Suốt chiều dài lịch sử, nước Mỹ chứng kiến hàng loạt tay đấm hàng đầu thế giới từng giành tấm HCV của Olympic. Bắt đầu với Cassius Clay, người vô địch hạng dưới nặng ở Rome vào năm 1960. Sau đó là người mà ai cũng biết - huyền thoại Muhammad Ail, tay đấm hạng nặng vĩ đại nhất lịch sử, người đến nay vẫn là hình mẫu cho rất nhiều tay đấm trẻ.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể kể đến các cái tên như Floyd Patterson, Sugar Ray Leonard, Oscar De La Hoya, Michael Spinks hay Andre Ward. Nếu phải kể hết, còn số này có thể chật kín một trang giấy. Cần nhớ rằng, Mỹ là quốc gia có nhiều VĐV giành HCV quyền Anh nhất lịch sử Olympic.
Tuy nhiên, kể từ khi Ward lên ngôi tại Athens 2004, boxing Mỹ lại chưa một lần được hưởng vinh quang Olympic ở các hạng cân của nam. Deontay Wilder chỉ có HCĐ ở Bắc Kinh 2008. Năm 2012, chẳng có tay đấm nam nào giành được huy chương dù trong tuyển có Errol Spence. Tới Olympic 2016, Shaker giành HCB hạng gà còn Nico Hernandez có HCĐ. Tấm HCV duy nhất họ giành được do công của nữ tay đấm Claressa Shields.
Phải tới kỳ Olympic lần này, boxing nam của Mỹ mới có sự khởi sắc. Bên cạnh tấm HCB của Duke Ragan, họ còn có 2 cái tên khác lọt vào chung kết là Keyshawn Davis ở hạng nhẹ và Richard Torrez Jr của hạng siêu nặng.
Nhưng với vị thế sẵn có từ lịch sử, màn trình diễn của các tay đấm Mỹ vẫn chưa khiến người hâm mộ thỏa mãn. Cần nhứ, Cuba đã có 3 vàng và 1 tấm HCĐ. Họ còn có thể nâng cao thành tích của mình trong 2 ngày tới.
Trước mắt, chúng ta hãy chờ xem liệu các tay đấm nam của Mỹ có thể góp vàng trong bối cảnh đoàn thể thao nước nhà đang cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc trên bảng tổng sắp.
Vậy thì, liệu thành tích có phần cải thiện trên sẽ mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho làng quyền Anh nhà nghề? Thật khó để tin vào điều đó.
Chiếc HCV Olympic được cho là bước đệm hoàn hảo để chạm tới đỉnh cao. Trong giai đoạn từ 1952 tới 1968, 4 tay đấm hạng nặng của Mỹ đã vô địch thế giới từ tấm HCV Olympic.
Patterson chiến thắng tại hạng trung năm 1952 trước khi vô địch hạng nặng thế giới vào năm 1956. Clay thì vô địch hạng dưới nặng năm 1960 và năm 1964, ông đánh bại Sonny Liston để trở thành ông vua tại sân chơi chuyên nghiệp.
Chu kỳ 4 năm tiếp tục chính xác với Frazier. Ông chiến thắng ở Olympic năm 1964, cũng giữ đai thế giới năm 1968. Cuối cùng là trường hợp của Georges Foreman, một trong những tay đấm có đòn tay uy lực nhất lịch sử.
Những cái tên trên, đã sử dụng hoàn hảo thành tích ở Olympic để có được thành công khi lên chuyên. Tuy nhiên, hiện tại là câu chuyện khác. Quyền Anh tại Thế vận hội đã mất đi sức hút tại Mỹ. Năm nay, đài NBC không để mắt đến boxing. Điều này có nghĩa Torrez lẫn Davis sẽ không nhận được nhiều quan tâm khi trở về, bất chấp có giành HCV.
Chiếc huy chương vàng giành được có lẽ cũng không truyền cảm hứng cho người trẻ đến với boxing. Lúc này, ngày càng có nhiều VĐV trẻ chọn đến với MMA.
Nếu muốn mang đến sức ảnh hưởng lớn, các tay đấm nam của Mỹ bên cạnh tài năng cần có cá tính nổi trội. Bên cạnh đó, họ cũng cần được truyền thông quan tâm và đánh bóng liên tục. Khi lên đài, họ phải có những trận đấu hay và hấp dẫn. Tuy nhiên, năm nay thời gian phát sóng không ủng hộ Mỹ. Nếu muốn xem Ragan tranh đai cách đây ít ngày, tất cả phải dậy từ lúc 2h30 sáng. Không nhiều người làm điều đó bởi họ vẫn phải đi làm vào ngày kế tiếp.
Thực tế, các tay đấm hạng nặng sẽ dễ tạo dấu ấn hơn. Tuy nhiên, từ vài năm nay, hạng nặng của Mỹ có dấu hiệu đi xuống. Theo Sport Yahoo, ngày càng nhiều những VĐV có hình thể tốt chọn chơi NBA, NFL, MMA thay vì quyền Anh. Nếu thiếu sức hút, các ông bầu tất nhiên sẽ do dự khi bỏ tiền đầu tư.
Thế giới luôn xoay vần và boxing cũng vậy. Giờ đây, chiếc HCV Olympic đã không còn là bảo chứng cho một tay đấm xuất sắc cho tương lai. Lúc này, có quá nhiều môn để những đứa trẻ tạ Mỹ lựa chọn.
Quyền Anh từng là môn giúp người Mỹ tự hào tại Thế vận hội. Nhưng gần 20 năm, điều đó đã không còn nữa. Theo nhiều báo cáo, sự chú ý của xứ cờ hoa cho boxing cũng liên tục giảm. Điều đó sẽ khó thay đổi dù boxing nam của Mỹ có lên ngôi ở Olympic năm nay.