Phải chăng kỳ vọng quá lớn đang đè nát đội tuyển Mỹ tại Olympic Tokyo 2020?

Mây , 14:26 26/07/2021 | Bóng rổ

Chia sẻ

Kỳ vọng từ NHM và truyền thông không phải yếu tố lớn nhất đang khiến đội tuyển Mỹ sa lầy tại Olympic Tokyo 2020.

Đội tuyển Pháp đã tạo nên cú sốc đầu tiên tại kỳ Thế vận hội năm nay khi đánh bại đội tuyển Mỹ (ngày 25/7). Mặc dù thi đấu lấn lướt hơn và dẫn trước đội tuyển Pháp phần lớn thời gian thi đấu, thế nhưng thảm họa đã ập đến với đội tuyển Mỹ ở hiệp thi đấu thứ 3.

Phải chăng kỳ vọng quá lớn đang đè nát đội tuyển Mỹ tại Olympic Tokyo 2020? - Ảnh 1.

Màn mở màn thảm họa của Tuyển Mỹ tại Olympic Tokyo 2020

Kevin Durant, niềm tin lớn nhất của đội tuyển xứ cờ hoa đã mắc phải 4 lỗi cá nhân và phải ngồi ngoài phần lớn hiệp 3 và đội tuyển Pháp từ bị dẫn trước 8 điểm đã dẫn ngược lại 6 điểm khi hiệp 3 kết thúc. Ở hiệp thi đấu cuối cùng, dù đã tăng cường lực lượng nhưng với việc Durant phạm lỗi cá nhân thứ 5 cùng cú trượt chân tai hại của Damian Lillard, đội tuyển Mỹ đã phải ngậm ngùi chấp nhận thất bại cay đắng 83-76.

Ngay sau thất bại cay đắng này, một loạt những bình luận tiêu cực dồn về phía các chàng trai đại diện cho nền bóng rổ số một thế giới. Rõ ràng việc để thua ngay trong trận mở màn sau chuỗi 25 trận bất bại kể từ năm 2004 là điều không có bất cứ fan nào mong muốn. Với lối chơi có phần rời rạc nửa cuối trận, các ngôi sao liên tục bỏ lỡ cơ hội ngon ăn, thầy trò Gregg Popovich xứng đáng phải nhận những chỉ trích. Tuy nhiên rõ ràng họ đang phải đối mặt với quá nhiều kỳ vọng đặt lên vai.

Phải chăng kỳ vọng quá lớn đang đè nát đội tuyển Mỹ tại Olympic Tokyo 2020? - Ảnh 2.

Áp lực đã khiến tuyển Mỹ vụn vỡ

Sau trận thua đáng buồn trước đội tuyển Pháp, NHM trung lập có thể nhận thấy fan đội tuyển Mỹ phân hóa ra hai nhóm rõ rệt. Nhóm thứ nhất gồm những người chỉ nhìn vào kết quả và dễ dàng buông lời “sắc mỏng” chỉ vì thấy Damian Lillard vấp ngã mất bóng, Kevin Durant mắc lỗi hay Jrue Holiday ném trượt pha ba điểm trống trải. Đáng buồn thay khi họ vốn là những người từng tung hộ đội hình toàn sao này nhiều nhất và lớn tiếng cho rằng sẽ không có đội bóng nào đủ sức cản bước thầy trò Gregg Popovich.

Những lời chê bai này chẳng đóng góp được gì trong việc đưa tuyển Mỹ lấy lại bình tĩnh, thậm chí còn khiến tinh thần của các ngôi sao đi xuống. Đáng buồn khi đây lại là thành phần chiếm khá đông trong hàng ngũ fan hâm mộ. “Fan phong trào” vốn xưa nay vẫn vậy, họ thường tìm một đội bóng mạnh để cổ vũ. Nếu Mỹ không sở hữu nhiều nhân tài tầm cỡ thế giới, có lẽ sẽ chẳng được nhận sự quan tâm nhiều đến vậy.

