Thị trường chuyển nhượng bóng đá là một sự giả dối?

HOÀNG PHƯƠNG , 07:08 08/10/2020 | Bóng đá quốc tế

Chia sẻ

Chỉ vài tháng trước, khi mà mùa giải bị gián đoạn, các ông chủ đã phải cắt giảm lương cầu thủ trong đội. Vậy thì tại sao sau đó họ lại có thể chi tiêu một cách mạnh tay như chưa hề có dịch bệnh nào xảy ra như vậy?

Như chúng ta đã thấy, dịch bệnh đã trở thành một mối đe dọa lớn với bóng đá. Nhưng giải đấu phải tạm hoãn, những sân vận động vắng bóng khán giả, những nguồn thu nhập bốc hơi và những thương vụ triệu đô rất có thể trở nên bất khả thi. Thậm chí đã có những đội bóng phải giải thể.

Giữa hoàn cảnh đó, lương cầu thủ buộc phải bị cắt giảm hoặc hoãn chi trả. Đã có một vài đội bóng đối phó tốt với tình thế khó khăn. Borussia Mönchengladbach là đội đầu tiên tuyên bố các cầu thủ sẽ không nhận lương để đội bóng có thể trả lương cho các nhân viên khác. Sau đó là một loạt những động thái tương tự từ Juventus và Barcelona.

Tuy nhiên, khi các đội bóng cho thôi việc hàng loạt nhân viên, khi mà gánh nặng về cả đạo đức lẫn tài chính đè nặng lên vai cầu thủ, họ mới tự hỏi rằng họ đang giảm lương của mình vì điều gì? Đó là vì để bảo vệ những nhân viên đang phục vụ hậu cần đội bóng hay là để bảo vệ hầu bao của các ông chủ? Những triệu phú trẻ mặc quần đùi áo số đã chấp nhận hi sinh một phần lợi ích của mình còn những vị tỉ phú làm chủ đội bóng lại không muốn làm điều tương tự.

Những rạn nứt đã xuất hiện nhanh chóng. Các cầu thủ không còn tin tưởng vào vị chủ tịch và nghi ngờ rằng khi thị trường chuyển nhượng mở cửa, tất cả những lời nói về một tình thế thiếu thốn sẽ bị lãng quên và rồi những khoản cắt giảm tiền lương cầu thủ sẽ tạo điều kiện cho ban lãnh đạo có tiền để mang về những nhân tố thay thế họ.

Nhiều tháng sau khi đại dịch nổ ra, người ta đang có một cảm giác là ngày tận thế mà các phương tiện truyền thông vẫn rêu rao như chưa hề tồn tại. Mọi thứ dần trở lại quỹ đạo ổn định. Hầu hết các đội bóng châu Âu đã thi đấu xong phần còn lại của mùa giải để không phải trả lại tiền bản quyền truyền hình.

Như một sự khích lệ lớn, mùa giải 2020-21 vẫn được khởi tranh. Bóng đá đỉnh cao vẫn hiện diện trên khắp các sân cỏ châu Âu. Mặc dù vậy, mọi thứ vẫn còn rất hỗn độn. Tuy những hậu quả về tài chính không quá khủng khiếp như dự đoán, nhưng thiệt hại vẫn rất đáng kể. Theo Hiệp hội các CLB châu Âu, 4,5 tỉ USD là con số mất mát mà bóng đá phải hứng chịu.

Thậm chí, UEFA đã phải hoàn lại một khoản tiền lên tới 680 triệu USD cho các đài truyền hình vì sự sụt giảm về số lượng các trận đấu tại Champions League và Europa League. Con số này bên phía Premier League là 212 triệu USD cho nhà đồng hành Sky Sports của họ.

Tại Anh, giám đốc điều hành của Premier League là Richard Masters cũng phát biểu với BBC rằng, các đội bóng hàng đầu nước Anh sẽ mất 900 triệu USD nguồn thu từ các trận đấu nếu như khán giả không thể trở lại sân vào mùa bóng này. Những khoản tiền khổng lồ trên như đang đưa bóng đá châu Âu trở thành biểu tượng của sự chết dần chết mòn.

Sự giả tạo của thị trường chuyển nhượng bóng đá - Ảnh 2.

