Ở phần trước, Sport5 đã gửi tới độc giả 10 lượt lựa họn tồi tệ nhất trong lịch sử các kì NBA Draft, khi một cầu thủ được Pick ở vị trí cao không đảm bảo rằng anh ta sẽ tỏa sáng ngay sau đó. Ở chiều ngược lại, có không ít những cầu thủ bị đánh giá thấp khi bước vào một kì NBA Draft, nhưng sự nỗ lực không ngừng đã giúp họ trưởng thành vượt bật. Dưới đây là danh sách 15 cái tên thành công nhất dù vị trí được lựa chọn của họ nằm ngoài Top 10 ở các kì NBA Draft.
15. Giannis Antetokounmpo (Milwaukee Bucks) - Pick 15 năm 2013
"Á thần Hy Lạp" đang ngày càng hoàn thiện bản thân.
Antetokounmpo những ngày đầu ở NBA được đánh giá là một cầu thủ có sải tay dài, nhưng lại quá gầy để đánh PF và lại không biết ném tầm trung để đánh SF. Anh được ra sân thường xuyên ở mùa giải tân binh nhưng chỉ thi đấu dưới vai trò hỗ trợ là chủ yếu.
Antetokounmpo phát triển những kỹ năng tấn công của mình qua từng năm, tăng cường tập gym để cân đối thể hình. Chỉ số của anh cũng tăng dần qua thời gian mà đỉnh điểm là 27.7 điểm/trận, 12.5 rebounds/trận và 5.9 pha kiến tạo/trận ở Regular Season vừa qua. Anh cũng lọt vào đội hình All Star suốt 3 năm liên tiếp từ 2017 và là ứng cử viên cho danh hiệu MVP (Cầu thủ Xuất sắc nhất năm) ở mùa giải 2018-2019.
14. Jimmy Butler (Chicago Bulls) - Pick 30 năm 2011
Jimmy Butler đang là ngôi sao được săn đón nhiều nhất ở mùa hè năm nay.
Jimmy Butler trải qua mùa giải đầu tiên ở NBA một cách thầm lặng khi đội bóng đang có quá nhiều ngôi sao được dẫn dắt bởi Derrick Rose. Sau chấn thương dây chằng của cầu thủ này, Jimmy Butler được sử dụng nhiều hơn với vai trò là một cầu thủ 3-n-D (Ném 3 và phòng ngự).
Mùa bóng 2014-2015 chứng kiến một sự trưởng thành vượt bật của Butler. Với bộ kĩ năng phòng ngự đã quá ổn định của mình, anh liên tục phát triển kĩ năng tấn công để trở thành một trong những cầu thủ 2-way (công thủ toàn diện) sáng giá nhất của giải đấu. Mùa giải gần nhất ở Philadelphia 76ers, Jimmy Butler có những chỉ số không mấy nổi bật nhưng đó là do anh phải nhường đất diễn khá nhiều cho các đồng đội xung quanh.
Butler có 4 năm liên tiếp lọt vào đội hình All Star. Với tư cách là cầu thủ 2-way tốt thứ hai giải đấu chỉ sau Kawhi Leonard, anh sẽ được mời chào một bản hợp đồng tối đa dù có thi đấu cho bất kì đội bóng nào.
13. Dennis Rodman (Detroit Pistons) - Pick 27 năm 1985
Dennis Rodman là hình tượng để tạo ra nhân vật Hanamichi Sakuragi.
Có lẽ không cần phải nói quá nhiều về Dennis Rodman, khi anh chính là một thành viên chủ lực của kỉ nguyên "Bad Boys" huyền thoại, cũng như là một trong ba nhân tố chính của Chicago Bulls ở cú ăn Ba từ năm 1996 đến năm 1998. 5 lần vô địch NBA, 2 lần lọt vào All Star, 2 lần đoạt giải "Cầu thủ Phòng ngự của năm", 7 lần lọt vào "Đội hình Phòng ngự của năm" là những thành tích của cầu thủ có biệt danh "The Worm".
Dù không có khả năng tấn công, nhưng khả năng phòng ngự mới chính là điểm đáng sợ của Rodman. 6 mùa giải liên tiếp có trên 15 rebounds/trận và 13.1 rebounds/trận trong suốt sự nghiệp là những chỉ số cực kì ấn tượng với một cầu thủ chỉ cao 2m01.
