Quang Hải cùng các đồng đội đã có một trận đấu dễ trước Olympic Nepal. Ảnh: Tiến Tuấn
Tấm vé lọt vào vòng 1/8 của Olympic Việt Nam hóa ra để lại nhiều day dứt, trăn trở hơn dự kiến. Trước ngày lên đường, thầy trò HLV Park Hang-seo đặt chỉ tiêu vượt qua vòng bảng và sớm hoàn thành mục tiêu đó chỉ trong ba ngày tại ASIAD. Tuy nhiên, niềm vui đó nhanh chóng gác lại một bên để nhường chỗ cho những câu hỏi: Tại sao Olympic Việt Nam không cố chiến thắng Olympic Nepal với tỉ số đậm hơn để có hiệu số tốt hơn, qua đó tạm xếp trên Olympic Nhật Bản ở lượt trận cuối?
Bởi nếu Văn Đức, Anh Đức, Văn Thanh, Quang Hải tận dụng tốt hơn các cơ hội, hay Olympic Việt Nam đá quyết liệt hơn trong ít phút cuối, Olympic Việt Nam đã có thể thắng 3-0, 4-0 để vươn lên ngôi đầu. Lượt trận cuối, một trận hòa là đủ để Quang Hải cùng các đồng đội đứng đầu bảng D, tránh việc phải gặp đội đầu bảng E (nhiều khả năng là Olympic Hàn Quốc) ở vòng tiếp theo. Còn với tình thế hiện tại, việc cân bằng hiệu số với Olympic Nhật Bản khiến Olympic Việt Nam buộc phải bước vào loạt đá luân lưu may rủi nếu hòa đối thủ trong trận đấu quyết định.
Mà việc cầm hòa đối thủ để đi tiếp, thay vì phải thắng hoặc chờ đợi những yếu tố khó đoán như loạt đá luân lưu, luôn là ưu tiên hàng đầu của các chiến lược gia.
HLV Park Hang-seo có muốn thắng Olympic Nepal với tỉ số đậm hơn không? Câu trả lời tất nhiên là có. Những nhận định kiểu "Olympic Việt Nam không muốn thắng đậm là để chờ đợi xem Olympic Hàn Quốc có đứng đầu bảng hay không" đều là những lời bao biện gượng gạo. Không ai muốn ra sân mà không chiến thắng, thậm chí là ghi bàn. Đến giải giao hữu Tứ hùng, các cầu thủ còn vào sân với khát khao chiến thắng cuộn trào, không có lý do gì Olympic Việt Nam lại... từ chối ghi bàn để chờ kết quả từ Olympic Hàn Quốc.
Olympic Việt Nam rất muốn thắng đậm. Thắng 3-0, 4-0 hoặc thậm chí là đậm hơn thế. Khi đội bóng của thầy Park không thắng với tỉ số như ý, lỗi đầu tiên phải thuộc về các cầu thủ đã bỏ lỡ cơ hội trong những tình huống dứt điểm mười mươi. Bàn thắng của Anh Đức chỉ đến sau hai pha bóng ngon ăn bị bỏ qua trước đó, hay Văn Đức cũng có một cú đá chệch cột dọc trong tư thế thoải mái. Lối chơi của Olympic Việt Nam trước các đối thủ cửa dưới cũng bộc lộ nhiều vấn đề, khiến HLV Park Hang-seo tỏ rõ sự không hài lòng trong phòng họp báo.
Olympic Việt Nam rất muốn thắng, đó là điều không phải nghi ngờ.
Nhưng muốn thắng là một chuyện, phải thắng bằng mọi giá lại là điều hoàn toàn khác. Olympic Việt Nam dù không xếp trên Olympic Nhật Bản, song quyền chủ động là của chúng ta. Nếu đánh bại đối thủ (trong 90 phút hay trên loạt đá luân lưu), ngôi đầu bảng vẫn thuộc về Olympic Việt Nam. Do đó, tình thế của Olympic Việt Nam trước Olympic Nepal trong ít phút cuối có thể hiểu là: cần bàn thắng, song nếu không có bàn thắng cũng không phải... thảm họa.
