Cũng vào ngày này cách đây 28 năm, Đan Mạch chơi trận ra quân tại Euro 1992 với Anh. Đó là một trận hòa nhạt nhẽo và trong khi người Anh, từng váo bán kết World Cup 1990, cảm thấy bực bội thì các cầu thủ đến từ đất nước Scandinavia lại cảm thấy hài lòng.
Dĩ nhiên, bởi với họ, có mặt ở giải đấu này đã là điều không tưởng. Vì không vượt qua vòng loại, Đan Mạch hoàn toàn thờ ơ với Euro 1992. Mùa hè đến, tất cả bận rộn cho kỳ nghỉ ở bãi biển nào đó. Riêng HLV Richard Moller Nielsen đau đầu tìm kiếm công việc mới bởi chắc chắn sẽ bị LĐBĐ Đan Mạch sa thải.
10 ngày trước khi giải đấu khởi tranh, Nam Tư bị cấm tham dự vì cuộc nội chiến Balkan và Đan Mạch được chọn thay thế. Họ không thể nói không. Vì vậy, Nielsen được tiếp tục công việc và điều ông phải làm ngay lập tức là nhấc điện thoại gọi đi khắp nơi để gom quân.
Michael Laudrup, ngôi sao lớn nhất Đan Mạch đã thẳng thừng từ chối vì không muốn chơi theo tư duy phòng thủ của Nielsen. Nhưng không sao cả, Nielsen đã có được đội hình khá ưng ý với thủ môn Peter Schmeichel, hậu vệ Lars Olsen, các tiền vệ Henrik Larsen, Kim Vilfort cùng hàng công có Brian Laudrup, em trai của Michael.
Tới Thụy Điển với tư tưởng thoải mái "có thua 0-5 cả 3 trận vòng bảng cũng chẳng vấn đề", đội quân của Nielsen uống bia thả cửa trước khi bước vào trận mở màn. Và họ cũng tiếp tục uống bia sau thất bại 0-1 trước đội chủ nhà Thụy Điển, đồng thời đùa cợt về tuyên bố "đến đây để vô địch" của HLV Nielsen.
Chỉ kiếm được 1 điểm sau 2 lượt trận, Đan Mạch đứng bét bảng A và sẵn sàng cho khả năng bị loại sớm. Nhất là khi đối thủ ở lượt trận cuối là Pháp với dàn hảo thủ Didier Deschamp, Laurent Blanc, Eric Cantona cùng Quả bóng Vàng 1991 Jean-Pierre Papin.
Thêm một bất lợi cho Đan Mạch, tiền vệ trụ cột Vilfort phải bay về nhà vì sức khỏe ngày càng xấu đi của cô con gái mắc bệnh bạch cầu. Vilfort nói sẽ trở lại sớm nhưng ít ai nghĩ rằng lời hứa đó cần được thực hiện, bởi đội có thể đóng gói đồ đạc theo chân anh về nước.
Thế nhưng mọi dự đoán đều trật lất. Đan Mạch, bằng tinh thần thoải mái đã chơi một trận để đời trước tuyển Pháp chơi với quá nhiều áp lực. Henrik Larsen mở tỷ số ở phút thứ 8 và đẩy Pháp vào sự hoảng loạn. Pha gỡ hòa của Papin trở nên vô nghĩa bởi Lars Elstrup đã ghi bàn quyết định phút 78, đưa Đan Mạch vào bán kết.
Tại đó, họ phải đối đầu với nhà đương kim vô địch châu Âu Hà Lan. Nhưng Vilfort đã quay trở lại và tham gia vào trận đấu mà anh mô tả là "hay nhất sự nghiệp". Có vẻ như Đan Mạch bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về câu nói "đến đây để vô địch" của ông thầy. Hôm ấy Larsen 2 lần đưa Đan Mạch vượt lên dẫn trước và khiến những người Hà Lan chật vật tìm cách gỡ hòa. Rồi khi hai đội phân định thắng thua trên chấm phạt đền, Van Basten đã thất bại trước sự xuất sắc của thủ môn Schmeichel trong khi 5 cầu thủ Đan Mạch, gồm cả Vilfort, đều sút thành công.
Giờ thì Đan Mạch đã đứng trước cơ hội làm nên lịch sử khi đối mặt với đương kim vô địch thế giới Đức ở trận chung kết. Trước đêm trọng đại, Vilfort lại quay về bên cô con gái nhỏ và không có ý định trở lại đội. Nhưng con gái anh, người sẽ rời bỏ cuộc sống sau đó ít lâu, một mực khuyên anh tham dự trận chung kết.
Vilfort đã nghe theo, sau đó cùng với các đồng đội tạo nên khoảnh khắc vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Đan Mạch và cả bóng đá thế giới.
Tại Gothenburg, Schmeichel vô số lần khiến Juergen Klinsmann, Andreas Brehme và Stefan Effenberg nản lòng. Trong sự bực bội, tuyển Đức hùng mạnh đánh mất sự điềm tĩnh vốn có và nhận 2 bàn thua choáng váng, một đến từ Jensen và một từ Vilfort.
Câu chuyện cổ tích được hoàn tất. Đội bóng không thể giành vé tới Euro bỗng nhiên trở thành nhà vô địch, sau khi quật ngã những đội bóng mạnh nhất thế giới. Theo lý giải của Vilfort, Đan Mạch không có những ngôi sao tốt nhất, nhưng tự hào là tập thể mạnh nhất. Họ đã chơi với khí phách, niềm tự hào và cuối cùng giành chiến thắng kỳ vĩ.