Ở trên võ đài, việc của bạn là tung đấm và không để bị đấm trúng. Bước lên võ đài là chấp nhận đổ máu, là phải chịu đau đớn bất kể thắng bại. Tuy nhiên, kỹ năng võ thuật đối kháng lại thực sự gây nhiều vấn đề khi đem chúng lên màn ảnh nếu không có sự tiết chế.
Chẳng hạn ở mặt kỹ thuật vung đòn, các võ sĩ thì cố gắng giấu các cú đánh đi nhiều nhất có thể để đối thủ khó nhận biết được đòn đánh mà chống đỡ. Tuy nhiên, trong điện ảnh thì ngược lại, nhiều pha đòn buộc các diễn viên phải đánh thật nhanh để "trông có lực" khi lên màn ảnh.
Nếu diễn viên đã đánh nhanh, đánh mạnh mà còn không báo trước đòn đánh cho bạn diễn thì rất có thể đối phương sẽ gặp chấn thương. Điều này lại càng nguy hiểm hơn nếu những cú đánh này gây ra các vết xước trên mặt diễn viên. Chúng hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến quá trình quay phim.
Các diễn viên hành động buộc phải có những thủ thuật "báo trước" những cú đánh cho bạn diễn trong những tình huống hành động liên tục để đảm bảo nhỡ không may bạn diễn quên bài, họ vẫn nhận thức được nguy hiểm để tránh né kịp thời.
Bên cạnh việc phải đảm bảo an toàn cho bạn diễn, các diễn viên còn phải biết cách phối hợp với những DOP (đạo diễn hình ảnh) để thực hiện được những thước phim đẹp nhất. Điều này đôi khi sẽ đòi hỏi diễn viên phải có những kỹ thuật thích hợp để phối hợp ăn ý với cameraman.
Mike Tyson khi đang đóng trong phim Hangover (2009) đã từng được đạo diễn của phim này chỉ đạo cho cách vung đấm phù hợp bởi Mike Tyson liên tục bị thoát khỏi khung hình, hoặc bị che mất nắm đấm. Cốt lõi là ông phải mở tay thật rộng và chỉ đổ người theo nắm đấm để khán giả trông thấy sức mạnh của cú đấm từ Mike. Kỹ thuật của Mike khi bước vào ống kính cinema với những góc máy đặt trước khiến chúng trông "buồn cười".
Mike Tyson trong phim Hangover
Không chỉ vậy, nhiều cảnh quay tốn kém đòi hỏi chi phí dựng rất cao khiến cho các diễn viên đôi khi chỉ có duy nhất 1 cơ hội để diễn đúng. Điều này lại càng đòi hỏi sự tập trung cao độ và sự chuẩn bị chính xác đến từ cả đội ngũ cascadeur, kỹ thuật, thiết kế cũng như diễn viên.
Vì thế, nếu nói rằng áp lực của diễn viên là dễ chịu cũng là sai lầm.
Trong điện ảnh, yếu tố quan trọng nhất chính là logic câu chuyện. Góc máy có đẹp như thế nào, hay diễn viên có diễn xuất tốt ra sao mà câu chuyện logic của phim bị rời rạc thì đều không thể đem đến một bộ phim thành công.
Chẳng hạn điển hình ở các bộ phim Việt trong thời gian năm 2010 trở về trước, đội ngũ làm phim hành động ở Việt Nam gặp vấn đề nghiêm trọng về việc biên đạo võ thuật. Mọi cảnh đánh nhau ở trên phim đều bê nguyên từ các bài đối luyện võ cổ truyền và Vovinam lên màn ảnh. Điều này khiến cho những cảnh hành động ấy trở nên "sượng trân".
Câu chuyện về biên đạo võ thuật thật sự rất phức tạp. Bên cạnh câu chuyện "đánh sao cho đẹp", các nhà biên đạo còn phải trả lời được câu hỏi "đánh sao cho hợp lý".
Cảnh hành động 1 người hùng cân 10 đầu gấu sẽ phải khác với cảnh 1 người hùng cân 10 tên lính vũ trang cao cấp. Công việc của biên đạo võ càng đòi hỏi sự phức tạp hơn nữa khi họ phải mô phỏng đúng tính chất của câu chuyện trong phim như "môn phái đấu môn phái" (phim Diệp Vấn), "người trái đất đấu người ngoài hành tinh" (phim Star Wars, Avenger).
Thậm chí, yếu tố thể chất của diễn viên cũng sẽ trở thành vấn đề lớn cần được giải quyết. Trung Quốc từng làm mưa làm gió khi ra một bộ phim ngắn có tỉ phú Jack Ma tỉ võ cùng các diễn viên võ thuật gạo cội của xứ tỉ dân. Tuy nhiên, vì thể hình nhỏ bé và bản thân cũng là một con người bận rộn, rất khó để vị tỉ phú này thể hiện được các màn múa võ đẹp mắt. Vì thế, biên đạo lúc này cần phải đảm bảo sao cho những khung hình lộ mặt Jack Ma chỉ cần thể hiện các kỹ thuật đơn giản mà vẫn làm vừa lòng khán giả.
Vốn dĩ, võ thuật điện ảnh cũng đòi hỏi quá nhiều yếu tố đặc thù, các võ sĩ khi tham gia vào đóng phim thường diễn rất thô và đôi khi cũng cần những cascadeur đóng thế cảnh võ thuật.
Bạn nên quan tâm