Trong thảm họa tồi tệ nhất của thể thao Trung Quốc vừa qua ở Cam Túc, điều đau lòng nhất là những người tử vong đều thuộc tốp dẫn đầu. Trong top 6 chạy từ CP2 lên CP3, chỉ có duy nhất Trương Tiểu Đào là thoát nạn. Anh gần như chứng kiến những giây phút cuối của những người đồng đội, đối thủ đều quen tên, quen mặt với người hâm mộ marathon Trung Quốc. Một trong số đó là Hoàng Quan Quân.
Hoàng Quan Quân là người Miên Dương (Tứ Xuyên), cũng là niềm tự hào và tấm gương sáng cho người dân Miên Dương. Năm nay 34 tuổi, bị câm điếc từ nhỏ. Bắt đầu đến với bộ môn chạy đường dài từ năm 2015, sự nỗ lực vượt bậc đưa anh đến với chức vô địch cự ly chạy 10.000 mét tại giải vô địch điền kinh người khuyết tật Trung Quốc ba năm sau đó - năm 2018.
Một năm sau đó, Hoàng Quan Quân đoạt chức vô địch Paralympic ở nội dung marathon với thành tích 2 giờ 38 phút 29 giây. Những người hâm mộ gọi anh bằng biệt danh "Anh trai số 1 Miên Dương". Trên bục vinh quang ngày ấy, chàng trai này đã khóc nức nở, quyết tâm chạy để đến với những đấu trường lớn hơn.
Để rồi ngày 22/5 vừa qua, ước mơ ấy, hoài bão đẹp đẽ ấy của chàng trai khuyết tật nhưng ý chí mạnh mẽ phi thường ấy đã nằm lại mãi mãi ở hẻm núi giá lạnh Bạch Ngân (Cam Túc).
Theo tờ Nhật báo Tứ Xuyên, cùng chạy ngày hôm ấy với Hoàng Quan Quân có đến 3 tuyển thủ người Miên Dương. Những vận động viên đồng hương kể rằng ngay từ khi cuộc đua bắt đầu, anh đã gia nhập tốp dẫn đầu, và là người dẫn đầu đoàn đua ở CP1. Sau đó mưa gió đổ sập xuống, phần lớn các vận động viên đều dừng lại và quay về, song tốp đầu của Hoàng Quan Quân vẫn mải mê chạy.
Vẫn chạy cạnh nhau ngay trước khi ngã xuống, song Trương Tiểu Đào thoát nạn, còn Hoàng Quan Quân vĩnh viễn ra đi.
Một người bạn đồng hành của Hoàng Quan Quân trong cuộc đua lần này bỏ cuộc sau 5 tiếng đồng hồ vật lộn với đường núi và mưa gió. Cô đi ngược về mất một tiếng đồng hồ mới tìm được một căn nhà nhỏ để trú, trong nhà có đến hơn 20 vận động viên, ai nấy cũng đều rét run cầm cập.
Sau khi đợi khoảng 50 phút và được thông báo là sẽ không có phương tiện nào tới được để cứ hộ, họ phải đi bộ tiếp xuống núi. Đi được 10 cây số thì mới gặp lực lượng cứu hộ và được cứu.
Nhưng Hoàng Quan Quân thì không. Đau đớn nhất với những người bạn anh là ngay cả khi biết mình bị nguy hiểm, anh cũng không thể kêu cứu, bởi anh câm điếc mà.
Nhà Hoàng Quan Quân nghèo, cha anh kiếm sống bằng nghề bán trái cây, nuôi em gái anh học đại học. Bạn bè Hoàng Quan Quân tiết lộ anh luôn khát khao trở thành một vận động viên chuyên nghiệp, và nguồn thu nhập của anh dựa vào giải thưởng ở các giải marathon lớn nhỏ. Tuy nhiên trình độ của anh còn kém xa tốp đầu, nên tiền thưởng chỉ nhỏ giọt.
Vì cứu Trương Tiểu Đào mà người chăn cừu này không thể cứu được Hoàng Quan Quân.
Giải lần này được tổ chức ở Hoàng Hà Thạch Lâm, chỉ cần cán đích là "lãi" được 600 NDT khi trừ đi chi phí tham gia, giải nhất giá trị 15.000 NDT, về thứ 10 vẫn nhận được 2.000 NDT. Đấy cũng là lý do Hoàng Quan Quân đặt mục tiêu rất cao ở giải chạy lần này, quyết tâm luôn năm trong tốp đầu. Hóa ra, vì thế mà anh đâm đầu vào chỗ chết.
Hoàng Quan Quân bình thường chẳng ngại bất kỳ điều gì, học thiết kế máy tính, học thêu để kiếm tiền nuôi em ăn học. Những lúc khó khăn, anh phải ăn mì gói qua bữa triền miên, nhưng luôn kiên trì luyện tập, hy vọng một ngày nào đó ước mơ sẽ thành hiện thực.
Nhưng rồi hoài bão ấy, ước mơ ấy nào ngờ có một ngày nằm lại mãi mãi trên triền núi lạnh, trong cái chết đau đớn và bất lực khủng khiếp. Cái giá phải trả cho ước mơ của Hoàng Quan Quân, phải chăng là quá đắt?