Phải chăng kỳ vọng quá lớn đang đè nát đội tuyển Mỹ tại Olympic Tokyo 2020? - Ảnh 3.

"Fan phong trào" của tuyển Mỹ là rất nhiều

Bộ phận thứ hai theo dõi một cách bình tĩnh và sử dụng góc nhìn chuyên môn để đánh giá màn trình diễn của các chàng trai xứ cờ hoa. Những nhận định của họ có thể đau đớn nhưng mang tính chất xây dựng rất cao. Tuy chỉ là thiểu số thế nhưng nếu tuyển Mỹ tiếp thu từ đây, họ có thể rút ra nhiều bài học. Một trong những người như vậy chính là Patrick Ewing cựu thành viên tuyển Mỹ của đội hình trong mơ dự Olympic Barcelona 1992.

“Tôi cổ vũ hết mình cho HLV Gregg Popovich và đội tuyển của chúng ta. Thực sự khó khăn cho các chàng trai khi liên tục mất người do Covid-19. Thế nhưng một phần lỗi lớn cũng thuộc về thế hệ 1992 chúng tôi. Toàn bộ đội hình hiện nay đều nhìn thấy cách chúng tôi từng áp đảo cả thế giới. Thế nhưng hiện nay các quốc gia khác đều đang dần bắt kịp nước Mỹ. Giờ đây có rất nhiều cầu thủ tài năng khắp nơi trên thế giới thi đấu tại NBA. Thời thế đã đổi thay rồi”.

Phải chăng kỳ vọng quá lớn đang đè nát đội tuyển Mỹ tại Olympic Tokyo 2020? - Ảnh 4.

Huyền thoại Patrick Ewing lên tiếng chỉ ra lý do thất bại

Chia sẻ của huyền thoại New York Knicks như thay lời muốn nói cho rất nhiều những con tim yêu tuyển Mỹ một cách thực lòng. Xem đội tuyển Mỹ thi đấu với Pháp trong loạt trận đầu tiên, dường như bên trong các cầu thủ đang phải chịu một áp lực vô hình. Nhưng kỳ thực ra những con mắt phán xét của NHM không phải điều khiến 12 ngôi sao trong sắc áo xanh gục ngã đau đớn đến như vậy. Bởi họ đã từng phải đối mặt với nhiều tình huống hiểm nghèo hơn hôm qua rất nhiều.

Yếu tố thực sự làm đội tuyển Mỹ thúc thủ chính là bởi áp lực do chính các cầu thủ tự áp đặt lên mình. Khoác lên mình tấm áo với ba chữ USA trên ngực áo, tất cả đều đứng trước kỳ vọng từ chính bản thân về việc tái hiện hình ảnh tuyển Mỹ năm 1992 độc cô cầu bại. Với tâm lý như vậy, họ đã không thể là chính mình trước sức nóng đến từ đối thủ. Có mấy người từng thấy Damian Lillard chuyền bóng trong tình huống phải kết liễu trận đấu như hiệp bốn vừa qua? Đến một sát thủ máu lạnh như “Dame” cũng chịu thua bởi sự nghi ngờ bản thân.

Phải chăng kỳ vọng quá lớn đang đè nát đội tuyển Mỹ tại Olympic Tokyo 2020? - Ảnh 5.

Damian Lillard đã không còn là chính mình trong thời điểm cuối trận

Nhìn trên mặt tích cực, trận thua này thực sự cần thiết cho đội tuyển Mỹ. Đây là gáo nước lạnh họ nên nhận được sớm hơn là muộn. Khi áp lực về sự hoàn hảo đến từ thế hệ đàn anh đã được gỡ bỏ, hãy cùng hi vọng vào hình ảnh đội tuyển Mỹ thanh thoát hơn ở các trận đấu tiếp theo.