Sau khi kết quả được tuyên và Andy Cruz giành về tấm HCV tại Olympic 2020, tay đấm người Cuba ngẫu hứng nhảy theo phong cách Michael Jackson ở giữa võ đài trước khi ăn mừng theo kiểu "ru em", một phần vì hạnh phúc, một phần vì muốn châm chọc đối thủ Keyshawn Davis.
Phía đối diện, Davis dường như không quan tâm tới hành động của đối thủ. Anh bước ra giữa võ đài và giơ cao ngón tay chỉ lên trời. Sau cùng, võ sĩ người Mỹ hét lớn: "Tôi vẫn là nhà vô địch dù có giành được tấm HCV hay không".
Với nhiều người, câu nói trên chỉ mang ý tự an ủi sau khi phải nhận kết quả không mong muốn. Tuy nhiên, Davis thì khác. Tay đấm 22 tuổi thực tế đã phải trải qua một cuộc đối đầu khó khăn và dai dẳng hơn nhiều so với trận gặp Cruz. Đó là cuộc chiến với căn bệnh tâm lý.
4 năm trước, Davis không bình tĩnh và kiên cường như hiện tại. Sau khi cùng gia đình chuyển từ Norfolk tới Alexandri, tay đấm này được yêu cầu tập trung vào sự nghiệp quyền Anh. Ở tuổi còn rất trẻ, Davis đã cảm thấy hàng tấn áp lực dồn nén, từ giấc mơ Olympic, kỳ vọng của gia đình cho tới việc bị cô lập ở trường.
Davis rơi vào tình trạng căng thẳng, sợ hãi kéo dài. Nhiều thời điểm, Davis thậm chí không kiềm chế được cơn giận dữ. Sau cùng, một tư vấn viên ở trường đã yêu cầu gia đình cho phép Davis tham gia trị liệu tâm lý.
"Họ cho tôi lên một chiếc cáng và tôi phải di chuyển trong suốt 3 giờ. Đến nơi, tôi mới được 'cởi trói' và thoát ra", Davis nhớ lại.
Sau đó, Davis được chứng kiến những đứa trẻ ít tuổi hơn bày tỏ cảm xúc và chia sẻ về nỗi sợ hãi. Và dần dần, Davis nhận ra anh cũng có thể mở lòng để nói ra những vấn đề của mình. Căn bệnh dần thuyên giảm.
"Tôi biết Chúa muốn tôi làm điều đó bởi vì mọi thứ đều có lý do riêng. Ông ấy muốn tôi tham gia buổi điều trị tâm lý để sau này, khi thi đấu, tôi luôn vững tin và không còn sợ hãi", Davis kể lại.
Olympic là giấc mơ trong suốt nhiều năm của Davis. Tuy nhiên, đã có thời điểm, tay đấm trẻ định từ bỏ con đường đó. Năm ngoái, đại dịch Covid-19 khiến Thế vận hội bị hoãn và khiến mọi kế hoạch của Davis bị đổ bể. Những giải đấu tuyển chọn liên tục bị hủy, không rõ khi nào có thể tiếp tục tổ chức. Cùng lúc đó, mẹ của anh bị chấn đoán mắc chứng đa xơ cứng, căn bệnh làm ảnh hưởng tới khả năng truyền tín hiệu của cơ quan thần kinh. Vì thế, Davis muốn ở gần để chăm sóc mẹ.
Võ sĩ người Mỹ quyết định rời đội tuyển và chuyển lên chuyên nghiệp. Mẹ Davis cũng khỏi bệnh, trở thành người đại diện cho tay đấm này. Sau khi có 3 trận toàn thắng, Davis mới trở lại đấu trường nghiệp dư, quyết tâm đến với Thế vận hội.
Davis đã có một chiến dịch Olympic ấn tượng. VĐV trẻ tuổi hạ đo ván HCB Sofiane Oumiha trước khi đánh bại Hovhannes Bachkov dù bị trừ một điểm. Nhờ đó, Davis có cơ hội so tài cùng Cruz.
