Lời nguyền dai dẳng đeo bám những chiếc áo số 9 ở Chelsea

NGUYỄN ANH DŨNG , 19:17 06/08/2018 | Bóng đá Anh

Chia sẻ

Khi Jimmy Floyd Hasselbaink rời Chelsea và Jose Mourinho cập bến Stamford Bridge năm 2004, lời nguyền bắt đầu ám lấy chiếc áo số 9 của Chelsea.

Chelsea

Chelsea

Jimmy Floyd Hasselbaink là một trong số ít trường hợp hiếm hoi thành công với con số 9 "ám ảnh" này. Trong 4 năm khoác áo Chelsea, danh thủ người Hà Lan đã ghi 88 bàn sau 177 trận. Sau Hasselbaink, gần như tất cả những người thừa kế chiếc áo số 9 từ đều gây thất vọng.

Mateja Kezman

Ghi 105 bàn thắng sau 122 trận cho PSV để lên ngôi vua phá lưới Hà Lan trong 3 mùa liên tiếp, Kezman lọt vào mắt xanh của Mourinho và gia nhập Chelsea vào mùa hè 2004 với mức giá 5,3 triệu bảng. 

Tuy vậy, tiền đạo người Serbia chỉ thi đấu ở sân Stamford Bridge đúng một mùa 2004/05, ghi 8 bàn thắng sau 40 trận. Rời nước Anh, Kezman tới Atletico Madrid và cũng chỉ thi đấu một mùa ở đây.

Lời nguyền dai dẳng đeo bám những chiếc áo số 9 ở Chelsea - Ảnh 1.

Mặc dù chẳng có nhiều dấu ấn ở đội bóng tây London, Kezman thừa nhận một năm ở Chelsea là quãng ngày đẹp nhất đời anh. "Sống và thi đấu ở London là kỷ niệm mà tôi sẽ không bao giờ quên. Chelsea là điều tốt đẹp nhất trong sự nghiệp của tôi. Đó là đỉnh cao sự nghiệp của tôi, chắc chắn".

Hernan Crespo

Chân sút người Argentina là "nỗi ám ảnh" với các hàng phòng ngự tại Serie A khi còn khoác áo Parma, Lazio hay Inter Milan. Chỉ có điều anh không phù hợp với Chelsea và cuộc sống ở nước Anh.

Mùa hè 2003, Chelsea chi 16,8 triệu bảng, mức giá tương đối cao ở thời điểm đó để sở hữu Crespo. Cây săn bàn đến từ Nam Mỹ chơi khá tốt trong mùa giải đầu tiên, ghi 12 bàn thắng trong 31 trận trên mọi đấu trường.

Sự có mặt của Mourinho cùng với Didier Drogba vào mùa hè năm 2004 đã biến Crespo thành quân bài dự bị trên hàng công Chelsea. Anh tạm rời London, sang AC Milan thi đấu mùa 2004/05 theo dạng cho mượn.

Lời nguyền dai dẳng đeo bám những chiếc áo số 9 ở Chelsea - Ảnh 2.

Hè 2005, do không mua được tiền đạo giỏi để tạo động lực cho Didier Drogba nên Mourinho quyết định gọi Crespo về, đồng thời hứa hẹn sẽ tạo cơ hội thi đấu. Tiền đạo người Argentina chớp lấy thời cơ để đặt dấu ấn lớn nhất của mình ở xứ sương mù. Anh ghi 13 bàn trên mọi đấu trường, góp công không nhỏ giúp Chelsea vô địch Premier League lần thứ hai liên tiếp.

Bất chấp thuyết phục được Mourinho bằng thành tích thực tế, Crespo kiên quyết đòi về Italy vì không thể thích nghi với cuộc sống tại nước Anh.

Khalid Boularouz

Lời nguyền dai dẳng đeo bám những chiếc áo số 9 ở Chelsea - Ảnh 3.

Trung vệ Hà Lan được mua về với giá 9 triệu bảng hè 2006. Boulahrouz thi đấu không tốt và chỉ xuất hiện vỏn vẹn 14 lần. Năm 2008, Chelsea bán Boularouz với giá 4,5 triệu bảng cho CLB Stuttgart.

Ngoài Boulharouz còn có Steve Sidwell và Franco di Santo là những người không đá tiền đạo vẫn đeo áo số 9 vì số áo yêu thích của họ đã có người sử dụng. Tất cả đều không đáp ứng yêu cầu.

