Kì NBA Draft 2019 hiện đang thu hút được rất nhiều sự chú ý của giới chuyên môn và người hâm mộ, bởi sự kiện này quy tụ rất nhiều gương mặt nổi bật của giới bóng rổ Đại học Mỹ trong những năm gần đây. Có thể kể đến RJ Barret, Cameron Reddish, Ja Morant, Nassir Little và đặc biệt là Zion Williamson, cầu thủ được dự đoán sẽ nằm ở Pick 1.
Thông thường, những cầu thủ nằm trong các lượt lựa chọn cao sẽ trở thành ngôi sao của giải đấu trong tương lai. Nhưng cũng không hiếm có những người gần như không thể hiện được gì nhiều, thậm chí bật bãi khỏi NBA một cách thầm lặng. Dưới đây là 10 cái tên gây thất vọng nhất ở các kì NBA Draft trong những năm vừa qua.
10. Hasheem Thabeet (Memphis Grizzlies) - Pick 2 năm 2009
Hasheem Thabeet từng được ví như huyền thoại Dikembe Mutombo.
Sở hữu chiều cao lên đến 2m21, cùng với một bảng thành tích ở Đại học khá tốt, Hasheem Thabeet được đánh giá là Dikembe Mutombo mới của làng bóng rổ thế giới. Anh được Grizzlies lựa chọn ở vị trí thứ 2 tại kì NBA Draft 2009, chỉ sau Blake Griffin.
Tuy nhiên, khi bước vào một môi trường khắc nghiệt như NBA, Thabeet gần như bị nhấn chìm hoàn toàn bởi những trung phong thấp hơn mình. Chậm chạp, khả năng xoay trở kém và bộ kĩ năng cơ bản không tốt khiến Thabeet phải rời khỏi NBA chỉ sau 7 mùa bóng với chỉ 224 trận, trung bình thi đấu 10 phút/trận, ghi 2.2 điểm/trận và 2.7 rebounds/trận.
Kì NBA Draft 2009 còn có sự góp mặt của James Harden, Stephen Curry, DeMar DeRozan cùng một loạt các cầu thủ giỏi khác như Tyreke Evans, Ricky Rubio, Jrue Holiday hay Jeff Teague.
9. Jon Koncak (Atlanta Hawks) - Pick 6 năm 1985
Jon Koncak thi đấu không xứng đáng với sự kì vọng của Atlanta Hawks.
Mặc dù là một trung phong có kĩ năng phòng ngự không tệ, nhưng việc bỏ qua cả Chris Mullin, Karl Malone, Charles Oakley và Joe Dumars trong kì Draft năm đó xứng đáng bị chỉ trích nặng nề. Jon Koncak từng kí gia hạn với Atlanta Hawks bản hợp đồng 6 năm trị giá 13 triệu USD vào năm 1989, bản hợp đồng đắt giá nhất NBA vào thời điểm ấy.
Và giá trị mà Koncak mang lại cho Hawks là 10 năm thi đấu, có trung bình 4.6 điểm/trận, 5.0 rebounds/trận.
8. Michael Olowokandi (Los Angeles Clippers) - Pick 1 năm 1998
Michael Olowokandi chỉ có khả năng phòng ngự thuộc dạng khá.
Cầu thủ có biệt danh "The Kandi Man" sở hữu chiều cao lên đến 2m13 và là một cầu thủ cực kì hữu dụng trong phòng ngự nhờ khả năng block khá tốt của mình. Nhưng sự đóng góp này chỉ thật sự hợp lý nếu anh không phải là lượt lựa chọn đầu tiên ở năm 1998. Mike Bibby ở Pick 2, Antawn Jamison ở Pick 4 đều thi đấu tốt hơn Olowokandi gấp nhiều lần. Thậm chí trong kì NBA Draft 1998 còn có Vince Carter, Dirk Nowitzki và Paul Pierce, những cầu thủ chắc chắn sẽ được vào "Ngôi nhà Danh vọng" trong tương lai.