Dennis Rodman là hình mẫu cho nhân vật Hanamichi Sakuragi trong bộ Manga nổi tiếng "Slam Dunk".
12. Kawhi Leonard (San Antonio Spurs) - Pick 15 năm 2011
Kawhi Leonard vừa giúp Toronto Raptors có chức vô địch NBA đầu tiên trong lịch sử.
Trước năm 2015, tất cả những gì mà giới chuyên môn nói về anh là khả năng phòng ngự cũng như là anh được thừa hưởng quá nhiều từ hệ thống của HLV Greg Popovich. Nhưng khi Big-3 của Spurs bắt đầu gặp ảnh hưởng bởi tuổi tác, Kawhi Leonard cho thấy anh hoàn toàn đủ khả năng gánh vác hàng công của cả một đội bóng.
Điểm số của Leonard tăng dần qua từng năm và bộc lộ hết mọi khả năng khi được chuyển tới Toronto Raptors. Anh đã giúp "Khủng long Phương Bắc" lần đầu tiên có chức vô địch NBA và cùng với đó là danh hiệu Finals MVP danh giá.
Nếu xét về mẫu cầu thủ 2-way, nếu Leonard ở vị trí số hai thì không ai dám xưng ở vị trí số một. Anh có 2 chức vô địch NBA, 2 lần Finals MVP, 3 lần tham dự All Star cùng hàng loạt đề cử trong danh sách những cầu thủ phòng ngự xuất sắc nhất.
11. Tony Parker (San Antonio Spurs) - Pick 28 năm 2001
Tony Parker là một trong Big-3 của HLV Greg Popovich.
Vào năm 2001, có lẽ chẳng ai ngờ một cầu thủ đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương với vị trí lựa chọn thứ 28 lại có thể trở thành một ngôi sao tại NBA. 1.424 trận đấu cho Spurs, 1.364 lần có mặt trong đội hình xuất phát, một trong 3 thành viên Big-3 kéo dài gần 2 thập kỉ của Spurs và là cầu thủ không thể thay thế dưới triều đại của HLV Greg Popovich.
Sau 17 năm gắn bó với đội bóng chủ sân AT&T Center, Tony Parker kí hợp đồng với Charlotte Hornets vào mùa Hè năm 2018, trước khi ra quyết định giải nghệ vào ngày 10 tháng 6 vừa qua. Di sản mà anh để lại là 4 chức vô địch NBA, bao gồm cả danh hiệu Finals MVP vào năm 2007. Anh có 6 lần tham dự All Star, ghi trung bình 16.2 điểm/trận và 5.6 kiến tạo/trận trong suốt 17 năm khoác áo San Antonio Spurs.
10. Steve Nash (Phoenix Suns) - Pick 15 năm 1996
Ảo thuật gia Steve Nash trong màu áo Phoenix Suns.
Ngay khi cái tên Steve Nash được xướng lên ở vị trí thứ 15 vào năm 1996, không ít các cổ động viên của Suns đã kêu gào phản đối quyết định này. Sự phản đối ấy càng có cơ sở khi Nash bị trao đổi 2 năm sau đó sau quãng thời gian dài núp bóng Jason Kidd. Anh bị chuyển đến Dallas Mavericks và chính nơi đây đã khởi nguồn cho một huyền thoại.
Dù có sự khởi đầu không mấy suôn sẻ, Nash kết hợp với Dirk Nowitzki để dẫn dắt Mavericks thành một thế lực lúc bấy giờ. Trở lại Suns vào năm 2004, Nash cùng với Amar'e Stoudemire, Shawn Marion và lối chơi "7 giây hoặc ít hơn" đã khiến Suns vươn mình trở thành một ông lớn. Nash có 2 danh hiệu MVP vào năm 2005 và 2007 nhưng vẫn không thể một lần giúp Suns đặt chân vào NBA Finals.
Ngoài 2 danh hiệu MVP, Nash còn có 8 lần tham dự All Star, 5 lần đạt "Cầu thủ Kiến tạo nhiều nhất năm", 4 lần góp mặt vào CLB 50-40-90 và đứng thứ 3 trong danh sách kiến tạo mọi thời đại của NBA, chỉ sau John Stockton và Jason Kidd. Số áo 13 của anh đã được Phoenix Suns treo giữ vĩnh viễn tại phòng truyền thống của đội bóng.
