Tôi ngồi lặng trên những bậc thang cũ kỹ, hướng mắt nhìn xuống bóng đêm bao phủ căn hầm. Cái bóng đèn vỡ đã hỏng từ lâu nhưng chẳng ai buồn thay lại. Cánh cửa ra vào gỉ sét trông thấy. Cứ mỗi lần mở nó để bước vào nhà đúng thật chẳng khác gì một trận chiến với lũ nhỏ bọn tôi. Nhưng thảm thương hơn cả vẫn là cái hòm thư xám xịt trước cửa. Nó méo mó nhìn trông đến tội.
Nhà chúng tôi thì không có số. Mà cũng chẳng phải riêng nhà tôi, những nhà khác ở Bornstrasse, quận Bulmke-Hullen hầu như đều vậy. Thực ra thì vài nhà cũng có nhưng mỗi lần mưa gió đi qua, những tấm biển lại rụng tả tơi xuống đất mà chẳng ai thèm bận tâm việc nhặt lên gắn lại. Còn như nhà tôi thì chỉ có số 30 được sơn xanh trên tường nhà, mà tôi cũng không biết là ai đã sơn nó lên nữa.
Căn nhà tồi tàn và lũ quái vật dưới tầng hầm
Tôi vẫn ngồi lặng trên những bậc thang cũ kỹ và nhìn xuống tầng hầm tối thui. Tôi muốn xuống đó để lấy chiếc xe đạp ra nhưng dĩ nhiên, ai mà dám xuống chỗ tối thui thế một mình. Đó là còn chưa kể cái mùi ẩm mốc nồng nặc của nó. Mỗi lần xuống đấy y rằng tôi lại phải nín thở rồi chạy lên nhanh nhất có thể trước khi chết ngộp trong cái mùi hương kinh khủng đấy.
Còn có một nỗi ám ảnh khác vẫn luôn thường trực dưới hầm: lũ chuột. Căn hầm chẳng khác gì hang ổ của chúng nó. Con nào con nấy to múp míp mà chúng sinh sản nhanh thấy sợ. Năm này sang năm khác, tôi cũng chẳng nhớ mấy đời lũ chuột đã sống ở đấy nữa. Từ lúc nghe chuyện mấy người hàng xóm bị chúng cắn, tôi lại càng thấy ám ảnh hơn.
Nhưng kể cả thế, chúng tôi không thể vứt xe ở ngoài được. Sơ sểnh chút là mất ngay. Mà chiếc xe đạp với tôi thì quý chẳng khác gì vàng. Nhà chúng tôi nghèo lắm. Để mua được chiếc xe đạp đấy, cha mẹ đã phải làm lụng vất vả dành dụm cả năm trời. Vậy nên dù có sợ lũ chuột thế nào, tôi vẫn phải liều mình đối mặt với chúng để lấy chiếc xe lên. À nói mình tôi thì nghe hơi oai quá. Thường thì mỗi lần xuống đó, tất cả anh chị em chúng tôi phải đi cùng nhau. Đứa nào cũng vừa bước từng bậc vừa hét thật to để xua lũ chuột đi chỗ khác.
Nhà chúng tôi khá nhỏ. Lũ nhóc chúng tôi ở hết trên tầng 4. Hai chị em gái, Nese và Dugyu nằm chung một giường. Tôi với ông anh trai Mutlu thì chia nhau một cái khác. Vậy đấy, tất cả chung hết một phòng. Không gian riêng tư với lũ chúng tôi là điều gì đó quá sức xa xỉ. Được cái lúc sáng dậy mọi người đi hết thì tôi cũng có thêm chỗ chơi.
Nhưng nói thế nào thì tôi vẫn thích căn nhà bé nhỏ ấy, à dĩ nhiên, trừ lũ quái vật dưới hầm ra. Dù không dư dả mấy thì cha mẹ vẫn cố trang hoàng nó thật xinh xắn nhất có thể.
Tôi yêu ngôi nhà đó nhưng thành thật thì tôi cũng thấy thật xấu hổ vì nó. Hồi xưa, tôi chơi cho Rot-Weiss Essen, một đội bóng địa phương. Họ có tuyến xe bus đón tận nhà để đưa lũ trẻ tới sân tập. Nhưng tôi không muốn ai nhìn thấy căn nhà tồi tàn của mình cả.
Trước khi thành danh, Oezil đã phải sống trong căn nhà mà đến chính anh cũng phải thấy xấu hổ.
