"Trọng tài" công bằng nhất tại mỗi kỳ Olympic

Tuấn Hoàng , 08:56 29/07/2021 | Tin thể thao khác

Chia sẻ

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ đếm thời gian đã biến đây trở thành vị "trọng tài" có độ chính xác gần như tuyệt đối ở các kỳ Olympic.

"Trọng tài" công bằng nhất tại mỗi kỳ Olympic - Ảnh 1.

Cách phân định thắng thua thủ công ở môn điền kinh tại Olympic 1932

Công nghệ tính thời gian tại Olympic đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong thế kỷ 20. Ngày nay, chúng ta không cần phải sử dụng đến những cách thủ công như dùng một sợi dây kéo ngang vạch về đích để phân định kết quả.

Nói cách khác, thời của những chiếc đồng hồ bấm giờ thủ công tại Olympic đã qua lâu rồi. Ngày nay, những cuộc tranh tài sẽ được quyết định bằng một loạt các thiết bị công nghệ tiên tiến nhất bao gồm camera tốc độ cao, miếng cảm ứng điện tử hay quét chùm tia hồng ngoại.

Nhờ công nghệ tính thời gian tiên tiến đó mà những cuộc so tài của các VĐV đẳng cấp Olympic có thể đạt đến độ chính xác đến 1/1.000.000. Với một số sự thay đổi nhỏ, các môn thể thao tốc độ khác như đua xe đạp hay bơi lội cũng áp dụng công nghệ đếm thời gian để tính toán kết quả ở tốc độ 1/100 hoặc thậm chí là 1/1.000 giây.

Những công nghệ tối tân nhất

Để đạt đến độ chính xác như vậy, thiết bị đếm giờ cần phải là sự kết hợp những công nghệ hàng đầu thế giới. Tính đến năm 2014, chỉ có hai công ty trên thế giới đáp ứng các tiêu chuẩn của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) gồm Omega và Seiko. Trong khi Seiko mới xuất tổng cộng 5 lần mà gần nhất là từ kỳ Olympic mùa đông Salt Lake năm 2002, hãng đồng hồ Omega của Thụy Sĩ đã có lần xuất hiện thứ 29 tại Thế vận hội.

"Trọng tài" công bằng nhất tại mỗi kỳ Olympic - Ảnh 2.

Hãng đồng hồ Omega của Thụy Sĩ đã có lần xuất hiện thứ 29 tại Thế vận hội

Theo IOC, Omega chịu trách nhiệm về công nghệ đếm giờ, hiển thị bảng tỷ số. Không như nhiều nhà tài trợ khác chỉ xuất hiện theo kiểu thương mại, hãng đồng hồ Thụy Sĩ đóng vai trò rất quan trọng tại Tokyo để xác định vận động viên về đích và ngừng đồng hồ.

"Chúng tôi không phải là nhà tài trợ thương mại. Omega có vai trò cung cấp dịch vụ cho các VĐV và chúng tôi không chỉ đặt tên của mình trên những thiết bị", Raynald Aeschlimann, chủ tịch kiêm GĐĐH của Omega cho biết.

Tại kỳ Olympic 2020, Omega sẽ trình làng hệ thống cảm biến chuyển động và điểm rơi hoàn toàn mới được phát triển bởi Omega và Swiss Timing. Theo hãng đồng hồ Thụy Sĩ, những cải tiến này sẽ cung cấp nhiều thông tin chi tiết về số liệu của các VĐV hơn so với những kỳ Olympic trước đây.

Cụ thể, tại môn bóng chuyền bãi biển, cảm biến chuyển động được phát triển để ghi lại độ cao của một VĐV khi bật nhảy đánh bóng. Số liệu này, sau đó sẽ được kết hợp cùng với một số dữ liệu khác như thời điểm bật nhảy, tốc độ quả bóng. Kết quả cuối cùng, người xem trên truyền hình được chứng kiến những dự đoán hết sức chính xác của máy tính về điểm rơi quả bóng với tốc độ rất cao.

Trong khi đó, tại môn thể dục dụng cụ, Omega sẽ quan sát các VĐV thi đấu bằng một công nghệ có tên gọi "Pose Detection" - phát hiện tư thế chuyển động. Đây là một công cụ rất đắc lực cho các giám khảo, khi nó có thể ghi lại toàn bộ chuyển động và kỹ thuật, từ đó đồng bộ với hệ thống tính toán độ chính xác của VĐV thực hiện bài nhảy.

"Trọng tài" công bằng nhất tại mỗi kỳ Olympic - Ảnh 3.

Omega sẽ quan sát các VĐV thi đấu bằng một công nghệ có tên gọi "Pose Detection" - phát hiện tư thế chuyển động

Vậy còn tại những môn thể thao cần sự chuẩn xác để phân định thắng thua, công nghệ của Omega đã hỗ trợ đắc lực như thế nào?

Điền kinh

Khi công nghệ còn chưa phát triển, Omega ban đầu chỉ cử một thợ đồng hồ và 30 chiếc đồng hồ bấm giờ đến Los Angeles để phục vụ Olympic 1932. Nhờ sự phát triển của công nghệ, mọi thứ thay đổi chóng mặt trong nhiều thập kỷ sau.

Đến Olympic London 1948, hãng đồng hồ Thụy Sĩ phát triển thành công hệ thống camera Magic Eye áp dụng để xác định vận động viên về đích và ngừng đồng hồ. Tuy nhiên, hệ thống này phải mất đến 20 phút để cho ra một hình ảnh.

