Faiq Bolkiah được báo giới mặc nhiên coi là cầu thủ giàu nhất thế giới, vì là cháu trai của Quốc vương Brunei, Hassanal Bolkiah, với khối tài sản lên tới 20 tỷ USD. Quả thật anh ta đang có một cuộc sống nhung lụa và thường xuyên bộc lộ điều đó trên Instagram, nhưng giàu đến mức kinh hoàng theo nghĩa "nhất thế giới" thì không phải.
Có một vấn đề cần làm rõ ở đây. Quốc vương Hassanal Bolkiah có tới 5 con trai. Một trong số đó sẽ kế vị khi ông qua đời và tất nhiên sẽ thừa hưởng phần lớn gia tài trị giá 20 tỷ USD. Số dư sẽ được chia cho 4 hoàng tử còn lại và 7 công chúa. Có nghĩa là không đến lượt Faiq Bolkiah.
Thứ mà Faiq trông chờ phải đến từ ông bố Jefri Bolkiah, tức em trai của Quốc vương hiện tại. Là một Hoàng thân, Jefri cũng từng khá giàu.
Trong một thời gian dài, Jefri nổi danh là tay chơi khét tiếng và có trong tay khoảng 1,5 tỷ USD. Nhưng đến cuối thập nhiên 1990, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, ông bị cáo buộc biển thủ 14,8 tỷ công quỹ. Để tránh truy cứu hình sự và vẫn được sống ở Brunei thay vì cuộc sống lưu vong, Jefri chấp thuận chuyển giao toàn bộ tài sản cá nhân cho chính phủ.
Jefri được cho là vẫn giữ lại cho mình không ít tiền bạc, song tiếp tục rơi vãi khá nhiều vì các vụ kiện tụng. Và nếu một ngày nào đó Jefri chuyển giao chúng cho các con mình, Faiq không chắc sẽ sở hữu được nhiều bởi vẫn còn… 17 anh chị em khác, sản phẩm của ông bố sau 3 lần kết hôn.
Chính vì thế mà Faiq đã phản ứng dữ dội khi bị truyền thông mô tả là cầu thủ giàu nhất thế giới. Một trong những đại diện của anh từng nói vào đầu năm 2018, rằng "Faiq không phải là cầu thủ giàu nhất thế giới bởi nó quá vô lý", và "Faiq chỉ là một cậu bé tập trung phát triển sự nghiệp bóng đá". Trước áp lực từ phía Faiq, nhiều tờ báo, bao gồm tạp chí FourFourTwo, phải gỡ các bài viết đề cập đến cuộc sống riêng tư của anh.
Vậy, cho đến nay, sự nghiệp bóng banh của Faiq sao rồi?
Tất cả biết rằng từ khi còn rất nhỏ, Faiq đã bắt đầu chơi bóng tại Anh. Sau đó kinh qua những Học viện nổi tiếng nhất xứ sương mù, từ Southampton, Arsenal đến Chelsea và bây giờ là Leicester. Nghe thật hoành tráng.
Có một sự thật là mọi CLB mà Faiq ghé qua đều biết về gia thế của anh. Họ đủ khôn ngoan để lợi dụng điều đó. Như một quan chức Leicester nói với BleacherReport, rằng "có một sự phấn khích lớn khi cậu ấy đến, thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông cũng như người hâm mộ".
Vì vậy, thật dễ dàng để nhận Faiq vào Học viện. Còn vấn đề tiếp theo, liệu anh ta có thể hiện được khả năng và đột phá lên đội một, đó là câu chuyện khác.
Không phải ngẫu nhiên mà Faiq không bao giờ trụ lại một CLB quá lâu. Tuy Faiq có nhiều phẩm chất tốt và được đánh giá là khá nhanh, song chừng đó chưa đủ để cạnh tranh với những tài năng khác. Chưa kể bất lợi về mặt thể hình. Như bây giờ khi đã 21 tuổi, anh ta chỉ cao 1m75.
Tại Sea Games lần này, Faiq ra sân với tư cách cầu thủ thuộc biên chế Leicester, đội bóng từng gây sốc khi vô địch Premier League 2015/16. Thật ra thì Faiq chưa từng khoác áo CLB này. Thậm chí đội trẻ cũng không.
Gia nhập Học viện Leicester năm 2016, Faiq chỉ chơi cho đội U19 vỏn vẹn 5 trận của mùa 2016/17. Mùa kế tiếp 2017/18, vào tháng 12/2017, anh chỉ 1 lần duy nhất có tên trong danh sách đăng ký trong một trận của U23, nhưng không được vào sân. Đến tận tháng 1/2019, Faiq mới lại được ngồi dự bị một lần nữa, cũng đội U23, nhưng vẫn không được sử dụng.
Một nguồn tin ở Leicester nói với tờ The Sun, hoàn toàn không biết thông tin gì về Faiq. Anh ta làm gì, tập luyện ra sao là điều bí ẩn, và "khi chúng tôi đề cập đến những cầu thủ có thể phát triển lên cấp độ mới, cái tên Faiq không nằm trong số đó".
Có thể nói, Faiq không đủ tốt để chơi cho đội trẻ của Leicester và chỉ có tên trong biên chế nhờ vào gốc tích Hoàng gia Brunei, đất nước từng được Anh bảo hộ. Vì vậy đã đến lúc trả Faiq về đúng vị trí, một cầu thủ tầm thường và không đến mức giàu có như người ta tưởng tượng.