏ dở 4 năm đại học của mình để bước chân vào NBA và được lựa chọn bởi một đội bóng mà anh thù ghét nhất lúc bấy giờ, Boston Celtics.
Tại đây, đội bóng "Cỏ ba lá" đã thiết lập "bộ ba" Paul Pierce – Ray Allen – Kevin Garnett từng "làm mưa làm gió" tại NBA trong những năm 2000. Bản thân ngôi sao mang số áo 34 đã mang về danh hiệu Finals MVP cùng chức vô địch sau khi đánh bại Kobe Bryant và Los Angeles Lakers vào năm 2008.
Được lựa chọn ở lượt pick gần cuối vòng 1, tuy nhiên, Paul Pierce đã chứng minh sai lầm của những đội bóng từng ngó lơ anh (bao gồm đội bóng anh từng yêu thích nhất là Lakers) bằng những trang sử lẫy lừng của sự nghiệp
Sau 19 năm khoác áo 4 đội bóng khác nhau, năm 2017, Paul Pierce nghỉ hưu trong màu áo Celtics và được đội bóng treo số áo 34 tại sân TD Garden. Năm 2021 vừa qua, anh chính thức được ghi danh lên Đại sảnh danh vọng Hall of Fame.
Kể từ khi nghỉ hưu, ông theo đuổi sự nghiệp bình luận viên, phân tích viên của ESPN. Tuy nhiên, vì thái độ thiếu chuyên nghiệp cũng như đời tư thị phi, huyền thoại Celtics đã bị sa thải. Hiện tại, công việc chính của cựu cầu thủ 44 tuổi được cho là kinh doanh cần sa.
Keon Clark chỉ có vỏn vẹn 6 năm tại NBA tuy nhiên, anh vẫn kịp tạo nên dấu ấn trong màu áo Toronto Raptors khi lập kỷ lục số pha blocks nhiều nhất lịch sử đội bóng vào năm 2001 (12 pha trong 1 trận đấu). Cựu cầu thủ 46 tuổi kết thúc sự nghiệp với 8,2 điểm, 5,9 rebounds cùng 1,62 blocks trung bình mỗi trận đấu.
Có thể thấy sự nghiệp của anh không để lại quá nhiều thành tựu đáng nhớ. Thế nhưng, hậu giải nghệ, cái tên Keon Clark bắt đầu xuất hiện dày hơn trên các mặt báo. Anh thường xuyên phải hầu tòa vì những rắc rối cá nhân, chủ yếu liên quan đến rượu và chất kích thích.
Lúc này, nhiều thông tin bắt đầu được hé lộ về sự nghiệp của cựu cầu thủ 46 tuổi. Nhiều HLV và chuyên gia đánh giá anh là "một cầu thủ tiềm năng nhưng thiếu chín chắn". Bên cạnh việc thiếu tỉnh táo, anh còn vô kỷ luật.
Năm 2013, cựu cầu thủ NBA chịu án tù 8 năm vì tàng trữ vũ khí và lái xe khi đang sử dụng chất kích thích dẫn đến tai nạn. Keon Clark từng thừa nhận: "Tôi chưa thi đấu trận nào trong tình trạng tỉnh táo". Đồng đội cũng cho biết thường xuyên thấy anh "nốc" bia, rượu ngay cả trong giờ nghỉ giữa trận.
Tuy nhiên, khoảng thời gian "bóc lịch" đã giúp Keon Clark đổi đời. Nhờ "cải tà quy chính", anh được ra tù sớm vào năm 2017. Kể từ đó, cựu cầu thủ 46 tuổi đã trở thành một diễn giả với mong muốn giúp đỡ mọi người không đi vào "vết xe đổ" của bản thân.
Keon Clark của hiện tại, yêu thích các công việc thiện nguyện và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
HLV Tyronn Lue là một cái tên không mấy xa lạ tại NBA. Thế nhưng, hiếm ai biết rằng ông từng đóng vai trò là một cầu thủ những năm 2000. Thực chất, vị chiến lược gia này còn có cho mình đến 2 chiếc nhẫn vô địch NBA liên tiếp ở vai trò cầu thủ.
Tuy nhiên, đóng góp của ông trong chức vô địch năm 2000 và 2001 của Lakers lại khá lu mờ. Suốt 3 năm đầu sự nghiệp, Tyronn Lue có số phút ra sân trung bình là 13,1 phút. Phải sang đến mùa giải 2001-02, cựu cầu thủ 44 tuổi mới được HLV trọng dụng hơn ở mặt trận phòng thủ.
Sự nghiệp thi đấu của Tyronn Lue gắn liền với khá nhiều thương vụ chuyển nhượng. Do đó, sau 11 năm khoác quần đùi áo số, ông chỉ sở hữu trung bình 8,5 điểm cùng 3,1 assists mà không để lại bất kỳ dấu ấn nào khác. Tuy nhiên, Tyronn Lue lại sớm bén duyên với sự nghiệp huấn luyện.
Ngay sau khi giải nghệ vào năm 2009, ông lập tức được bổ nhiệm làm Giám đốc chuyên môn của Boston Celtics. Năm 2014, ông trở thành trợ lý HLV được trả lương cao nhất lịch sử NBA. Dưới thời của ông làm HLV trưởng, Cleveland Cavaliers đã mang về chức vô địch đầu tiên trong lịch sử đội bóng (2016), dù thành công này chủ yếu được ghi nhận bởi sự góp sức của LeBron James. Hiện tại, Tyronn Lue đang đóng vai trò cực lớn trong tập thể Clippers. Ông chính là HLV trưởng, là người dẫn đầu đoàn quân của Kawhi Leonard và Paul George.
Bạn nên quan tâm