Đôi khi, tôi thấy thật ghen tỵ với mấy đứa được ở trong những ngôi nhà khang trang có sân vườn rộng rãi. Nhìn sang nhà mình, nó thấp kém làm sao. Vì thế, tôi không cho họ địa chỉ thật của mình. Thay vì đưa số nhà 30 Bonrstrasse, tôi đi bộ thêm vài mét và đứng ở cửa một ngôi nhà khác, không đẹp lắm mà ít ra cửa sổ của nó cũng chẳng vỡ nham nhở như nhà tôi.
Đôi khi, tôi ước mình được sống trong một căn nhà tử tế hơn. Không cần xa xỉ quá, chỉ cần 4 chị em chúng tôi có phòng riêng là đủ. Mà ước thì ước thôi, tôi biết chắc nó chẳng bao giờ thành thật được.
Mẹ tôi là lao công dọn vệ sinh trường học. Mỗi ngày bà làm hai ca, ca đầu từ 7h sáng đến 4h chiều còn ca sau từ 7h đến 10h tối. Nhiều lần, tôi thấy mẹ như bị vắt kiệt sức nhưng chưa bao giờ bà than vãn một lời. Thi thoảng khi không ai chú ý, bà lại tranh thủ ngồi thụp xuống duỗi tay duỗi chân cho đỡ mệt rồi lại tiếp tục làm việc.
Tư gia hiện tại của chàng cầu thủ người Đức gốc Thổ.
Ngày qua ngày, cuộc sống của bà chỉ là lau chùi và lại lau chùi. Nhưng để nuôi sống gia đình, bà cũng chẳng bận tâm mấy đến cuộc đời xoay tròn trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Mẹ cứ làm rồi làm, đôi khi tôi thắc mắc liệu mẹ có thú vui gì khác không? Vì quá bận rộn nên nói thật bà cũng chẳng có thời gian cho các con. Mỗi lần tôi đi học về, làm gì có những bữa ăn nóng hổi để sẵn trên bàn như những đứa trẻ khác. Và cũng đâu có nụ cười rạng rỡ của mẹ khi mở cửa rồi xoa đầu con âu yếm. Kể cả khi tôi bí bách với đống bài tập, mẹ cũng chẳng ở đây và giúp đỡ tôi.
Nhưng tôi không trách mẹ được. Hết cấp hai, ông bà ngoại cho mẹ thôi học ở trường để bắt đầu kiếm tiền phụ giúp gia đình. Lúc nhỏ, tôi còn không được đi mẫu giáo vì cha mẹ không đủ tiền để cho tôi theo học. Thậm chí, họ cũng chẳng thể thuê một gia sư kèm riêng cho tôi hay các anh chị em trong nhà.
Khi bắt đầu đi học, tôi phải tự lo cho mình. Chẳng ai có thời gian đôn thúc tôi làm bài tập. Mẹ tôi tất bật như vậy còn cha cũng không khá hơn là bao. Ông phải dè sẻn từng đồng kiếm được. Ban đầu, ông làm công nhân cho một xí nghiệp da, sau thì mở một quán café và rồi là một quán tạp hóa nhỏ. Nói chung ông đổi nhiều nghề lắm. Có đợt ông còn mở một phòng Billard trước khi xin được vào làm ở Opel, một hãng sản xuất xe ô tô của Đức. Nhiều lần, cha cũng rơi vào cảnh thất nghiệp nhưng ông luôn cố làm mọi cách để nuôi sống gia đình.
Câu chuyện của những người nhập cư
Ở Bornstrasse không có gia đình người Đức nào nên hồi nhỏ tôi vẫn hay nghĩ mình là một người nước ngoài. Thường thì không nhiều trường hợp những người như chúng tôi sống cùng khu với người Đức.
Đến tận năm lên 4, tôi vẫn chỉ biết nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Vì ở nhà thì chúng tôi vẫn hay giao tiếp với nhau bằng tiếng Thổ nên khi ra đường coi như tôi mù tịt tiếng Đức. Thêm nữa, hồi bé tôi cũng đâu được học mẫu giáo nên cũng không ai bắt tôi phải biết thêm tiếng Đức cả. Tầng hầm mà tôi nói không gọi là "cellar" mà là "bodrum". Nó không "dark" (tối) mà gọi là "karanlik". Hay như lũ chuột (rat) thì tôi kêu là "sican"…
Ngày đi học cấp một, 90% lớp tôi là người nước ngoài nên dù có học tiếng Đức trong lớp thì hầu như chẳng ai giao tiếp bằng ngôn ngữ này lúc nghỉ hay trên đường về nhà. Nói chung là gần như không bao giờ tôi nói tiếng Đức trừ khi bị giáo viên yêu cầu. 4 giờ học tiếng Đức ở trường gần như bị đánh bẹp bởi số thời gian tôi dùng để nói tiếng Thổ.
