Khi giải thích sự phổ biến của bóng đá, hầu hết người ta sẽ nói rằng, vì bất kỳ ai cũng có thể chơi bóng đá. Chỉ cần một quả bóng, hay chỉ đơn giản là quả bưởi hay cuộn vải, và một chút không gian, cuộc vui sẽ bắt đầu.
Nhưng người Philippines lại không nghĩ vậy. Họ cho rằng bóng đá… chỉ dành cho người giàu. Bởi ngoài quả bóng đủ tiêu chuẩn, người ta cần một sân cỏ đẹp, cầu môn chắc chắn. Tóm lại, quá phức tạp để chơi.
Trong mắt người dân xứ nghìn đảo, bóng rổ mới thực sự là môn thể thao của mọi người. này nhé, chỉ cần vài miếng gỗ, gắn lên đó thanh sắt bị uốn cong rồi đóng lên thân cây là có thể dễ dàng tổ chức những trận bóng rổ ra trò.
Người Philippines chủ yếu thích bóng rổ, và lạnh nhạt với bóng đá.
Vì vậy, không khó hiểu khi kết quả một cuộc khảo sát cách đây ít lâu cho thấy, 74,4% người Philippines thích chơi bóng rổ. Bóng đá chỉ đứng thứ 4, sau boxing và bida. Vốn quen với tiết tấu liên tục của bóng rổ, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi làm thế nào mà cả vạn con người có thể đến sân và cổ vũ các trận bóng đá, lề mề, ít bàn thắng và thiếu tính giải trí.
Thật ra thì bóng đá từng có thời gian là môn thể thao số một ở Philippines. Đó là khi người Tây Ban Nha cai trị xứ này hồi thế kỷ 19, dạy họ chơi bóng và lập ra ĐTQG Philippines năm 1907, một trong những đội ra đời sớm nhất châu Á.
Mọi thứ thay đổi khi Tây Ban Nha thoái lui, nhường chỗ cho người Mỹ. Kể từ đó, bóng rổ được đưa vào trường học và tỏa đi khắp đất nước, tạo nên cuộc suy thoái của bóng đá, do không có kinh phí và sự hỗ trợ từ chính phủ.
Toàn cảnh sân Panaad Park ở Bacolod, nơi được bao phủ bởi 60.000 cây bạch đàn.
Riêng tại Tây Visayas, nơi có 2 thành phố Bacolod và Iloilo, bóng đá vẫn còn được ưa chuộng. Nguyên nhân vì nơi này chịu ảnh hưởng rất sâu của người Tây Ban Nha, và tiếng Tây Ban Nha từng là ngôn ngữ chính.
Nếu như Iloilo tự hào là cái nôi của bóng đá Philippines và từng sản sinh ra Paulino Alcantara, huyền thoại của Barca, thì Bacolod được coi là "thành phố bóng đá", thậm chí còn lấy tuần thứ 3 của tháng Tư hàng năm làm "Ngày hội bóng đá", đồng thời sở hữu CLB Ceres-Negros đã 2 năm liền vô địch giải VĐQG.
Tại AFF Cup 2018, nhiều người hâm mộ Đông Nam Á chê bai không tiếc lời khi Philippines chọn sân vận động Panaad Park ở Bacolod để tổ chức các trận sân nhà của ĐTQG. Thậm chí một số còn cho rằng đó là sự thiếu tôn trọng và cẩu thả trong công tác tổ chức.
Panaad Park được bình chọn là một trong 5 sân vận động đẹp nhất Philippines.
Hoàn toàn không phải. Như đã nói, ở Philippines, không nơi nào cuồng nhiệt với bóng đá như Bacolod. Trước đây ĐTQG Philippines từng lấy sân thể thao Philippine làm sân nhà, nhưng quá ít người đến cổ vũ dù có tới 20.000 chỗ ngồi. Tình trạng này thay đổi hẳn khi chuyển sang Panaad Park với khán đài thường chật kín. Vì vậy, "Bầy chó hoang" chủ yếu chơi ở đây từ năm 2015.
Họ càng có lý do để gắn bó với sân vận động này. Ở nơi có cảnh trí thơ mộng được tạo nên bởi 60.000 cây bạch đàn và khán đài đặt rất gần thảm cỏ, tuyển Philippines thắng 7/9 trận, đạt tỷ lệ thắng 77,7%, cao hơn nhiều so với 71% ở 26 trận trước đó ở các nơi khác.
Nhiều người tin rằng Panaad Park mang đến vận may. Trong tiếng Hiligaynon địa phương, "Panaad" có nghĩa là "lời thề". Và sân vận động có 20.000 chỗ ngồi này là nơi diễn ra lễ hội Panaad sa Negros, nhằm mục đích tạ ơn Thượng đế, để lại một lời thề và đổi lấy những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Panaad Park không phải sân đấu "cấp huyện" như một số người mô tả. Đó là thánh đường bóng đá của người Philippines và sẵn sàng tạo nên một đêm sôi động cho trận bán kết lượt đi.