img

Thoạt đầu, C1/Champions League là giải đấu dành cho các đội vô địch quốc gia, trong khi UEFA Cup/Europa League thuộc về những đội đoạt Cúp quốc gia. Nhưng thế giới đã biến đổi quá nhanh, rất mau chóng những đội không giành danh hiệu vẫn có thể tham gia ở một trong hai sân chơi. Đó là lý do những trận chung kết giữa các đội cùng quốc gia không phải cái gì đó hiếm gặp.

Tuy nhiên, chưa bao giờ trong lịch sử, cả 4 đội sẽ chơi 2 trận chung kết, Champions League và Europa League, đến cùng một quốc gia. Nước Anh đã làm nên lịch sử, với Liverpool và Tottenham tranh Champions League, còn Arsenal và Chelsea chiến đấu ở Europa League. Dù kết quả ra sao, cả 2 chiếc Cúp sẽ được đưa về xứ sương mù.

Chuyện lúc 0h: Chào mừng châu Âu đến với kỷ nguyên thống trị của Ngoại hạng Anh - Ảnh 1.

Sự kiện này gợi nhớ những năm tháng hào hùng của nước Anh, vào thập niên 1970 và nửa đầu 1980, trước khi họ bị cấm cửa vì thảm họa Heysel (sập một bức tường SVĐ Heysel khiến 39 người chết). Vào giai đoạn đó, lá cờ thánh George của xứ England luôn vươn cao ngạo nghễ khắp Lục địa già.

Sau khi tái hòa nhập vào mùa giải 1991/92, các đội bóng Anh phải mất rất nhiều thời gian để gây dựng lại vị thế. Nhưng ngay cả khi thời kỳ vàng son nhất cuối thập kỷ 2000, họ vẫn chưa thể áp đặt sự thống trị lên châu Âu. Nước Anh chỉ vô địch Champions League 4 lần từ năm 1999-2012, cùng 2 Europa League trong cùng giai đoạn.

Bây giờ, với 2 trận chung kết toàn Anh, liệu có thể nói đây là sự khởi đầu cho kỷ nguyên thống trị của Premier League?

Lưu ý rằng 4 đội Anh ở châu Âu hiện tại chỉ đứng thứ 3, 4, 5 và 6 tại Premier League mùa trước. Và mùa này họ vẫn không phải tốt nhất, bởi Man City với 95 điểm đang dẫn đầu. Có nghĩa là nếu bao gồm Man City và (có thể là) MU mùa tới, nước Anh sẽ tiếp tục khuynh đảo 2 giải đấu châu Âu.

Điều quan trọng là các CLB Anh còn có thể mạnh hơn.

Hãy nhìn vào khía cạnh tài chính. Theo hãng kiểm toán Deloitte, Premier League hiện có doanh thu 4,8 tỷ bảng (5,6 tỷ euro) trong tài khóa trước. Con số này nhiều hơn khoảng 60% so với Bundesliga và La Liga, trong khi gấp ba lần Ligue 1.

Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tiền bạc, họ đã chi ra 1,24 tỷ bảng cho chuyển nhượng mùa hè năm ngoái, và bên cạnh các đội bóng lớn, ngay cả những CLB nhỏ như Leicester hay Fulham cũng tiêu tốn hơn 100 triệu bảng. Xu hướng này sẽ còn tăng cao vào hè tới, và sức cạnh tranh của Premier League ngày càng lớn.

Những ngôi sao vẫn sẽ tìm đến nước Anh với số tiền rủng rỉnh mà giải đấu này mang đến. 

Giàu có, sở hữu vô số ngôi sao, chơi trong những sân vận động tráng lệ và đầy ắp khán giả, những CLB Anh cũng tự nâng tầm mình khi chiêu mộ các HLV danh tiếng. Nhiều năm trước, điểm yếu của Premier League khi ra châu Âu là sự lỗi thời và đôi khi ngây thơ về mặt chiến thuật. Bây giờ, với Pep Guardiola, Mauricio Pochettino, Maurizio Sarri, Unai Emery… đó không còn là vấn đề.

Như đã xảy ra, Liverpool vô hiệu hóa Messi và Barca, sau đó giành chiến thắng không tưởng 4-0. Trước đó, họ cũng hủy diệt Bayern với chiến thuật vượt trội. Tottenham, tuy dựa vào chút may mắn, song các tinh chỉnh chiến thuật của Pochettino trong hiệp 2 chính là chìa khóa cho màn ngược dòng. Bên cạnh đó, cả hai cũng cho thấy sự bản lĩnh, trí tuệ cùng cái đầu lạnh bên cạnh trái tim rực lửa. Họ thực sự đã lớn, trưởng thành và đủ tốt để thách thức các thế lực cấp độ châu lục.

Một yếu tố khác, sự trỗi dậy của người Anh song song với quá trình đi xuống ở các nền bóng đá đối thủ. Tại La Liga, Real Madrid đã mất Ronaldo và sẽ tốn không ít thời gian + công sức để xây dựng lại. Atletico cũng tương tự, khi thế hệ đầu tiên mà Diego Simeone sở hữu đang dần được thay thế. Barcelona thì ngày càng phụ thuộc Lionel Messi, mà siêu sao 31 tuổi đã bắt đầu tỏ ra mỏi mệt.

Chuyện lúc 0h: Chào mừng châu Âu đến với kỷ nguyên thống trị của Ngoại hạng Anh - Ảnh 3.

Ở Bundesliga, Bayern đang suy yếu và cần thay máu mạnh mẽ. Còn Dortmund, thất bại tan nát trước Tottenham cho thấy, họ chưa đủ đẳng cấp để đi xa ở giải đấu danh giá nhất châu Âu. Hai đại diện ưu tú nhất của Serie A và Ligue 1, Juventus và PSG, vẫn mãi mắc kẹt trong giấc mơ châu lục bởi sự thiếu cạnh tranh ở đấu trường quốc nội.

Premier League đang đứng trước tương lai tươi sáng. Tuy nhiên vẫn còn một câu hỏi. La Liga đã phủ bóng xuống châu Âu suốt một thập kỷ qua nhờ vào các siêu sao hàng đầu thế giới, như Messi, Ronaldo, Luis Suarez, Neymar hay Gareth Bale. Các đội bóng Anh thì sao?

Hiện tại ở xứ sương mù đang đầy ắp những siêu sao thế hệ mới, như Harry Kane, Raheem Sterling, Mohamed Salah, Sadio Mane, Leroy Sane, Van Dijk. Eden Hazard hay Paul Pogba ra đi, lập tức sẽ có những cái tên khác lấp đầy, có thể là Paulo Dybala hoặc Jadon Sancho. Thêm nữa, các tài năng trải đều ở nhiều đội bóng, thay vì tập trung ở 2 CLB như La Liga.

Vì vậy, chào mừng đến với kỷ nguyên thống trị của Premier League. Và tuyên ngôn đầy kiêu hãnh, rằng mặt trời không bao giờ tắt trên đế chế Anh sẽ lại vang lên, thách thức cả châu Âu.