Thảm kịch thảm kịch ở sân vận động Kanjuruhan (Đông Java, Indonesia) tối 1/10 khiến 125 người thiệt mạng bắt nguồn từ việc 2 cổ động viên xin chụp ảnh với cầu thủ sau trận đấu. Các nhân viên an ninh phớt lờ quy định và cả sự cảnh báo từ những khán giả khác trên khán đài, cho phép 2 người này xuống sân.
"Ban đầu trận đấu giữa 2 đội diễn ra ổn thỏa. Sau đó, có 2 người muốn xuống sân chụp ảnh với các cầu thủ Arema. Chúng tôi đã yêu cầu nhân viên an ninh không cho phép điều đó", Slamet Sanjoko, một cổ động viên của CLB Arema có mặt ở sân vận động, kể lại trên CNN Indonesia.
Theo lời ông Sanjoko, 2 cổ động viên nhỏ tuổi nài nỉ nhân viên an ninh cho vào sân và được cho phép làm điều này. Việc 2 cổ động viên lọt xuống sân châm ngòi cho sự hỗn loạn sau đó. Từng nhóm người trên các khu vực khán đài cũng tràn xuống, tiến về phía các cầu thủ Arema.
Khi thấy tình hình mất kiểm soát và nguy hiểm, ông Sanjoko yêu cầu nhóm của mình thu dọn đồ đạc tìm đường thoát thân. Khi họ vừa đến lối ra, cảnh sát bắt đầu bắn lựu đạn hơi cay lên khán đài. Hành động này càng khiến cho đám đông thêm hỗn loạn.
Dư luận Indonesia đang bức xúc vì cách xử lý tình huống của lực lượng an ninh. Cảnh sát địa phương giải thích việc sử dụng súng hơi cay là biện pháp giải tán đám đông trong quy trình chống bạo động. Tuy nhiên, theo lời các nhân chứng, chính điều này làm cho tình hình thêm tồi tệ.
"Khi đám đông vỡ trận, sự hoảng loạn ở khắp nơi vì mọi người bị ngạt thở và cay mắt. Tiếng súng vang lên thật chói tai. Tôi đã nghĩ rằng mình phải bỏ mạng ở đó rồi", một CĐV khác tên Rahmat cho biết.
Nhiều cổ động viên thoát nạn xác nhận rằng đèn của sân vận động Kanjuruhan bị tắt mặc dù khán đài vẫn còn khán giả, trong khi dưới sân đang hỗn loạn.
Sự cố xảy ra ở trận đấu giữa Arema và Persebaya trong khuôn khổ giải VĐQG Indonesia tối 1/10 là thảm kịch lớn thứ hai trong lịch sử bóng đá thế giới. Theo công bố của chính quyền địa phương, có 125 người thiệt mạng và hơn 320 người bị thương trong vụ bạo loạn.