Sự nghiệp bóng đá của tôi không mấy bằng phẳng. Không phải vì chuyện tài năng mà là do nguồn gốc nhập cư của gia đình tôi. Mặc dù chưa bị miệt thị ra mặt nhưng cũng có lần, phát ngôn viên Klaus Beiber của Đảng dân chủ dân tộc Đức (NPD) từng công khai nói tôi chỉ mang quốc tịch Đức "trên giấy tờ". Dù rằng câu nói của ông ta đã bị lên án nặng nề nhưng đó vẫn chưa phải lần đầu tôi thấu hiểu cái bất công khi sinh ra là người nhập cư tại Đức.
Nếu tôi tên là Matthias...
Năm tôi tầm 10 hay 12 gì đó, tôi có cơ hội tập thử cùng các đội trẻ của Schalke 04. Họ có những chương trình phát triển tài năng trẻ bài bản hơn các đội bóng nhỏ thường gặp vấn đề về tài chính.
Lần đầu tiên, tôi tập với đội Teutonia Schalke rồi sau đó là DJK Falke Gelsenkirchen. Tổng cộng, tôi tập với các đội trẻ của họ 4 lần và lần nào tôi nghĩ mình cũng thể hiện xuất sắc. Nhưng không bao giờ tôi được chọn vào bất kỳ đội trẻ nào của Schalke. Thay vào đó là những Matthias, Markus hay Michael luôn được ưu ái hơn. Dù thật lòng, họ chẳng có gì khá hơn tôi nếu không muốn nói là còn kém vài phần.
Phải chăng vì họ của tôi sao? Phải chăng vì họ không muốn có một đứa nhập cư mang họ Mesut trong đội?
Cha cũng nghĩ như vậy. Một buổi chiều nọ, hai cha con lại ủ rũ ra về sau khi tôi tiếp tục bị từ chối. Tôi bất lực hỏi cha liệu mình còn có thể làm gì hơn nữa không. "Cha, nói con nghe thực sự con đã sai ở đâu. Tại sao người ta cứ từ chối con hoài vậy". Tôi vẫn nhớ y nguyên lời cha nói lúc ấy, "Con không thể thay đổi được cái tên cha mẹ đặt cho con, Mesut ạ".
Trước khi chính thức gia nhập Schalke, Oezil không ít lần bị đội bóng này từ chối chỉ vì xuất thân không phải người Đức chính gốc.
Nhưng cái tên không phải điều duy nhất khiến tôi phải chịu bất công như vậy. Đó là hồi tôi chơi cho Rot-Weiss Essen. Trước khi tôi tới đây, họ toàn thua kinh địch cùng thành phố Schwarz-Weiss Essen. Tuy nhiên, câu chuyện đã thay đổi hoàn toàn kể từ thời điểm tôi gia nhập đội bóng vào năm 2000. Ngay trong trận derby đầu tiên, tôi đã ghi tới 7, vâng, 7 bàn vào lưới Schwarz trước sự ngỡ ngàng của tất cả. Chung cuộc, đội chúng tôi giành chiến thắng 8-1.
Nếu bạn nghĩ tôi sẽ được ngợi khen sau màn trình diễn tuyệt đỉnh ấy thì bạn nhầm to rồi. Chính tôi cũng tưởng mình chắc suất đá chính trận sau, nhưng tất cả những gì tôi nhận lại là một chỗ trên ghế dự bị. Biết sao không? Nhờ cha mẹ của thằng nhóc cùng đội tôi đấy. Mãi sau này tôi mới phát hiện cha nó tài trợ rất nhiều tiền cho đội Rot-Weiss Essen và con ông ta thì chơi cùng vị trí của tôi. Đồng tiền có sức mạnh của nó mà.
Cũng may câu chuyện này không tiếp diễn lâu. Một vài tuần sau đó, huấn luyện viên của đội quyết định phớt lờ tất cả để đưa tôi vào sân. Ông ấy kiên quyết rằng chiến thắng quan trọng hơn dăm ba chiếc áo được gia đình kia tài trợ.