9. John Stockton (Utah Jazz) - Pick 16 năm 1984
Vua kiến tạo John Stockton dành trọn sự nghiệp trong màu áo Utah Jazz.
Nếu các độc giả vẫn đang tìm kiếm thông tin về cầu thủ có số lần kiến tạo nhiều nhất lịch sử NBA, thì John Stockton chính là câu trả lời. 15,806 lần hỗ trợ ghi điểm thành công, bỏ xa người đứng thứ hai là Jason Kidd đến 3,715 lần, Stockton cùng với Karl Malone đã đưa bài tấn công Pick-n-Roll trở thành một đặc sản của Utah Jazz suốt gần 20 năm.
Trải qua những năm đầu tiên dự bị cho Rickey Green, Stockton dần thể hiện tài năng kiến tạo của mình. 9 mùa bóng liên tiếp ở NBA chứng kiến việc Stockton chưa bao giờ để con số kiến tạo của mình nằm dưới mức 11 kiến tạo/trận. Anh giành trọn sự nghiệp của mình cho Utah Jazz với 10 lần tham dự All Star và được đội bóng treo vĩnh viễn số áo 12 của mình.
8. Karl Malone (Utah Jazz) - Pick 13 năm 1985
Karl Malone có một sự nghiệp lẫy lừng nhưng không thể có chức vô địch NBA.
Dallas Mavericks có lẽ phải hối tiếc rất lớn khi đã không chọn Karl Malone ở vị trí thứ 8 dù cầu thủ này đã thuê hẳn một căn hộ ở Dallas trước ngày diễn ra NBA Draft. Nhiều tuyển trạch viên tỏ ra nghi ngờ về sự hiệu quả mà Malone có thể mang lại khi vào NBA và đã bỏ qua cầu thủ này. Utah Jazz lựa chọn anh ở vị trí thứ 13 và anh nhanh chóng chứng minh cho các đội bóng khác rằng họ đã sai hoàn toàn.
Malone chỉ mất đúng 5 trận vào sân từ băng ghế dự bị để chiếm một chỗ trong đội hình xuất phát và kể từ đó trở đi, anh chưa bao giờ bị đánh bật ra khỏi danh sách đấy suốt cả 1492 trận đấu còn lại trong sự nghiệp. Anh cống hiến gần trọn sự nghiệp cho Jazz trước khi chuyển đến Los Angeles Lakers vào năm 40 tuổi nhưng thất bại trong việc tìm kiếm chức vô địch NBA cho riêng mình.
Karl Malone là "cầu thủ không nhẫn" vĩ đại nhất lịch sử NBA với tổng cộng 36,828 điểm (chỉ đứng sau Kareem Abdul-Jabbar), 2 lần đoạt danh hiệu MVP, 14 lần tham dự All Star và được Utah Jazz treo áo số 32 vĩnh viễn.
7. Joe Dumars (Detroit Pistons) - Pick 18 năm 1985
Joe Dumars là cầu thủ fair play nhất trong đội hình "Bad Boys".
Cùng kì Draft với Karl Malone còn có Joe Dumars, một thành viên khá đặc biệt trong kỉ nguyên "Bad Boys" của Detroit Pistons. Anh khá im hơi lặng tiếng, thi đấu rất đúng mực và chưa từng dính vào bất kì vụ ẩu đả nào suốt cả sự nghiệp thi đấu. Thậm chí, anh còn là chủ nhân đầu tiên của danh hiệu "Cầu thủ Fair Play nhất NBA" vào năm 1996.
Dumars cao 1m91 và bị đánh giá là khá thấp so với một SG. Đó là lý do anh bị rớt xuống tận Pick 18 dù Dumars là một cầu thủ có tiếng ở NCAA. Anh chính là người đã đặt một cái kết buồn cho sự nghiệp vĩ đại của Kareem Abdul-Jabbar khi giúp Pistons toàn thắng 4-0 trước Los Angeles Lakers vào năm 1989 cùng với danh hiệu Finals MVP của riêng mình.
Joe Dumars có 2 chức vô địch NBA, 6 lần thi đấu All Star và được đề cử vào "Ngôi đền Danh vọng" vào năm 2006. Theo lời của Michael Jordan, thì Joe Dumars chính là chốt chặn phòng thủ khó nhằn nhất mà siêu sao này từng đối đầu.
6. Nate "Tiny" Archibald (Cincinnati Royals) - Pick 19 năm 1970
Nate "Tiny" Archibald cực kì hiệu quả ở cả khả năng ghi điểm và kiến tạo.