Thực tế, Cruz là đối thủ kỵ giơ với Davis khi đã giành chiến thắng trong cả 3 lần so tài trước đó. Lúc này, Cruz cũng đang xếp hạng 1 thế giới ở hạng nhẹ và đã không thua kể từ năm 2019.
Ở trận thứ 4 và cũng là quan trọng nhất giữa đôi bên, Cruz đã lấn lướt trong hiệp đầu tiên nhưng tới hiệp 2, Davis lại là người chiếm ưu thế với những cú đòn chuẩn xác bằng tay phải. Quãng thời gian ăn tập cùng nhà vô địch thế giới Terence Crawford rõ ràng đã mang lại hiệu quả cho Davis.
Dù vậy, đây vẫn là một cuộc đấu nghiệp dư và chỉ kéo dài 3 hiệp. Tại đấu trường này, Cruz cho thấy sự nhỉnh hơn. Tay đấm người Cuba di chuyển rất tốt và tỏ rõ sự tự tin ở hiệp quyết định. Sau mỗi tình huống ra đòn trúng đích, Cruz lại giơ tay lên trời để ăn mừng, cũng như nhằm nhắc nhở các giám định.
Nếu chơi 12 hiệp, chiến thuật trên của Cruz sẽ không phát huy được tác dụng nhưng nếu trong một hiệp đấu nghiệp dư, thế là đủ. Cruz thắng điểm với tỷ số 4-1. Dù kết quả của cuộc đấu thế nào, đây cũng là dấu chấm hết cho con đường nghiệp dư của Davis.
Chiếc HCV Olympic rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Davis hiểu bản thân còn cả chặng đường dài phía trước. Làm một thống kê nho nhỏ, chỉ có 3 nhà vô địch quyền Anh thế giới hiện tại từng giành HCV Olympic, đó là Anthony Joshua, Ryota Murata và Guillermo Rigondeaux.
Trong khi đó, Shakur Stevenson, người bạn thân của Davis hiện đang giữ đai WBO, cũng chỉ có tấm HCB trong quá khứ. Những cái tên hàng đầu như Canelo Alvarez, Tyson Fury thậm chí còn chưa từng trải nghiệm bầu không khí Thế vận hội.
Cần nói thêm rằng, trong số các nhà vô địch nam ở Olympic 2016, không ai đang nắm đai thế giới. Thậm chí, 3 người trong số này đã phải nhận thất bại ở sân chơi nhà nghề.
Nói thế để thấy, chặng đường trước mắt của Davis sẽ không bị ảnh hưởng bởi thất bại vừa qua. Với các tay đấm trẻ, họ có thể xem Davis là một hình mẫu để hướng tới. Một người từng gặp vấn đề về tâm lý nhưng đã vượt qua để trở thành cái tên thuộc top đầu thế giới. Giờ Davis đang có một sự nghiệp phía trước xán lạn. Không phải ngẫu nhiên mà 2 trong 3 trận đấu chuyên nghiệp của Davis diễn ra trong sự kiện có sự góp mặt của boxer số 1 thế giới Canelo.
Giữ sự thoải mái trong tâm trí - đó là điều mà Davis ở tuổi 17 đã không làm được. Giờ thì mọi thứ đã trong tầm kiểm soát với Davis. Anh cảm thấy hài lòng bất chấp không lên ngôi ở Olympic.
"Tôi tự hào vì đã tạm gác sự nghiệp nhà nghề, tạm gác lại việc kiếm tiền, để hoàn thành giấc mơ Olympic. Rất nhiều người không chấp nhận rủi ro đó. Họ không dám chiến đấu cho những gì bản thân mong muốn. Tôi đã làm điều đó. Tôi không hối hận vì điều này", Davis chia sẻ ở buổi phỏng vấn sau trận.