Bên cạnh vị huấn luyện viên ấy, có một người khác ở Rot-Weiss Essen cũng hết lòng ủng hộ tôi. Đó là Werner Kik, người đã chơi cho đội bóng từ năm 1960-1970 và ghi tổng cộng 293 bàn. Ông còn được bầu vào đội hình tiêu biểu thế kỷ của Rot-Weiss Essen.
Kik cũng là người đầu tiên tặng tôi một đôi giày Nike xịn năm 12 tuổi. Trước đó, tôi toàn phải đi những đôi tạm bợ rẻ tiền. Đôi giày ấy chẳng khác gì cả thế giới với tôi. Xưa cũng có một món quà làm tôi mê mẩn. Đó là quả bóng da tôi được tặng vào sinh nhật lần thứ 8. Tôi thương nó đến độ ngày nào cũng lôi ra lau chùi, đánh bóng. Nhưng bóng thì để chơi chứ đâu để trưng. Mỗi lần thấy nó có thêm một vết xước, lòng tôi như quặn thắt lại.
Lại nói về câu chuyện với Schalke. Lẽ ra, mọi thứ giữa tôi và đội bóng ấy đã chấm dứt vì những vấn đề với người nhập cư. Nhưng rồi, ở năm thứ ba tôi chơi cho Rot-Weiss Essen, tôi đã gặp được Norbert Elgert.
Khi ấy, tôi 15 tuổi và đang chơi ở giải hạng hai. Đội Essen đã đề nghị tôi một bản hợp đồng 4.000 euro/tháng – nếu tôi nhớ không nhầm. Đó là số tiền khổng lồ đối với tôi và gia đình. Trước đấy, tôi chỉ nhận được có 150 euro/tháng, nhưng chừng ấy cũng là quá nhiều rồi.
Ở đội Essen có xe đưa đón tận nhà tới sân tập, tuy nhiên. nó chỉ dành cho lứa trên 16 tuổi thôi. Dù vậy, Kik vẫn ưu ái cho tôi một suất từ khi tôi mới lên 13. Thế là đỡ được 20 cây số dài đằng đẵng từ nhà tôi tới sân tập đấy. Người lái xe hồi ấy vẫn hay thắc mắc lý do gì một thằng nhỏ như tôi lại được ưu ái thế. Ông ấy thường đùa: "Giờ xe này kiêm luôn chở học sinh đi mẫu giáo nữa à".
Với tất cả những gì Kik và đội Essen đã đem cho tôi, lẽ ra tôi đã có thể đặt bút ký vào bản hợp đồng 4.000 euro ấy. Nhưng cuối cùng, tôi đã từ chối. Phải, tất cả là vì Norbert Elgert.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Bên cạnh việc tập đá bóng, tôi vẫn theo học ở trường Berge Feld, một ngôi trường dành cho những tài năng thể thao ở sát ngay cạnh sân của Schalke. Chỉ cần bước qua bên đường là bạn sẽ tới ngay sân tập của đội bóng. Ở Berge Feld, cứ ba lần/tuần, những học sinh có năng khiếu bóng đá lại được tập bóng vào buổi sáng thay vì phải học những môn văn hóa như toán, tiếng anh hay hội họa. Nhờ thời gian biểu phân bố như vậy nên chúng tôi có thể phân bố hợp lý thời gian học và tập luyện thể thao phù hợp.
Thường thì những cầu thủ giỏi ở Berge Feld đều đang chơi cho một đội trẻ của Schalke, rất ít trường hợp ngoại đạo như tôi khi đá cho Essen. Các buổi tập bóng đá tại trường được giảng dạy bởi Nobert Elgert. Tôi nhớ đó là một buổi tập vào mùa hè năm 2004. Nobert cho chúng tôi chia đội đá ba ở một sân nhỏ với một vài cầu thủ của tuyển trẻ Schalke.
Ngôi trường nơi Oezil có cuộc gặp gỡ định mệnh với Elgert.
Tôi cặp cùng 2 người khác trong trường mà nói thật giờ tôi cũng không nhớ nổi tên nữa. Tuy nhiên, chắc chắn chúng tôi đã thắng thuyết phục những anh chàng từ Schalke kia. Kết thúc buổi tập, tôi định lấy cặp trở lại trường thì Nobert Elgert từ đâu tiến gần lại.
