"Đây không phải Derby của Brian Clough trong những năm 1970, giành 2 chức vô địch Anh và vào đến bán kết C1. Đây là Derby đã ở Championship được 11 năm, không dư dả tiền bạc và không ngôi sao, một thế giới khác so với thế giới mà Frank Lampard từng sống.
Vì vậy, ngay cả Pep Guardiola và Juergen Klopp cũng phải vật lộn để mang lại cho đội bóng này những thứ mà Ban lãnh đạo kỳ vọng ở Lampard. Xét trên mọi khía cạnh, đây là một trò hề tuyệt đối, của Derby, và của Lampard".
Một tờ báo Anh đã viết như vậy trong ngày cựu tiền vệ của Chelsea được bổ nhiệm làm HLV Derby, sau khi đánh bại 19 ứng viên khác. Hầu hết đều đồng ý với quan điểm này. Dù sao thì tại Anh đã có quá nhiều cựu danh thủ ở đất nước này thất bại trên cương vị quản lý.
Có thể kể ra Garry Neville, Paul Ince, Sol Campbell, Paul Scholes, Alan Shearer và cả Tony Adams, đội trưởng huyền thoại của Arsenal và tuyển Anh mà trong một cuộc nói chuyện, Luke Shaw không biết là ai, khiến Lampard nhận ra mình đã quá già và đi đến quyết định từ giã Tam sư.
366 ngày đã trôi qua kể từ đó, một khoảng thời gian không dài, nhưng những gì Lampard đã làm thực sự đáng kinh ngạc. Đập tan mọi hoài nghi và cười vào những lời chế nhạo, HLV 40 tuổi cho thấy ông đủ tốt để dẫn dắt Derby, thậm chí một đội bóng lớn ở Premier League.
Cùng Lamps, Derby đã có hành trình thú vị ở League Cup, nơi họ đánh bại MU và chỉ thua Chelsea sát nút. Đội bóng vùng East Midlands cũng đi tới vòng 1/8 Cúp FA, thành tích tốt nhất ở đấu trường này trong 4 năm qua. Và cuối cùng, chiến công vang dội nhất, đó là có mặt ở trận chung kết play-off.
Derby, quả thực là một thế giới khác so với Chelsea, CLB cũ của Lampard. Nhưng điều đó không thể ngăn đội bóng này mơ ước. Melvyn Morris, một trong những người giàu có nhất nước Anh và là chủ sở hữu Derby, sinh ra ở Derbyshire. Ông khao khát được nhìn thấy đội bóng này xuất hiện ở giải đấu hàng đầu xứ sương mù, sau đó khôi phục vinh quang cũ dưới thời Brian Clough.
Kể từ khi tiếp quản vào năm 2015, Morris đã làm mọi cách để nâng cấp Derby. Trong năm tài chính trước, bình quân cứ 100 bảng doanh thu, Derby lại dành 137 bảng để chi trả tiền lương cầu thủ. Vì thu không đủ bù chi, Morris buộc phải bán sân vận động cho một công ty con của chính ông nhằm lách luật công bằng tài chính. Một hệ quả khác là Derby không thể chi nhiều vào mùa hè trước để làm mới đội hình ngày càng già cỗi. Vậy, hãy xem Lampard, HLV thứ 6 trong triều đại mới tồn tại được 4 năm của Morris, làm thế nào để xoay sở?
Có thể thấy Lampard là một người tuyển dụng khôn ngoan, khi hầu hết 17 thương vụ, phần lớn là miễn phí hoặc đi mượn, đều thành công. Dĩ nhiên, ông cũng rất giỏi trong việc truyền cảm hứng và phát huy hết tiềm năng của các học trò, từ Harry Wilson, Mason Mount, Jack Marriott đến Fikayo Tomori.
Về mặt chiến thuật, Lampard cũng bắt kịp xu thế phát triển của bóng đá hiện đại. Derby của ông chơi với sơ đồ 4-3-3 nhưng có thể tùy biến thành 4-3-2-1 khi các tiền đạo cánh di chuyển vào trong. Họ cũng xây dựng lối chơi từ tuyến dưới, với các cầu thủ luôn di chuyển để nhận bóng ở những vị trí có thể gây nguy hiểm cho đối thủ. Cách tiếp cận của Derby rất tích cực, pressing không ngừng và chuyển đổi trạng thái nhanh chóng.
Cho đến nay, người hâm mộ vùng East Midlands đặc biệt hài lòng với thứ bóng đá hấp dẫn và nhiều phấn khích mà Lampard mang lại, để rồi kết hợp với sự hiệu quả, sẵn sàng ca ngợi cựu tiền vệ 40 tuổi là một huyền thoại chỉ sau chưa đầy 1 năm.
Nhưng liệu Lampard đã sẵn sàng trở lại thế giới quen thuộc mà ông từng gắn bó suốt 13 năm, tại Stamford Bridge?
Nếu dẫn dắt Chelsea, Lamps có rất nhiều lợi thế, từ mối quan hệ gần gũi với ông chủ Roman Abramovich, sự am hiểu cấu trúc CLB, cách mà nó vận hành đến vị thế huyền thoại khiến ông có thể quản lý tốt đám cầu thủ cứng đầu, từng lật nhào chiếc ghế của vô số HLV.
Thế nhưng chừng đó e là không đủ. Nếu ai đó hoài nghi, chỉ cần nhìn sang Ole Gunnar Solskjaer. Để thành công ở Premier League vào thời gian này, một HLV, ngoài khả năng truyền cảm hứng, phải rất mạnh về chiến thuật, đồng thời có một triết lý để theo đuổi cùng tầm nhìn dài hạn. Tất nhiên, cũng đủ nhiều kinh nghiệm để đối phó với mọi tình huống.
Lampard có thể sẽ trở thành HLV như vậy, nhưng không phải bây giờ, sau 366 ngày quản lý Derby. Sau khi thất bại ở trận play-off với Aston Villa, thật khó hình dung cách ông sẽ đương đầu với Pep Guardiola, Juergen Klopp hay Mauricio Pochettino, sau đó làm tốt hơn Maurizio Sarri trong bối cảnh mất đi ngôi sao lớn nhất Eden Hazard.
Vì vậy, sa thải Sarri, một HLV vừa giành danh hiệu Europa League để bổ nhiệm Lamps, người đã thua trong trận play-off thăng hạng, sẽ là sai lầm, tiếp nối rất nhiều sai lầm khác mà Chelsea tạo ra trong quá khứ. Và ổn định mãi là cái gì đó xa xỉ với đội bóng Tây London.
Sarri, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn mang đến 1 danh hiệu cho Chelsea
Bạn nên quan tâm