90 phút trên sân Allianz ở trận tứ kết lượt đi Champions League mang đến cho tất cả NHM sự phấn khích đến tột đỉnh với những diễn biến căng thẳng như một bộ phim hành động.
Phải thừa nhận ngay, chiến thắng 3-2 của PSG trước Bayern Munich dưới cơn mưa tuyết ở nước Đức là một điều phi thường. Một trận đấu đầy kịch tính ở nhịp độ rất cao, giữa những cầu thủ xuất sắc tạo nên những khoảnh khắc thiên tài. Cũng ở màn tái hiện trận chung kết Champions League năm ngoái, khái niệm về phòng ngự dường như đã biến mất.
NHM sẽ nhớ gì về trận đấu này? Những bàn thắng tuyệt vời, những pha cứu thua ngoạn mục, các quả tạt chuẩn xác, chấn thương ở khắp nơi trên sân? Để rồi đến khi tiếng còi kết thúc vang lên, đội bóng thủ đô nước Pháp đã chấm dứt chuỗi 19 trận bất bại của ĐKVĐ Champions League ngay tại giải đấu này.
Một câu hỏi tương đối rộng nhưng đây chắc chắn là trận đấu điển hình cho giai đoạn sau của Champions League ngày nay. Trải qua giai đoạn vòng bảng tương đối chặt chẽ, vòng đấu loại trực tiếp ở giải đấu danh giá nhất cấp CLB châu Âu diễn ra với một nhịp độ được cây bút Jonathan Wilson mô tả bằng cụm từ "điên cuồng" và "hỗn loạn".
Đó cũng chính là mặt trái của cấu trúc tài chính trong thế giới bóng đá hiện đại. Ở đó, họ tạo ra một nhóm nhỏ các CLB thuộc giới siêu giàu để có thể tập trung nhiều nhất số lượng cầu thủ xuất chúng. Kết quả, đây chính là chất lượng của một trận đấu tập hợp những ngôi sao tinh nhuệ nhất.
Cả PSG và Bayern Munich đều đã và đang chiếm ưu thế tuyệt đối ở giải quốc nội, khi những sự cạnh tranh kiểu Lille hay RB Leipzig là không đáng kể. Như một vị vua đã ở trên ngai vàng chiến thắng quá lâu, cả hai đều "quên" đi cách phòng ngự trong một trận bóng đá.
Nhóm CLB siêu giàu này không còn nỗi sợ thua cuộc khi thế cờ tổng thể vẫn luôn được họ thống trị. Thay vào đó, sự thờ ơ và tự mãn trên ngai vàng tuyệt đối mới là thứ hiểm họa lớn nhất với PSG hay Bayern Munich.
Mà một khi đã không còn sợ thủng lưới, việc cả PSG và Bayern Munich tăng hết ga để chơi thứ bóng đá như một trận boxing là dễ hiểu. Tất nhiên, thứ bóng đá cống hiến này là điều những ông chủ thượng lưu khát khao đến tột cùng.
Họ muốn có nhiều cuộc thư hùng như thế này, những trận đấu có chất lượng và mang đến sự hứng khởi gần như tuyệt đối.
Nhưng nói thế không có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại của việc phòng ngự trên sân cỏ. Chẳng qua, cách những CLB này định nghĩa về phòng thủ có hơi khác với những quan niệm hiện nay của đa số người xem.
Hãy đặt giả thiết nếu tất cả CLB đều "quên" cách phòng ngự, như thường xảy ra ở giai đoạn sau của Champions League, các trận đấu sẽ là những màn rượt đuổi gay cấn như thế này.
Tuy nhiên, thực tế các siêu CLB càng thi đấu với nhau nhiều hơn, càng ít gặp những đối thủ kiểu Angers, Dijon hay Mainz, Schalke 04, thì khả năng phòng ngự của họ sẽ nằm ở một đẳng cấp khác.
Đó chính là kết quả nghịch lý của một siêu giải đấu được tạo ra để thu hút mọi ánh nhìn, giống như Serie A trong những năm 1980. Nó chỉ hấp dẫn trong mắt những người làm công tác chuyên môn thuần túy, hơn là dưới lăng kính của những khán giả đại chúng.
Quan niệm về sự vững chắc trong phòng ngự vẫn chưa từng lạc khỏi suy nghĩ của những chiến lược gia hiện nay. Ở vòng đấu loại trực tiếp của Champions League, không nhiều cái tên có thể "sống sót" với một hàng thủ chắp vá.
Thoạt nhìn có vẻ cấu trúc đội hình dâng cao quá nửa sân của Bayern Munich mùa trước là một canh bạc. Thực tế, "Hùm xám" xứ Bavarian có đủ sự tự tin để chơi như thế mà không sợ khoảng trống mênh mông sau lưng hàng thủ lộ ra. Lý do đơn giản nằm ở việc Bayern có một hàng tiền vệ chắc chắn và luôn duy trì thứ pressing rất kỷ luật.
Tuy nhiên, 35 bàn thua sau 27 trận ở Bundesliga mùa này của "gã khổng lồ" nước Đức là một vấn đề khác. Trước cầu thủ tấn công xuất chúng nhất thế giới hiện nay như Kylian Mbappe, những điểm yếu của Bayern Munich cứ thế lộ ra rõ mồn một.
Bayern Munich từng thống trị tuyệt đối mùa giải trước nhưng các trận đấu bây giờ đã rất khác, về cả mặt chiến thuật và cấu trúc đội hình.
Có thể trong suy nghĩ của HLV Bayern, ông Hansi Flick không cảm thấy mình cần tạo ra một cuộc cách mạng tương tự năm 2020. Tuy nhiên, điều hấp dẫn chính là nỗ lực của các "bộ não" chiến lược còn lại ở Champions League mùa này để đưa ra một cách tiếp cận trận đấu khác biệt hơn.
Hãy lấy ví dụ về Pep Guardiola trong vài tháng qua. Thành tích lớn nhất của chiến lược gia người Tây Ban Nha không nằm ở thành tích quốc nội mà ở việc ông đã "đại tu" hàng tiền vệ Man City trở thành một thế lực đáng gờm tại Châu Âu lúc này.
Tương tự, "bại tướng" của Hansi Flick năm ngoái, HLV Thomas Tuchel mặc dù cùng trường phái bóng đá Đức nhưng lại triển khai một biến thể tiếp cận trận đấu thận trọng hơn nhiều ở Chelsea hiện tại.
Những trận đấu thú vị như PSG và Bayern Munich chỉ là minh chứng tiêu biểu cho một trận chiến tập hợp các vì sao tinh tú nhất làng túc cầu. Tuy nhiên, cần phải biết rằng chúng chỉ thật sự "vui" khi có sự hậu thuẫn của những "núi tiền" đằng sau.
Trên hết, cả PSG hay Bayern Munich đều hiểu rằng, niềm vui thường sẽ không đi kèm thành công mà ở đây chính là cúp bạc Champions League.
Bạn nên quan tâm