- "Nhóc đá cho đội nào", ông ấy hỏi.
- "Dạ, Rot-Weiss Essen", tôi đáp lại.
- "Nhà nhóc ở đâu".
- "Gelsenkirchen, thưa thầy".
- "Năm sau cậu sẽ chơi cho Schalke".
Nghe những lời ấy, thú thật tôi cũng chả để tâm mấy. Tôi không nghĩ mình sẽ đá cho Schalke sau khi họ năm lần bày lượt từ chối tôi chỉ vì tôi không có tên là Matthias, Martin hay Markus. Chẳng có lý gì tôi phải tha thứ cho hành động phân biệt trắng trợn ấy trong khi Rot-Weiss Essen đang đối xử rất tốt với tôi.
Nhưng đúng 1 năm sau, Elgert lặp lại đề nghị y hệt ấy với tôi. "Chúng ta sẽ nói chuyện với cha cậu. Cậu cần phải đến Schalke". Tôi kể lại với cha và ông cũng đồng ý rằng dù gì chúng tôi cũng nên lịch sự lắng nghe lời đề nghị của Elgert. Ít nhất, trong mắt tôi thì Elgert có vẻ là một huấn luyện viên tử tế và công bằng.
Ông hẹn cha con chúng tôi ở một quán pub tại Gelsenkirchen. Về cơ bản thì chúng tôi chủ yếu lắng nghe nhiều hơn là nói lại bởi hai cha con cũng không rành lắm mấy việc thương thảo hợp đồng kiểu này. Mà thực sự, từ lúc ở nhà, tôi và cha đã xác định không nên mơ mộng quá nhiều sau khi đã chứng kiến đủ thứ bất công từ Schalke trong quá khứ.
Trong lúc đợi đồ ăn mang ra, Elgert quay sang cha tôi. "Con trai anh", ông ấy bắt đầu. "Nó vẫn còn non lắm nhưng thực sự nó là một tài năng sáng giá". Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau và tiếp tục lắng nghe những gì Elgert nói sau đó. "Tôi không hứa hẹn sẽ cho Mesut một suất chính thức trong đội một. Tôi cũng chẳng dám chắc nó sẽ chơi bóng chuyên nghiệp tại Schalke hay trở thành 1 tuyển thủ quốc gia gì cả. Nhưng, tôi hứa với anh sẽ cho nó một môi trường luyện tập chuyên nghiệp nhất. Ngoài điều này ra, tôi không thể đảm bảo gì. Nhưng anh biết đấy, ở Schalke luôn có chỗ cho những người khát khao tỏa sáng".
Nghe có vẻ hay, nó thiết thực hơn hẳn mớ ba xàm ba láp bạn được nhồi nhét nếu ngồi nói chuyện với những tay cò. Nhưng, chúng tôi đã có một trải nghiệm tồi tệ trước đây với Schalke. "Đội bóng của anh không muốn Mesut", cha tôi đáp cụt ngủn. Rồi ông kể cho Elgert nghe câu chuyện về những Matthias, Martin hay Markus chúng tôi từng phải nếm trải ngày trước. Sau khi lắng nghe và suy nghĩ kỹ về những gì cha tôi kể, Elgert nói: "OK, vậy tôi sẽ hứa với anh thêm một điều. Mesut sẽ được đối xử công bằng như tất cả những tài năng khác. Với tôi, điều quan trọng là những gì trên sân, Còn lại, không phải việc của tôi".
Elgert không hề vội vã trong việc thuyết phục tôi. Ở các buổi tập kế tiếp, ông ấy vẫn tỏ ra hoàn toàn bình thường như chưa có gì xảy ra. Phải bẵng đi một thời gian, chúng tôi mới có cuộc hẹn tiếp theo, và lần này là ở khách sạn Mariot Courtyard, ngay sát bên sân vận động.
"Để tôi nói với anh điều này", Elgert tiếp tục câu chuyện với cha tôi. "Thành thực thì tôi chẳng giỏi giang gi đâu. Nhưng tôi có thể dám chắc mình biết đối nhân xử thế ra sao. Và tôi cũng khá giỏi về khoản bóng bánh nữa".