Nếu đã từng xem qua bộ phim "Glory Road" kể về HLV Don Haskins, thì hẳn người hâm mộ sẽ phải ngạc nhiên khi biết Nate "Tiny" Archibald chính là học trò của HLV huyền thoại này chỉ 1 năm sau những sự kiện trên phim. Archibald chỉ cao 1m85 và ông không được đánh giá quá cao ở kì NBA Draft năm đó, khi mà Bob Lanier, Pete "Pistol" Maravich và Dave Cowens giành quá nhiều sự chú ý.
Cincinnati Royals (tiền thân của Sacramento Kings) lựa chọn Archibald ở vị trí thứ 19 và anh nhanh chóng trở thành một cầu thủ tấn công đáng sợ. 34 điểm/trận và 11.4 kiến tạo/trận ở mùa giải 1972-1973 đánh dấu lần đầu tiên và duy nhất tại NBA mà một cầu thủ dẫn đầu thống kê trung bình ở cả hai chỉ số đó.
Nate Archibald kết thúc sự nghiệp với 1 chức vô địch NBA, 6 lần thi đấu All Star và được Sacramento Kings treo vĩnh viễn chiếc áo số 1. Ông được đề cử vào "Ngôi đền Danh vọng" vào năm 1991.
5. Dennis Johnson (Seattle SuperSonics) - Pick 29 năm 1976
Cầu thủ bị đánh giá thấp nhất mọi thời đại - Dennis Johnson.
Cố cầu thủ Dennis Johnson gần như không được các nhà tuyển trạch ở NBA chú ý đến vào năm 1976. Nhờ kĩ năng phòng ngự thiên bẩm, ông dần chiếm được vị trí chính thức tại SuperSonics qua từng mùa bóng, đồng thời có một chức vô địch NBA vào năm 1979 cùng với danh hiệu Finals MVP.
Johnson mất thêm 2 năm nữa ở Phoenix Suns nhưng cũng giống như khi ở SuperSonics, ông thường hay có sự xung khắc với HLV của mình. Suns quyết định trao đổi ông đến Boston Celtics vào mùa Hè năm 1983. Ông kết hợp với Larry Bird, Robert Parish và Kevin McHale giúp Celtics tạo thành một thế lực ở Miền Đông và trải qua 7 mùa giải tại đây trước khi giải nghệ.
Dennis Johnson có tổng cộng 3 chức vô địch NBA, 5 lần tham dự All Star, 6 lần lọt vào "Đội hình Phòng ngự của năm". Số 3 của ông sẽ mãi mãi bay cao ở sân TD Garden bởi những đóng góp của ông cho đội bóng. Danny Ainge gọi ông là "Cầu thủ bị đánh giá thấp nhất mọi thời đại".
Dennis Johnson qua đời ngày 22 tháng 02 năm 2007 sau một cơn đau tim.
4. Clyde Drexler (Portland Trail Blazer) - Pick 14 năm 1983
Nếu không có Michael Jordan, Clyde Drexler chính là SG xuất sắc nhất trong thế hệ của mình.
Clyde Drexler cùng với Hakeem Olajuwon là một cặp đôi đáng sợ của Đại học Houston Cougars trong giai đoạn 1981 - 1983. Với bảng thành tích như vậy, nhiều người đã đặt ra nghi vấn tại sao Drexler chỉ được lựa chọn ở vị trí thứ 14 ở kì NBA Draft năm đó.
Drexler trải qua một mùa giải tân binh không mấy nổi bật, nhưng nhanh chóng vươn tầm trở thành một ngôi sao hàng đầu trong những năm sau đó. Nếu Michael Jordan mặc định là SG vĩ đại nhất thời ấy, thì sẽ không ai dám tranh vị trí số 2 với ông. Tuy vậy, sau 12 năm cống hiến cho Blazers, ông vẫn chưa thể chạm tay vào chức vô địch NBA.
Năm 1995, ông chuyển sang Houston Rockets, kết hợp với người đồng đội cũ năm nào là Hakeem Olajuwon để có chiếc nhẫn đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Drexler có 10 lần tham dự All Star, ghi trung bình 20.4 điểm/trận trong toàn sự nghiệp. Số áo 22 của ông được treo bởi tận 3 đội bóng là Blazers, Rockets và cả đội bóng rổ của Đại học Houston.