Andriy Shevchenko

Trong màu áo AC Milan, Shevchenko là sát thủ lừng lẫy châu Âu nhưng khi đến với Chelsea, Sheva lại lóng ngóng như một cầu thủ học việc. Con số 30 triệu bảng cho một tiền đạo 29 tuổi quả là ý tưởng điên rồ và Abramovich đã phải hối hận rất nhiều khi tiền đạo Ukraine trở thành món hàng siêu hớ của The Blues.

Lời nguyền dai dẳng đeo bám những chiếc áo số 9 ở Chelsea - Ảnh 4.

Fernando Torres

Dường như sau thương vụ Andriy Shevchenko, Abramovich không từ bỏ thói quen mua sắm theo sở thích. Tỷ phú người Nga vung 50 triệu bảng để mua Fernando Torres vừa trở lại sau chấn thương dài hạn.

Tiền đạo người Tây Ban Nha đã bỏ lại tất cả hào quang của mình ở sân Anfield để tới Chelsea với bộ mặt hoàn toàn khác. Anh vô hại, bất lực trước khung thành đối thủ và đánh mất đi bản năng cũng như sự tự tin của mình. Ba đời HLV Chelsea không thể cứu vớt lại phong độ đỉnh cao của El Nino. Tỷ phú người Nga một lần nữa thất bại trong ván bài may ít rủi nhiều này.

Lời nguyền dai dẳng đeo bám những chiếc áo số 9 ở Chelsea - Ảnh 5.

Torres bị coi là một trong những bản hợp đồng thất vọng nhất của Chelsea và lịch sử Premier League. Nhưng anh lại sở hữu nhiều danh hiệu danh giá nhất trong danh sách số 9 của Chelsea: 1 Champions League, 1 Europa League và 1 cúp Ngoại hạng Anh.

Radamel Falcao

"Mãnh hổ" chỉ còn là "mãnh mèo" ở MU và Chelsea. Trước khi tìm lại đẳng cấp ở Monaco, Falcao từng có một mùa khoác áo Man Utd. Dù được kỳ vọng rất lớn, tiền đạo này ra đi cùng sự thất vọng tràn trề khi chỉ ghi được 4 bàn thắng trong 26 trận. Mùa 2015/16, Falcao khoác áo Chelsea nhưng cũng không thể khá hơn. "Mãnh mèo" thường không được sử dụng hoặc chơi mờ nhạt khi vào sân. Anh đá 10 trận, ghi 1 bàn.

Lời nguyền dai dẳng đeo bám những chiếc áo số 9 ở Chelsea - Ảnh 6.

Nguồn cơn của ác mộng tại nước Anh là chấn thương đứt dây chằng chéo trước dính phải trong một trận đấu ở cúp Liên đoàn Pháp ngày 22/1/2014. Từ chỗ là một trong những chân sút lợi hại nhất thế giới khi mới gia nhập Monaco, Falcao bước vào giai đoạn đen tối nhất sự nghiệp. 

Alvaro Morata

Lời nguyền dai dẳng đeo bám những chiếc áo số 9 ở Chelsea - Ảnh 7.

Bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Chelsea phải đổi sang áo số 29 với hy vọng "giải đen". Mùa đầu của Morata không quá tồi: 11 bàn sau 31 trận, nhưng chân sút người Tây Ban Nha bị cười chê về sự yếu đuối thể chất. Morata nổ súng rất sung ở lượt đầu nhưng tắt ngóm ở lượt sau.

Từ chỗ là một tay săn bàn đẳng cấp mỗi khi được trọng dụng ở Juve và Real, Morata hòa lẫn vào bức tranh toàn cảnh thất vọng tràn trề của Chelsea mùa trước.

Những cầu thủ từng khoác áo số 9 ở Chelsea trong kỷ nguyên Premier League

Tony Cascarino (1992-94)
Mark Stein (1994-96)
Gianluca Vialli (1996-99)
Chris Sutton (1999-2000)
Jimmy Floyd Hasselbaink (2000-2004)
Mateja Kezman (2004-2005)
Hernan Crespo (2005-2006)
Khalid Boulahrouz (2006-2007)
Steve Sidwell (2007-2008)
Franco Di Santo (2008-2010)
Fernando Torres (2011-2015)
Radamel Falcao (2015-2016)

Alvaro Morata (2017 - hè 2018)