Ông ấy giải thích cho chúng tôi triết lý về phát triển bóng đá trẻ tại Schalke: "Mục đích rèn luyện cho những mầm non ở Schalke không phải là ganh đua danh hiệu. Điều căn bản nhất là làm sao cho ra lò thật nhiều cầu thủ chuyên nghiệp".
Elgert nói tiếp: "Dĩ nhiên, đi lên chuyên nghiệp là đích đến của tất cả. Nhưng ở tầm tuổi này, chúng tôi không muốn các cầu thủ chỉ nghĩ đến chiến thắng này, chiến thắng kia. Schalke muốn họ phải phát điên, phải ám ảnh về bóng đá. Các cầu thủ cần phải xây dựng đam mê và sự quyết tâm. Mục tiêu của chúng tôi là giúp họ tiến bộ từng ngày, ngày mai tốt hơn hôm nay và ngày kia thì tốt hơn ngày mai. Nếu các cầu thủ trẻ thấm nhuần tư tưởng ấy, sau cùng các danh hiệu cũng tự tìm đến họ".
Sau bao bất công, cuối cùng Oezil đã tìm được người nhìn nhận công bằng tài năng của anh.
Và để chốt lại, ông hứa với cha tôi điều cuối cùng: "Nghe này, ở với tôi, con trai anh sẽ không đùng cái đi lên chuyên nghiệp đâu. Tôi sẽ không để chúng như vậy. Trừ khi chúng thực sự sẵn sàng, bằng không, tôi sẽ không để đứa nào đi đâu hết".
Những gì Elgert nói thực sự đã thuyết phục được cha con tôi. Chúng tôi tin và thích thú với viễn cảnh ông ấy vẽ ra. Cha tôi hỏi lại một lần nữa: "Vậy anh có nghĩ Mesut đủ giỏi để chơi cho Schalke không?".
"Tôi không muốn hứa hẹn gì cả. Như tôi đã nói, Mesut còn quá nhiều khuyết điểm về thể chất. Nó khá nhỏ so với những đứa cùng lứa. Dù tôi có ấn tượng với nó thật thì Mesut còn phải cải thiện khá nhiều ở khả năng chơi chân phải cũng như đánh đầu. Và dĩ nhiên, nó cần tập thêm để tranh chấp bóng. Nhưng chỉ cần ông giao nó cho tôi, tôi sẽ giúp Mesut trở nên hoàn thiện hơn".
Buổi trò chuyện kết thúc và vẫn chưa có hợp đồng nào được ký. Dù vậy, chúng tôi hứa sẽ cân nhắc kỹ đề nghị của Elgert dù cho đội Essen cũng đã gửi cho tôi một bản hợp đồng khác. Nếu ký với Essen, tôi sẽ nhận được mức lương cao hơn. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng sự nghiệp của mình sẽ đi lên nếu tới khoác áo Schalke.
Cuối cùng, tôi cũng đem chuyện của Elgert để hỏi thẳng huấn luyện viên tại Rot-Weiss Essen khi ấy là Michael Kulm. Tôi muốn biết ông ấy sẽ làm gì khi đặt vào địa vị của tôi. Thật bất ngờ, ông ấy đã trả lời thành thật: "Đi đi nhóc, sẽ tốt hơn cho cậu nếu tới Schalke".
Và rồi, một vài tuần sau đó, tôi chính thức đặt bút ký vào bản hợp đồng với Schalke. Những nỗ lực của Elgert khiến tôi tin rằng đội bóng thực sự đã nhìn thấy điều gì đó đặc biệt từ tôi, dù cho Mesut Oezil chỉ là một thằng nhóc nhập cư chứ không phải là Matthias, hay Markus. Sau tất cả những bất công tôi đã phải nếm trải, cuối cùng tôi đã gặp được Elgert – một con người thẳng thắn chỉ quan tâm đến màn trình diễn trên sân. Không cần biết bạn là ai, chỉ cần có tài năng, bạn sẽ được trao cơ hội.
Năm 2005, tôi rời Rot-Weiss Essen và bắt đầu một cuộc hành trình mới...
Còn nữa