Số người chết trong vụ bạo loạn tại sân Kanjuruhan (Đông Java, Indonesia) trong trận đấu giữa Arema và Persebaya đã tăng lên con số 174, bên cạnh 300 người bị thương đang được điều trị. Đây là thảm kịch lớn nhất trong lịch sử thể thao Indonesia và là vụ bạo loạn thương tâm thứ hai trong lịch sử bóng đá thế giới.
Đáng chú ý, bạo loạn ở sân Kanjuruhan đã có số người chết nhiều gần gấp đôi thảm họa Hillsborough nổi tiếng tại Anh (diễn ra trong trận bán kết FA Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest vào năm 1989 khiến 96 người thiệt mạng).
Con số thương vong tại Indonesia có thể tăng lên trong ít giờ tới do nhiều nạn nhân bị thương nặng vẫn đang ở trong bệnh viện, bên cạnh việc giám định, nhận dạng nạn nhân đang được phía cảnh sát Indonesia tiến hành khẩn trương.
Theo Bola, vụ bạo loạn tại Indonesia là thảm họa thể thao có thương vong nhiều thứ hai trong lịch sử, chỉ đứng sau bi kịch đẫm máu tại Sân vận động quốc gia Peru vào ngày 24/5/1964.
Thảm kịch nói trên diễn ra trong trận đấu giữa Peru và Argentina tại vòng loại Olympic diễn ra cách đây 58 năm. Sau khi trọng tài Eduardo Pazos từ chối bàn gỡ hòa ở phút cuối cùng của Peru, một CĐV chủ nhà đã xuống sân để tấn công trọng tài.
Khi một CĐV khác cũng lao xuống sân, anh ta đã bị cảnh sát hành hung. Điều đó khiến khán giả trên sân phẫn nộ, dẫn tới bạo loạn xảy ra.
Cũng giống thảm họa trên sân Kanjuruhan, cảnh sát Peru đã sử dụng hơi cay để tấn công đám đông, khiến hàng chục nghìn người chen nhau để bỏ chạy khỏi sân vận động. Khi người hâm mộ di chuyển đến cửa sân, những cánh cổng thép dẫn đến lối đi đã bị khóa chặt. CĐV quay trở lại và tiếp tục bị cảnh sát tấn công bằng hơi cay.
Kết quả là, hàng nghìn người chen lấn, giẫm đạp lên nhau. 328 người đã chết vì ngạt thở hoặc bị thương quá nặng. Theo Bola, số người thiệt mạng ở thảm họa tại Peru có thể cao hơn 328.
Trong 10 vụ bạo loạn thảm khốc nhất của bóng đá thế giới còn có vụ bạo loạn ở sân vận động Thể thao Accra (Ghana) khiến 126 người chết năm 2001; gần đây nhất là năm 2012, bạo loạn ở sân Port Said (Ai Cập) khiến 70 người chết. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến thảm họa mưa đá năm 1988 ở Kathmandu (Nepal) khiến các cổ động viên có mặt trên sân bỏ chạy, giẫm đạp làm 93 người thiệt mạng.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu mở cuộc điều tra toàn diện liên quan đến vấn đề an ninh tại các trận đấu bóng đá sau khi xảy ra vụ bạo loạn tại sân Kanjuruhan.
Ông Widodo cũng yêu cầu Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) dừng các trận đấu ở giải VĐQG Indonesia cho đến khi cuộc điều tra kết thúc, qua đó đảm bảo rằng đây là thảm kịch cuối cùng xảy ra với bóng đá Indonesia.
Ông Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã gửi lời chia buồn đến các nạn nhân và gia đình trong thảm kịch.
"Tôi rất sốc và đau buồn khi biết tin thảm kịch xảy ra tại Indonesia - một đất nước yêu bóng đá. Thay mặt AFC và đại gia đình bóng đá châu Á, tôi gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình và bạn bè của các nạn nhân", ông Shaikh Salman nói.
Trong khi đó, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino khẳng định sự cố tại Indonesia là bi kịch "không thể hiểu nổi". Ông khẳng định: "Đây là một ngày đen tối cho tất cả những ai làm bóng đá và là một bi kịch không thể hiểu nổi. Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và bạn bè của những nạn nhân đã thiệt mạng sau vụ việc thương tâm này.
Cùng với FIFA và cộng đồng bóng đá toàn cầu, mọi suy nghĩ và những lời cầu nguyện của chúng tôi đều hướng về những nạn nhân, người bị thương, cùng với người dân Indonesia, Liên đoàn bóng đá châu Á, Liên đoàn bóng đá Indonesia và Giải vô địch quốc gia Indonesia vào thời điểm khó khăn này".
Theo Bola, PSSI đã báo cáo vụ việc lên FIFA, đồng thời phối hợp cùng giới chức Indonesia tiến hành điều tra để tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục. CLB Arema nhiều khả năng phải đối diện án phạt nặng, trước mắt là cấm thi đấu trên sân nhà đến hết mùa.