Nhưng phải công nhận là tiếng Đức cũng khá thú vị dù cho cách phát âm của nó không giống tiếng Thổ Nhĩ Kỳ lắm. Ví dụ như trong tiếng Thổ thì "Z" phát âm giống "S" hơn.
Ngữ pháp của tôi tệ, mà không, phải nói là cực kỳ tệ. Suốt một thời gian dài, tôi viết bài mà chẳng biết chấm phẩy thế nào. Cứ mỗi lần bài tập được trả về là y rằng gạch đỏ chi chít lỗi sai. Khả năng đọc của tôi cũng chẳng khá khẩm hơn. Đôi khi tôi thấy việc phải đứng lên đọc sách trước lớp chẳng khác gì một cực hình.
Đến giờ, tôi vẫn thấy tiếc khi cha mẹ không dạy tiếng Đức cho chúng tôi lúc nhỏ. Tôi không có ý chỉ trích họ hay sao cả. Tôi hiểu tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là ngôn ngữ họ được dạy từ bé, là ngôn ngữ họ dùng để giao tiếp với hàng xóm xung quanh và cũng là thứ ngôn ngữ làm họ cảm thấy thoải mái nhất.
Cả hai ông của tôi tới Đức từ những năm 1960. Trước đó, họ đều làm thợ mỏ ở Zonguldak, một thị trấn bên bờ biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ. Thu nhập thấp, mà thực họ chỉ làm việc khi thấy cần tiền. Nhưng có nhiều thời điểm, muốn kiếm việc cũng chẳng được ở một vùng nông thôn nghèo như Zonguldak.
Định mệnh đưa đẩy Oezil đến với nước Đức từ thời "ông bà anh".
Cho đến một ngày, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận cho phép người dân Thổ Nhĩ Kỳ tới sinh sống và làm việc ở nước họ. Hai ông tôi cùng hàng ngàn người khác đã đến đây đem theo ước mơ đổi đời. Một vùng đất hứa. Một nơi mà việc làm không xuể, tiền đếm mỏi tay. Và thế là hai người đàn ông rời bỏ quê hương, rời bỏ gia đình để đến xứ sở xa lạ. Kiếm thật nhiều tiền rồi trở về Thổ Nhĩ Kỳ, kế hoạch của họ là vậy. Nhưng đời thì chẳng như mơ…
Điều đầu tiên họ được dạy khi đến Đức là bộ tài liệu có tên "Làm thế nào để trở thành một người công nhân Đức" do một nhóm tác giả Thổ Nhĩ Kỳ xuất bản. Trong đó, có câu này mà hai ông tôi vẫn lấy làm kim chỉ nang suốt quãng thời gian làm việc ở đây: "Làm thật chăm và học thật nhanh những gì bạn chưa biết. Hãy luôn ghi nhớ luật của nơi làm việc. Đi làm đúng giờ và đừng bao giờ nghỉ ốm trừ khi không thể chịu được nữa".
Họ làm quần quật, mặc kệ những cơn đau đầu và cái lưng như muốn gãy ra. Tằn tiện từng xu pfennig một (đồng euro khi ấy chưa ra đời) để mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn sau này. Khi đưa những người xuất khẩu lao động sang Đức, họ không được học thêm về tiếng bản địa. Tôi không biết người khác sao mà ít nhất thì hai ông tôi là thế. Ở chỗ làm, người ta có thông dịch viên riêng để giải thích cho công nhân việc họ phải làm. Vì vậy, cả hai ông của tôi đều không mấy quan tâm đến việc học thêm tiếng Đức, mà vốn dĩ, họ cũng chẳng dự định ở đây lâu dài.
Sau đó, cả hai người lấy vợ và sinh ra hai đứa con: một là cha tôi, một là mẹ tôi.
Cả hai ông bà nội ngoại lúc nào cũng đau đáu nhớ về quê hương cũ. Nhưng để tìm một công việc như ở đây nếu trở lại Thổ Nhĩ Kỳ gần như là không thể. Bởi thế, hai gia đình đều quyết định ở lại Đức làm ăn. Khi cha mẹ tôi đến tuổi, họ lấy nhau theo lời hẹn ước trước của hai ông bố. Phải, họ không may mắn như những cặp đôi khác, được gặp nhau trong khung cảnh lãng mạn và đổ gục trước tiếng sét ái tình. Mẹ tôi cũng đâu được cha theo đuổi như nhiều cô gái khác. Họ lấy là lấy thôi. Nhưng sau tất cả, cha mẹ luôn yêu thương và tôn trọng nhau.
Còn nữa