Lượt đấu cuối, Olympic Việt Nam sẽ phân định ngôi nhất nhì bảng D với Olympic Nhật Bản. Ảnh: Tiến Tuấn
Bởi nhiệm vụ trọng yếu là ba điểm và cân bằng mọi chỉ số với Olympic Nhật Bản đã được hoàn thành. Nếu phải đánh đổi bàn thắng trong những phút cuối với việc các cầu thủ mất sức hơn, gặp rủi ro chấn thương nhiều hơn, HLV Park Hang-seo hiển nhiên phải toan tính lại. Rất có thể, đó là lý do mà thầy Park yêu cầu Olympic Việt Nam chơi chậm lại. Ông muốn thắng, nhưng đó là chiến thắng không nhất thiết phải đánh đổi bằng sự mạo hiểm.
Mà sự mạo hiểm ấy nên được để dành cho phần còn lại của ASIAD - nơi Olympic Việt Nam sẽ đối đầu với những "thuốc thử" thực sự, với điểm khởi đầu là Olympic Nhật Bản. Đây mới là trận đấu kiểm chứng khả năng và sự trưởng thành của Olympic Việt Nam. Vượt qua ứng viên hàng đầu cho chức vô địch để lấy ngôi đầu mới "tỏ mặt anh hùng".
Muốn vững chân để dồn toàn tâm toàn ý cho trận đấu cuối, có lẽ Olympic Việt Nam nên giữ trong đầu chủ trương ấy. Còn những nuối tiếc hay chữ "nếu" không bao giờ thành hiện thực, thì có nói mãi vẫn thế. Mà cứ day dứt ngoái lại đằng sau, đôi khi chỉ khiến người ta nhụt chí. Nói "nếu" thì rất vô vàn. Nếu Olympic Nhật Bản ghi nhiều bàn thắng vào lưới Olympic Nepal trong trận đầu tiên, thay vì "giấu bài" và chỉ thắng 1-0, e rằng chúng ta cũng không có cơ hội nói "nếu".
Mà nhìn nhận lại, thắng đậm Olympic Nepal và chờ đợi trận hòa để lấy ngôi đầu cũng chưa chắc là một ý hay. Bóng đá Việt Nam rất nhiều lần gục ngã trong quá khứ chỉ vì khẩu hiệu "hòa là được". Vào sân với tâm lý cầu hòa là đã bước một bước tới thất bại bởi nếu thủng lưới trước, các cầu thủ sẽ rất khó để gượng dậy.
HLV Park Hang-seo càng có lý do để giữ bài nếu nhìn lại những bài học thất bại của bóng đá Việt Nam, điển hình tại SEA Games 29. Khi ấy, U22 Việt Nam thắng giòn giã cả ba trận đầu, trước khi để U22 Indonesia thủ hòa với tỉ số 0-0. Vì quá trăn trở với trận hòa và pha bỏ lỡ của Hồ Tuấn Tài trong phút bù giờ, U22 Việt Nam đã mất tập trung, sau đó đánh mất mình và thua 0-3 trước U22 Thái Lan. BLV Quang Huy nhận định U22 Việt Nam thua vì không đủ độ "lì", nhưng thực chất, đội bóng của HLV Hữu Thắng đã "thua" từ trận hòa với U22 Indonesia rồi.
Nên đừng nuối tiếc, cũng đừng nói "nếu". Hãy tin tưởng cầu thủ và hướng về phía trước. HLV Park Hang-seo sẽ có phương kế để đánh bại Olympic Nhật Bản, dẫu dó không bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng.
Lịch thi đấu bảng D ASIAD 2018
Bạn nên quan tâm