Michael Olowokandi có trung bình 8.3 điểm/trận và 6.8 rebounds/trận trong suốt sự nghiệp NBA của mình.
7. Adam Morrison (Charlotte Bobcats) - Pick 3 năm 2006
Adam Morrison đánh mất mình vì chấn thương nhưng anh vẫn có 2 chức vô địch NBA.
Adam Morrison là cầu thủ đầu tiên mà Michael Jordan đưa về trong những ngày đầu tiên nắm quyền sở hữu Charlotte Bobcats vào năm 2006. Morrison năm ấy là một trong những cầu thủ ghi điểm khủng khiếp nhất ở NCAA với trung bình 28 điểm/trận. Anh được lựa chọn ở vị trí thứ 3, trước cả những tên tuổi như Brandon Roy, Rudy Gay, JJ Redick, Rajon Rondo và Kyle Lowry.
Sau một mùa giải tân binh đầy hứa hẹn, Morrison gặp chấn thương đứt dây chằng chéo trong giai đoạn chuẩn bị ở mùa giải tiếp theo. Anh trải qua thêm 2 năm thầm lặng ở Los Angeles Lakers trước khi biến mất khỏi NBA vào năm 2010. Morrison là một cầu thủ có tài nhưng chấn thương đã cướp đi của anh quá nhiều thứ.
Ít ra anh cũng có cho mình 2 chức vô địch trong thời gian ở Lakers.
6. Kwame Brown (Washington Wizzards) - Pick 1 năm 2001
Sự nghiệp của Kwame Brown gặp rắc rối lớn với chấn thương và scandal.
Năm 2001 là một kì NBA Draft không quá nổi về mặt truyền thông như những năm gần đó, nhưng với tư cách là Pick 1, Kawme Brown cần phải thể hiện nhiều hơn số điểm trung bình 6.6 điểm/trận trong cả sự nghiệp.
Kwame Brown có mùa giải tốt nhất trong sự nghiệp ở mùa 2003-2004 với 10.9 điểm/trận và 7.4 rebounds/trận. Brown từ chối bản hợp đồng 30 triệu USD với Wizzards ở mùa giải tiếp theo để trở thành cầu thủ tự do và kể từ đó, sự nghiệp của anh bị chôn vùi bởi chấn thương và những lùm xùm bên ngoài như ẩu đả, cáo buộc hiếp dâm và cả ném bánh kem vào người hâm mộ.
Kwame Brown từ giã NBA vào năm 2013, trong khi những Tyson Chandler, Pau Gasol, Joe Johnson, Zach Randolph và Tony Parker vươn mình trở thành những tên tuổi hàng đầu của giải đấu.
5. LaRue Martin (Portland Trail Blazers) - Pick 1 năm 1972
LaRue Martin không chịu nổi áp lực từ giới truyền thông vì phong độ kém.
Kì NBA Draft 1972 hầu như không có những cái tên nổi bật ngoại từ Bob McAdoo (Pick 2), Paul Westphal (Pick 10) và Julius Erving (Pick 12). Tuy nhiên, vẫn có những cái tên ổn định hơn LaRue Martin để Blazers có thể lựa chọn vào thời điểm đó.
LaRue Martin chỉ thi đấu đúng 4 mùa giải tại NBA, có trung bình 5.3 điểm/trận và 4.6 rebounds/trận cùng hiệu suất 41.6% dù cao đến 2m11. Những áp lực đến từ truyền thông cũng là một nguyên nhân không nhỏ khiến ông biến mất khỏi NBA kể từ năm 1976.
4. Anthony Bennett (Cleveland Cavaliers) - Pick 1 năm 2013
Anthony Bennett không để lại ấn tượng gì tại NBA trừ những pha Highlights thời Đại học.
Năm 2013 là một trong những năm mà chất lượng cầu thủ bị đánh giá rất thấp dù có rất nhiều người vẫn cố gắng trưởng thành và tỏa sáng như Victor Oladipo, CJ McCollum, Giannis Antetokounmpo và Rudy Gobert. Tuy nhiên điều đó lại không đúng với Anthony Bennett.
