Kết thúc lễ bốc thăm, tất cả đều đổ dồn vào màn đối đầu giữa các đại diện LCK và LPL. Trong đó, cuộc đụng độ tâm điểm gọi tên EDG và T1. Truyền thông cùng cổ động viên Hàn Quốc đều tỏ ra hài lòng. Không những vậy, họ còn cho rằng tương lai ở CKTG 2021 xán lạn với T1.
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc cũng tự tin về tấm vé đi tiếp cho các đội tuyển nước nhà. Sohu, QQ đều đồng loạt chia sẻ việc 4 hạt giống LPL sẽ vượt qua vòng bảng. Rõ ràng, khi cuộc chiến thật sự chưa bắt đầu, màn tranh luận bằng con chữ đã vô cùng kịch tính.
LMHT Trung Quốc sở hữu tiềm lực kinh tế mạnh mẽ. Đằng sau các đội tuyển LPL đều là những ông chủ lớn, máu mặt trong giới nhà giàu đất nước tỷ dân. Điều này ngày càng tạo điều kiện và thúc đẩy giải đấu phát triển, trở nên lớn mạnh.
Không những vậy, sau khi tái cơ cấu thời điểm 2017, LPL cũng chuyển đổi thể thức thi đấu. Giống LCK, giải LMHT Trung Quốc áp dụng BO3 ở vòng bảng, BO5 tại lượt trận playoffs. Từ đó, LPL tiếp bước khu vực hàng xóm, trở thành sân chơi khắc nghiệt nhất thế giới.
Chỉ một năm sau, LMHT Trung Quốc lập tức gây dấu ấn trên trường quốc tế. RNG đưa LPL trở lại ngôi vương MSI 2018 kể từ sau chức vô địch của EDG Hè 2015. Quan trọng, Invictus Gaming đã làm rạng danh LMHT Trung Quốc khi lần đầu lên ngôi vương ở CKTG.
Chưa hết, LPL cũng bắt đầu lấn át sự thống trị từ LCK. Trong vòng 3 năm, các đại diện Trung Quốc liên tiếp có mặt tại trận chung kết tổng và đem về hai chức vô địch CKTG 2018, 2019 và một lần Á quân CKTG 2020.
Để rồi, mùa Hè 2021, LPL một lần nữa vượt mặt LCK để chạm đỉnh thế giới. Ở đó, RNG xuất sắc hạ bệ tân vương CKTG 2020, DWG, về nhất sân chơi quốc tế. Và các trang báo đất nước tỷ dân đều thẳng thừng khẳng định LPL thống lĩnh giới LMHT.
Theo Game Anchor Network, nhiều phóng viên Esports nước ngoài đã đề nghị Riot Games tổ chức LOL World Cup. Các khu vực tham dự bao gồm LPL, LCK, LEC và LCS. Và điều kiện tiên quyết là các khu vực chỉ được dùng game thủ mang quốc tịch địa phương.
Ngay lập tức, vấn đề này bị cười nhạo bởi phóng viên LCK nổi tiếng, Ashley Kang. Cô cho rằng ngoài LMHT Hàn Quốc, không khu vực nào muốn tổ chức LOL World Cup. Đặc biệt, LPL, giải đấu chuộng các game thủ xứ kim chi càng nói không với ý tưởng trên.
Chưa dừng lại ở đó, Ashley Kang còn đưa ra hàng loạt luận cứ bảo vệ quan điểm bản thân. Theo đó, tới tháng 4/2021, 38/44 game thủ vô địch CKTG đều mang quốc tịch Hàn Quốc. Con số này chiếm đến 86.3%.
Ngoài ra, những ngôi sao top, mid lên ngôi vương CKTG 8 năm qua cũng đến từ xứ kim chi. Ý của Ashley Kang rất rõ ràng, không đội nào có thể vô địch CKTG nếu thiếu nhân tài từ Nam Hàn. Và các đội LPL thời điểm xưng bá ở sân chơi này cũng có game thủ mang quốc tịch Hàn Quốc.
Quay lại chức vô địch CKTG 2018 của IG, đội hình đại diện LPL có 2 ngôi sao đến từ nước bạn, TheShy và Rookie. Đến 2019, FPX cũng lên đỉnh thế giới khi có Doinb, GimGoon mang quốc tịch Hàn Quốc trong đội.
Mùa giải năm nay, 4 hạt giống LPL dự CKTG thì đến 3 đội có game thủ xứ kim chi đóng vai trò chủ chốt. Theo Game Anchor Network, nhận xét từ Ashley Kang mang tính chủ quan nhưng đó đều là sự thật. LMHT Hàn Quốc sản sinh ra quá nhiều tuyển thủ tài năng, hảo hạng.
Trong khi đó, gần đây, BLV Hàn Quốc, Kim Yong-Joon thậm chí cho rằng LPL còn không thể trở thành đối thủ của LCK. "LCK có tổng cộng 6 chức vô địch CKTG, còn LPL là 2. Chưa kể, hiện tại, đương kim vô địch cũng là đại diện Hàn Quốc. Sức mạnh của LCK chắc chắn đè bẹp LPL. Và ở giải CKTG 2021, kết quả cũng vậy thôi", anh cho hay.
Có quan điểm cho rằng trong thể thao điện tử không phân biệt quốc tịch. Nhưng thực tế, đó là một sự lừa dối. Bất cứ môn thể thao nào cũng đều quan tâm người tham gia đến từ đâu. Và để so kè LCK, LPL còn phải chứng tỏ rất nhiều trong tương lai.
Ít nhất, cổ động viên đều muốn nhìn thấy một đội thuần Trung Quốc vô địch thế giới. RNG ở MSI 2021 đã làm được một cách vẻ vang. Chẳng có lý do gì, trong tương lai, điều này không thể tiếp tục tái diễn. Và hơn hết, LPL vẫn là LPL khi không còn những ngôi sao đến từ Hàn Quốc.
Bạn nên quan tâm