Kể từ khi Premier League ra đời vào năm 1992, chưa một nhà cầm quân người Anh nào từng giành ngôi vô địch. Và trong 8 mùa qua, thậm chí cũng không có HLV bản địa xuất hiện trong tốp 4 đội mạnh nhất.
Sau một thời gian dài, dường như người Anh buộc phải chấp nhận sự thật cay đắng, rằng Premier League hào nhoáng mà họ tạo ra đã trở thành sân chơi của các HLV ngoại quốc. Với một đất nước tự hào là quê hương của bóng đá và từng sản sinh ra những chiến lược gia vĩ đại như Herbert Chapman, Sir Alf Ramsey hay Sir Bobby Robson, đó thực sự là nỗi sỉ nhục.
Nhưng vào đêm thứ Hai, xứ sương mù chợt nhận thấy ích lợi từ cái gọi là "cuộc xâm lăng của các HLV ngoại". Pep Guardiola, Juergen Klopp, Mauricio Pochettino và Maurizio Sarri không chỉ giúp cải thiện Man City, Liverpool, Tottenham hay Chelsea mà còn nâng tầm Tam sư, đưa đội bóng vốn là "chuyên gia thất bại" vào hàng ngũ đại gia thế giới.
Tây Ban Nha thất bại cay đắng trước một Tam sư trẻ trung nhưng đầy khát khao của Southgate.
Nếu không tin, hãy nhìn vào thành phần tuyển Anh, đội hình trẻ trung nhất kể từ năm 1959, đã đánh bại Tây Ban Nha ngay tại Seville. Không có Klopp, tuyển Anh sẽ không thể có một Joe Gomez chắc chắn ở vị trí trung vệ. Không có Pochettino cũng đồng nghĩa không có Harry Winks, Kieran Trippier, Eric Dier, Harry Kane. Không có Sarri, Ross Barkley cũng không thể hồi sinh và chơi một trận tuyệt vời đến vậy.
Cuối cùng là Guardiola. Tất cả đều thấy Raheem Sterling đã trưởng thành vượt bậc trong những năm qua dưới sự chỉ dạy của HLV người Tây Ban Nha. Không còn là một cầu thủ gây khó chịu với phong cách rườm rà, anh ta rất giỏi phát hiện và chiếm lĩnh khoảng trống, đồng thời đặc biệt hiệu quả trước khung thành.
Đêm thứ Hai, Sterling đã có màn trình diễn chói sáng với cú đúp bàn thắng, bao gồm pha lập công đầu tiên gợi nhớ tới bàn thắng của Michael Owen vào lưới Argentina ở World Cup 1998, là sự kết hợp giữa tốc độ, sự điềm tĩnh và chính xác.
Southgate không ngại tìm tòi, chắt lọc những tinh túy từ các HLV ngoại để tìm ra lối đi phù hợp nhất.
Khi các HLV người Anh không đủ tốt, họ có thể học hỏi từ những đồng nghiệp nước ngoài để cải thiện mình. Gareth Southgate vốn là một nhà cầm quân trẻ tuổi và không được đánh giá cao. Nhưng ông không ngại tìm tòi, chắt lọc những tinh túy hay thậm chí là bắt chước các HLV ngoại để tìm ra lối đi phù hợp nhất cho Tam sư.
Tại Seville, Southgate đã mô phỏng phong cách pressing của Pep hay Pochettino nhằm phá vỡ cấu trúc của Tây Ban Nha, kết hợp với chiến thuật gegenpressing mãnh liệt của Klopp để kết liễu đối phương, và cuối cùng, linh hoạt trong chuyển đổi từ 4-3-3 sang 3-5-2, hai hệ thống mà Tottenham và Man City vẫn chơi, khi đối phó với áp lực lớn vào cuối trận.
Bên cạnh đó, ông cũng chú trọng xây dựng lối chơi từ tuyến dưới, chấp nhận rủi ro đi kèm và thu lại thành quả mỹ mãn, Jordan Pickford trở thành trò cười với pha "Cruyff turn" lỗi, nhưng vào lúc khác, anh là người hùng với đường bóng hoàn hào cho Harry Kane, dẫn đến bàn mở tỷ số có thể đưa vào sách giáo khoa bóng đá về phản công.
Bàn thắng đầu tiên của Sterling là một pha phản công mẫu mực với 3 đường chuyền trong vòng 8 giây.
Tất cả đã tạo nên chiến thắng vang dội trước La Roja, đội bóng nổi tiếng với nghệ thuật kiểm soát bóng và mới đây, vừa đánh bại Á quân thế giới Croatia với tỷ số 6-0. Đồng thời, một lần nữa nhấn mạnh, sự kiện tuyển Anh lọt vào bán kết World Cup không phải là một hiện tượng.
Như cựu hậu vệ Jamie Carragher bình luận trên Sky Sport, rằng Tam sư đã chơi theo cách các đội bóng hàng đầu vẫn chơi. Bây giờ, họ mới thực sự là đàn sư tử dũng mãnh và sẵn sàng dấn thân vào những thử thách lớn.
Đó cũng là lúc người Anh nên dành lời cảm ơn cho các chiến lược gia ngoại quốc. Họ, những nhà truyền giáo đã tới và khai mở cho xứ sương mù, vốn một thời gian dài lạc lối trong sự lạc hậu, giáo điều và ảo tưởng.