Anthony Bennett xứng đáng với cái mác "cầu thủ highlights" khi mà những gì anh thể hiện ở trên sân là một nỗi thất vọng toàn tập. Bennett thi đấu dựa quá nhiều vào thể hình ở Đại học và hoàn toàn bị bóp nghẹt ở môi trường NBA. Anh có trung bình 4.4 điểm/trận và 3.1 rebounds/trận, lang bạt qua 4 đội bóng trong 4 năm với số phút thi đấu hạn chế và hiện tại đang ngụp lặn ở G-League.
3. Greg Oden (Portland Trail Blazers) - Pick 1 năm 2006
Greg Oden giành phần lớn thời gian của mình trên giường bệnh.
Blazers đứng trước một sự lựa chọn khó khăn khi nắm trong tay Pick 1 vào năm 2006 và phải phân vân giữa Greg Oden và Kevin Durant. Tuy nhiên, nhiều người hẳn sẽ không trách họ khi lựa chọn Oden bởi thực chất cầu thủ này có tiềm năng rất lớn ở vị trí trung phong, nhưng anh lại làm bạn với giường bệnh nhiều hơn là cống hiến trên sân.
Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 9 năm 2007, khi Oden gặp phải một chấn thương đầu gối nghiêm trọng. Anh phải vật lộn với hàng tá chấn thương đủ loại kể từ thời điểm đó và suốt 7 năm tiếp theo ở NBA, anh chỉ có thể ra sân đúng 44 trận trước khi phải phiêu bạt sang Trung Quốc để tìm lại chính mình.
2. Darko Milicic (Detroit Pistons) - Pick 2 năm 2003
Detroit Pistons bỏ qua Melo, Wade và Bosh, những All Star tương lai để lấy về Darko Milicic.
Ở kì Draft năm đó, LeBron James được lựa chọn ở vị trí số 1. Pistons nắm lượt Pick thứ 2 và họ bỏ qua Carmelo Anthony, Chris Bosh và Dwyane Wade để chọn trung phong đến từ Serbia, Darko Milicic. Đây được xem là một quyết định khó hiểu bậc nhất trong lịch sử của NBA đến từ BLĐ Piston khi đó.
Không cần phải nói nhiều về độ hiệu quả của Milicic so với những cái tên kể trên. Suốt sự nghiệp 9 năm ở NBA, Milicic có trung bình 6 điểm/trận, 4.2 rebounds/trận trong màu áo của 6 đội bóng khác nhau. Điều an ủi duy nhất có lẽ là chức vô địch năm 2004 cùng với Pistons, năm mà Milicic cũng không có đóng góp gì đáng kể.
1. Sam Bowie (Portland Trail Blazers) - Pick 2 năm 1984
Lượt lựa chọn Sam Bowie của Blazers năm 1984 được xem là pha pick hụt lớn nhất lịch sử NBA.
Blazers xứng đáng được trao danh hiệu"đội bóng lựa chọn cầu thủ kém nhất" khi đã 3 lần xuất hiện trong danh sách này. Sau khi Akeem Olajuwon được lựa chọn ở vị trí số 1 thì họ quyết định chọn Sam Bowie với lượt Pick thứ 2. Khi nhìn lại cầu thủ ở lượt chọn thứ 3 là Michael Jordan, nhiều người sẽ rất tiếc nuối cho quyết định của Blazers bởi nếu họ bỏ qua Bowie mà đem về Jordan, hẳn thành phố Portland mới là nơi khởi nguồn của một đế chế suốt những năm 90 của thế kỉ trước.
Sam Bowie có một sự nghiệp trung bình ở NBA với 10.9 điểm/trận và 7.5 rebounds/trận trước khi quyết định giải nghệ vào năm 1995.
Ở kì Draft năm đó, đứng sau Bowie còn có Charles Barkley, Alvin Robertson và John Stockton.