Ông Richard Masters nhấn mạnh những thiệt hại mà các đội bóng Anh phải chịu

Nhưng bạn sẽ phải bất ngờ khi chuyển hướng nhìn sang thị trường chuyển nhượng. Mọi thứ như chẳng có gì thay đổi. Các đội bóng thuộc top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu đã chi ra đến 2,5 tỉ USD để "đi chợ" chỉ tính trong mùa hè này. Bên cạnh đó, lương của các tân binh và tiền lót tay cho người đại diện của họ cũng ở mức cao ngất ngưởng.

Premier League chắc chắn nằm ở top đầu. Mặc dù Tottenham đã phải vay 226 triệu USD từ Chính phủ Anh hồi tháng 6 và khẳng định số tiền này không phải để ném vào thị trường chuyển nhượng, nhưng sau cùng thì họ vẫn bỏ ra 40 triệu USD để mang về Pierre-Emile Hojbjerg và Matt Doherty.

Arsenal thì cảm thấy cần thiết phải sa thải 55 nhân viên đầu mùa hè này, trong đó có cả những người trong bộ phận tuyển trạch. Nhưng rồi Pháo thủ vẫn có thể trả cho Lille 35 triệu USD để có được chữ kí của hậu vệ Gabriel Magalhaes, đồng thời gia hạn hợp đồng với Pierre-Emerick Aubameyang và sở hữu Willian dưới dạng chuyển nhượng tự do từ Chelsea.

Sự giả tạo của thị trường chuyển nhượng bóng đá - Ảnh 3.

Arsenal gia hạn hợp đồng với đội trưởng Aubameyang đến năm 2023

Newcastle cho thôi việc khá nhiều nhân viên để rồi chi 25 triệu USD để có sự phục vụ của Callum Wilson. Ed Woodward, phó chủ tịch MU, đã nhấn mạnh sẽ không có thương vụ nào vào hè này. Sau đó thì đội bóng của ông vẫn nuôi tham vọng biến Jadon Sancho thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử nước Anh.

Tất cả những diễn biến đó dễ khiến người ta đặt câu hỏi liệu đây có phải thời điểm quá nhạy cảm khi mà COVID-19 vẫn đang hoành hành? Liệu đấy có phải sự thiếu thận trọng? Hay liệu mùa hè này có phải là một mùa hè mà mọi người vẫn nghĩ các đội bóng sẽ ngồi yên một chỗ và thắt chặt chi tiêu?

Và câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên là "Không". Từ các giám đốc điều hành đến các huấn luyện viên cho đến cả các cổ động viên, những suy nghĩ về việc kiềm chế tham vọng dù chỉ trong một mùa hè gần như không hề tồn tại trong đầu họ.

Có thể sự ổn định tài chính của Arsenal sẽ được củng cố hơn nếu họ vẫn hài lòng với vị trí trung vệ của Rob Holding. Có thể bộ máy của Arteta vẫn sẽ vận hành ổn trong mùa tới mà không cần thêm một trung vệ nào khác. Nhưng đứng im không phải là cách mà bóng đá vẫn vận hành, đây là ngành công nghiệp của sự thèm muốn hơn là dựa trên nhu cầu thực tế.

Sự giả tạo của thị trường chuyển nhượng bóng đá - Ảnh 4.

Gabriel Magalhaes được Arsenal bổ sung vào hàng phòng ngự của mình

Có thể vẫn sẽ có những đội bóng đau đầu vì tiền bạc trong thời gian tới và sẽ phải cắt giảm một phần chi tiêu của mình để thể hiện sự "khó khăn" của bản thân. Hoặc có thể là không, bóng đá vẫn sẽ mù quáng đi tiếp con đường của nó như thể rằng nó đủ khả năng vượt qua mọi cơn bão tài chính, như thể đã có những thay đổi tích cực và như thể dòng tiền vẫn đang chảy vào.

Thông qua những gì diễn ra trong thị trường chuyển nhượng lần này, thế giới đã có thể thấy được một sự giả tạo không hề nhẹ từ phía thượng tầng các đội bóng. Họ tạo cho mình những lớp vỏ bọc của sự yếu đuối, thậm chí bám vào đó để trục lợi từ chính những người dưới quyền mình và rồi vẫn cứ bạo chi khi hoàn cảnh "ép họ phải tiêu tiền" ập đến.

Ảnh: Getty