"Trọng tài" công bằng nhất tại mỗi kỳ Olympic - Ảnh 4.

Tua nhanh đến hiện tại, Omega cho biết công nghệ camera Scan'O'Vision Myria hiện có thể chụp với tốc độ lên tới 10.000 hình ảnh mỗi giây. Khi phần thân của VĐV chạm đích, công nghệ này sẽ đồng bộ hóa với đồng hồ thời gian và tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh trong 15 giây để cung cấp cho khán giả hình ảnh chân thực nhất ở khoảnh khắc kết thúc.

Cũng tại London nhưng là năm 2012, hãng lần đầu giới thiệu máy đếm giờ lượng tử (Quantum Timer) có thể đo thời gian chính xác đến 1/1.000.000 giây.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ là yếu tố tiên quyết để giảm thiểu tối đa những sai sót ở các cuộc thi tốc độ. Tiêu biểu nhất là nội dung điền kinh 100 m nam, nơi mỗi phần thi chỉ kéo dài dưới 10 giây, đếm giờ là yếu tố quan trọng nhất.

Do đó, mọi khía cạnh của việc đếm giờ tại cuộc đua nước rút này đều được tự động hóa, kể cả súng ra hiệu khởi động.

Cụ thể, khẩu súng khởi động này được đồng bộ trực tiếp với mỗi chiếc loa tại vị trí bắt đầu nhằm đảm bảo tất cả VĐV đều có thể nhận được khẩu hiệu xuất phát cùng lúc.

"Trọng tài" công bằng nhất tại mỗi kỳ Olympic - Ảnh 5.

Hình ảnh minh họa cho cách hệ thống tính giờ hoạt động

Ở vạch đích, một tia laser sẽ chiếu đến cảm biến ánh sáng hay còn được gọi là mắt điện tử để nhận chùm tia song song tại hai đầu. Công nghệ này hoạt động bằng cách đặt hai ô ảnh ở các độ cao khác nhau để ghi nhận toàn bộ những điểm chạm trên cơ thể VĐV khi tiếp xúc với vạch đích. Khi người chạy băng qua vạch, chùm tia này bị chặn lại và mắt điện tử sẽ lập tức gửi tín hiệu đến bảng tỷ số ghi nhận thời gian về đích của VĐV.

Bơi lội

Năm 2008, ở nội dung chung kết 100 m bơi bướm nam, màn so tài giữa huyền thoại Michael Phelps và Milorad Cavic đã kết thúc với cách biệt chỉ bằng một cái chớp mắt. Cụ thể, Phelps giành HCV thứ 7 nhờ thành tích 50.58 giây so với con số 50.59 của đối thủ.

Thậm chí khi được phỏng vấn, kình ngư người Mỹ thừa nhận nếu chỉ nhìn bằng mất thường, Cavic mới là người về đích trước. Tuy nhiên, nhờ vào một camera có thể ghi lại với tốc độ 100 khung hình mỗi giây, Phelps được xác nhận là người chạm tay vạch đích trước với khoảng cách rất nhỏ ấy.

"Trọng tài" công bằng nhất tại mỗi kỳ Olympic - Ảnh 6.

Hình ảnh về đích của màn so tài gây tranh cãi giữa Michael Phelps và Milorad Cavic

Ngoài chiếc camera "thần thánh" ấy, kết quả những cuộc đua trên bể bơi hiện nay được quyết định thông qua một tổ hợp công nghệ rất tinh vi.

Đầu tiên, khi trọng tài ra hiệu lệnh bấm giờ, thông báo sẽ lập tức được truyền đến một chiếc loa nhỏ tại khu vực xuất phát của mỗi VĐV bơi lội. Điều này giúp hạn chế độ trễ trong việc truyền âm thanh theo cách thủ công như trước đây.

Trong nội dung bơi tiếp sức, các VĐV sẽ ra hiệu cho đồng đội xuất phát tiếp theo bằng cách chạm vào một tấm cảm ứng đặt trên thành bể. Được biết, tấm này được làm bằng nhựa nhiệt dẻo polyvinyl chloride và các dải nằm ngang có thể ghi nhận áp suất tập trung ở tay người bơi, đồng thời bỏ qua áp suất phân tán từ sóng trong hồ bơi.

Khi tấm cảm ứng này được kích hoạt, một tín hiệu sẽ gửi đến máy tính đồng bộ để ghi lại thời gian của VĐV bơi đầu tiên, hiển thị thời gian bắt đầu người bơi tiếp theo và ghi nhận thời gian lên bảng điểm tổng.

"Trọng tài" công bằng nhất tại mỗi kỳ Olympic - Ảnh 7.

Toàn bộ những công nghệ trong hệ thống tính giờ ở môn bơi

Quy trình này được áp dụng tương tự đối với các nội dung đơn như bơi ếch, bơi tự do và bơi ngửa, khi VĐV được tính thời gian bằng cách chạm tay vào tấm tiếp xúc ở vạch đích. Ngoài ra, để phục vụ cho nhu cầu giải quyết những tranh cãi, công nghệ hoàn thiện ảnh tương tự như môn điền kinh cũng được áp dụng để ghi lại hình ảnh tại vạch đích ở tốc độ 100 khung hình/giây. Đó cũng chính là chiếc máy ảnh đã ghi lại khoảnh khắc trong chiến thắng năm 2008 của Michael Phelps.