Trong quá khứ đã có không ít lần trái bóng trở thành đề tài bàn luận của giới chuyên môn. Còn nhớ trái bóng Jabulani được sử dụng tại kỳ FIFA World Cup 2010 khiến nhiều thủ môn phải than trời vì quỹ đạo khó lường của nó. Và các cầu thủ Mỹ cũng có một chút khó chịu khi phải sử dụng trái bóng khác biệt.
Tại NBA, các cầu thủ vốn quen sử dụng trái bóng Spalding với ít vân bóng cộng thêm lớp da dày nhám bám vào tay khá chắc. Với trái bóng quen thuộc đó các tuyển thủ tại NBA sở hữu tỉ lệ dứt điểm thành công 46,6% và con số này là 36,7% ngoài vạch ba điểm (dựa theo thống kê của Basketball Reference). Bất chấp việc sân bóng rộng hơn cũng như khoảng cách vạch ba điểm cũng xa với rổ so với tiêu chuẩn FIBA, dường như cầu thủ NBA vẫn dứt điểm tốt hơn rất nhiều khi đối chiếu với kỳ Olympic Tokyo 2020.
Tại kỳ thế vận hội tổ chức trên đất Nhật đang diễn ra, ban tổ chức đã quyết định sử dụng Molten làm nhà cung cấp bóng sử dụng trong thi đấu nội dung 5x5 lẫn 3x3. Với cụ thể nội dung 5x5, mẫu bóng được sử dụng là B7G4500. Đây là mẫu bóng có cùng kích cỡ với những trái Spalding được sử dụng tại NBA (chu vi 749,3 cm). Tuy nhiên khác với Spalding, mẫu bóng Molten B7G4500 có nhiều vân bóng và sát nhau hơn. Ngoài ra một đặc điểm khác biệt quan trọng đến từ độ bám của hai mẫu.
Cụ thể hơn với trái bóng Spalding được sử dụng tại NBA, lớp da dày và nhám khiến nó có cảm giác cứng cũng như bám tay hơn khi ướt do mồ hôi bám vào. Trong khi đó cựu danh thủ NBA từng giành HCV Olympic London 2012 là Deron Williams khẳng định bóng Molten B7G4500 mang đến cảm giác xốp cũng như trơn trượt hơn khi được sử dụng nhiều.
Cựu cầu thủ NBA Raja Bell đã chia sẻ với tờ CBS Sports vào ngày 20/7 vừa qua rằng: “Tôi ghét trái bóng đó! Tôi có thể khẳng định rằng bóng do FIBA sử dụng ảnh hưởng rất nhiều tới những cú ném của tôi cũng như đồng nghiệp tại NBA. Trái bóng ấy nhẹ hơn, cảm giác nhỏ hơn và phân bố vân bóng cũng khác. Ý tôi là nghệ thuật ném rổ dựa nhiều vào phản xạ cơ bắp vì thế sẽ rất khó khăn khi cảm giác ném rổ của bạn bị thay đổi. Đó là vấn đề rất lớn”.
Trên đây là một nhận định nghe có phần hợp lý đến từ một người từng có trải nghiệm thi đấu chuyên nghiệp đỉnh cao. Điều này có thể giải thích phần nào cho tỉ lệ dứt điểm cực kỳ tệ hại của những ngôi sao hàng đầu NBA trong trận ra quân Olympic Tokyo 2020 trước người Pháp. Dù được thi đấu với vạch ba điểm ngắn hơn, họ chỉ có thể chuyển hóa thành công 31% số cú dứt điểm tầm xa và 36% trên toàn sân. Tuy nhiên luận điểm này lại nhận phải sự phản bác đến từ tay ném cừ khôi Joe Harris thuộc biên chế Brooklyn Nets.
Chia sẻ với tờ The Athletic, thiện xạ khoác áo số 12 khẳng định trái bóng không phải là nguyên nhân của phong độ ném rổ tệ hại tuyển Mỹ đang trải qua: “Bạn có thể đi hỏi từng cầu thủ đã ra sân và dứt điểm trong trận đấu đó rồi hỏi về cảm giác bóng của họ. Chắc chắn sẽ không ai cảm nhận thấy có gì khác bởi thực sự sẽ không thể chú ý tới những tiểu tiết không quan trọng ấy lúc thi đấu”.
Joe Harris hoàn toàn có bằng chứng cho lời khẳng định của mình. Tại kỳ FIBA World Cup 2019 sử dụng cùng mẫu bóng Molten B7G4500, các tuyển thủ Mỹ vẫn có hiệu suất ném ba điểm gần như y hệt tại NBA. Joe Harris và Kemba Walker lần lượt ném rổ đạt hiệu suất 50% và 38%. Thậm chí Donovan Mitchel còn ném tốt hơn cả lúc thi đấu tại NBA khi đạt con số 40% ngoài vạch ba điểm. Kevin Durant cũng là ví dụ điển hình khi anh luôn bắn phá nát rổ các đối thủ của mình mỗi khi chơi tại Olympic với các con số thuộc hạng quái vật là 58% tại Rio 2016 và 52% ở London 2012.
Rõ ràng có tồn tại sự khác biệt giữa bóng thi đấu tại NBA và Olympic Tokyo 2020 nói riêng và hệ thống giải trực thuộc FIBA nói chung. Thế nhưng khi đã là cầu thủ chuyên nghiệp được trả hàng chục triệu USD mỗi năm để chơi bóng rổ, thật sự hài hước khi đổ lỗi cho thất bại của mình vào trái bóng thi đấu.
Bạn nên quan tâm