3. Alex English (Milwaukee Bucks) - Pick 23 năm 1976
Alex English là một tay ghi điểm đáng sợ.
Mặc dù có một bảng thành tích Đại học rất ấn tượng, nhưng ông không thể cạnh tranh được với những John Lucas, Scott May, Adrian Dantley hay Robert Parish. Bucks lựa chọn ông ở vị trí thứ 23 và sau 2 mùa giải tại đây cũng như 2 năm sau đó ở Indiana Pcaers bị sử dụng không đúng cách, English bị đổi sang Denver Nuggets vào năm 1980.
Ngay lập tức, English vươn mình trở thành một trong những cỗ máy ghi điểm hàng đầu của NBA. 12 mùa bóng ở Denver, ông có trung bình 25.9 điểm/trận cùng hiệu suất ghi điểm lên đến 51%. 8 lần tham dự All Star, đứng thứ 18 trong danh sách ghi điểm mọi thời đại ở NBA. Điều nuối tiếc lớn nhất là ông không thể có chức vô địch NBA trong sự nghiệp của mình.
Denver Nuggets đã lưu giữ mãi mãi chiếc áo số 2 của ông như một sự tri ân. English được đề cử vào "Ngôi đền Danh vọng" vào năm 1997.
2. Kobe Bryant (Charlotte Hornets) - Pick 13 năm 1996
Kobe Bryant, một huyền thoại, một biểu tượng của làng bóng rổ thế giới.
Ở mùa Hè năm 1996, đa số các tuyển trạch viên đều không chú ý đến một cậu bé 17 tuổi đến từ Lower Merion dù cậu sở hữu một bảng thành tích ấn tượng ở cấp độ trung học. Jerry West lại có suy nghĩ ngược lại, ông rất ấn tượng với cậu bé này và quyết định đề nghị Charlotte Hornets lựa chọn cậu ấy ở vị trí thứ 13, đổi lại họ sẽ được trung phong Vlade Divac, một cầu thủ khá giỏi thời điểm ấy.
Hornets liền gật đầu không do dự. Kobe Bryant được xướng tên ở vị trí thứ 13 và ngay lập tức anh được chuyển đến Los Angeles Lakers cho mùa giải tân binh của mình. Phần còn lại là lịch sử.
20 năm trung thành với chỉ 1 màu áo, 5 chức vô địch NBA, 2 danh hiệu Finals MVP, 18 lần tham dự All Star, 1 lần đoạt giải MVP, ghi trung bình 25 điểm/trận và đứng thứ 3 trong danh sách ghi điểm mọi thời đại của NBA và cùng với hàng loạt kỉ lục cá nhân khác của mình. Kobe Bryant không chỉ là cầu thủ vĩ đại nhất NBA trong thập niên 2000 mà tầm ảnh hưởng của anh cho giới bóng rổ là không gì có thể so sánh được.
Đối với Los Angeles Lakers, sẽ không còn một ai có thể khoác lên mình chiếc áo số 8 và 24 nữa bởi đơn giản, 2 số áo ấy gắn liền với một huyền thoại.
1. Manu Ginobili (San Antonio Spurs) - Pick 57 năm 1999
Manu Ginobili - 6th man vĩ đại nhất trong lịch sử NBA.
Với một cầu thủ đứng ở lượt lựa chọn thứ 57, sẽ chẳng một ai nghĩ rằng người này sẽ trở thành một huyền thoại nếu chưa biết đến Manu Ginobili. Chỉ thật sự thi đấu cho Spurs vào năm 2002, Ginobili không mất quá nhiều thời gian để kiếm được vị trí chính thức.
Suốt từ năm 2004 đến 2011, anh là cầu thủ chủ lực trong đội hình của HLV Greg Popovich cùng với Tim Duncan và Tony Parker. Kể từ mùa giải 2011-2012, anh chấp nhận lùi xuống vai trò 6th man (Dự bị chủ lực) nhưng tầm ảnh hưởng thậm chí còn lớn hơn nhiều lần. Ginobili giải nghệ trong màu áo Spurs vào năm 2018.
Di sản mà cầu thủ người Argentina này để lại AT&T Center là 4 chức vô địch NBA, 2 lần tham dự All Star cùng với việc được xem là cầu thủ 6th man vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử NBA.
Số áo 20 của anh cũng đã được San Antonio Spurs treo vĩnh viễn.