Có lẽ Olympic Tokyo 2020, sẽ là lần cuối cùng người hâm mộ thể thao tại Việt Nam chứng kiến Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Tiến Minh hay thậm chí là cả Ánh Viên nữa. Ở tuổi 47, Hoàng Xuân Vinh đến với Olympic khi Việt Nam nhận được tấm vé mời từ BTC. Nhiều người thắc mắc, tại sao không phải là một tay súng trẻ hoặc những người đang có phong độ tốt hơn mà lại là Vinh.
Nhưng người người làm chuyên môn có cái lý của mình khi lựa chọn vận động viên kì cựu này, Vinh có đủ trải nghiệm ở một đấu trường lớn, từng giành huy chương vàng tại Olympic 2016, ở độ tuổi của mình anh hoàn toàn có thể làm nên sự khác biệt. Nhưng rồi anh thất bại, anh chỉ xếp thứ 22 tại vòng loại nên không góp mặt tại chung kết.
Nhưng cũng dể hiểu thôi, ở độ tuổi của mình những vấn đề liên quan đến sinh học thể thao khiến cho anh không còn làm chủ được trạng thái tâm lý mỗi khi bước vào những loạt súng quyết định nữa. Đến đây hẳn nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, đấy chọn người trẻ hơn có phải tốt không?
Nếu các bạn biết rằng, Hoàng Xuân Vinh đã có một quãng thời gian rất dài không được tập luyện và thi đấu cọ xát để chuẩn bị cho Olympic do tình hình hình phức tạp của dịch bệnh. Thì hẳn, chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan hơn về những khó khăn của Vinh và các vận động viên của chúng ta gặp phải.
Hoàng Xuân Vinh và tay vợt Nguyễn Tiến Minh là hai vận động viên cao tuổi nhất của đoàn thể thao Việt Nam tham dự kỳ Thế vận hội lần này. Ở tuổi 38, nhìn Tiến Minh thi đấu chúng ta đã cảm nhận được dấu hiệu tuổi tác đã đè nặng nên đôi vai người đàn ông này như thế nào.
Vẫn bền bỉ, kiên trì, nỗ lực nhưng tay vợt kì cựu này đã không thể tạo nên sự bất ngờ khi nằm cùng bảng với Anders Antonsen người đang đứng ở vị trí số 3 thế giới. Việc Tiến Minh sớm dừng lại là điều có thể dự đoán được, vậy chúng ta có quá khắt khe khi chỉ trích anh sau thất bại này?
Trước khi trả lời cho điều này, thì hãy xem cách mà Liên đoàn cầu lông thế giới dành cho Tiến Minh những lời động viên thật sự đáng trân trọng ở tuổi 38 trên trang chủ của mình. Vậy thay vì buông những lời chỉ trích khắt khe, tại sao không dành cho người đàn ông này sự cảm thông. Nếu bạn đủ thời gian để tìm hiểu và biết rằng 2 năm qua Tiến Minh không gia bất kì một giải đấu quốc tế nào, phần lớn thời gian chỉ tập chay, thì hẳn bạn sẽ có suy nghĩ khác trước khi buông ra những lời bình luận đầy tiêu cực nhắm đến anh ấy.
So với hai người đàn anh, thì thất bại của Ánh Viên hẳn sẽ mang đến cho người hâm mộ ít nhiều sự thất vọng. Ánh Viên đều về cuối trong cả hai nội dung bơi mà kình ngư trẻ tuổi này tham dự. Dĩ nhiên với những người đã quen với hình ảnh Ánh Viên "chạm nước là có vàng" tại các kỳ SEA Games, thì hình ảnh kình ngư này về cuối hẳn sẽ mang đến cảm giác hơi chạnh lòng.
Nhưng nên nhớ, đấu trường Olympic khác hẳn SEA Games. Ở đó quy tụ những vận động viên hàng đầu thế giới, những người nắm giữ hàng loạt những kỉ lục lớn nhỏ khác nhau.Thì chúng ta cũng bớt nặng nề hơn về thất bại của Ánh Viên. Có lẽ bấy lâu nay việc trở thành "cỗ máy sản xuất" huy chương khiến cho nữ kình ngư này luôn gánh trên vai mình những áp lực vô cùng lớn ở mỗi giải đấu mình tham gia.
Thậm chí tại kì SEA Games 30 trước đó, dù đã mang về cho đoàn thể thao tới 6 tấm huy chương vàng nhưng nhiều người vẫn nói đó là kì SEA Games thất bại của cô gái người Cần Thơ. Có phải bấy lâu này, những kì vọng của chúng ta đang có phần nào đó mù quáng và nó dần trở nên bất công với Ánh Viên.
Dù với nhiều người, đây là một kì Thế vận hội thất bại với thể thao Việt Nam. Nhưng rõ ràng, chúng ta đã thấy được những niềm hi vọng mới từ Olympic lần này. Đầu tiên là Nguyễn Thuỳ Linh, một tay vợt trẻ lần đầu tiên được thi đấu tại tại Thế vận hội nhưng những gì cô gái này để lại thực sự khiến những người khó tính nhất cũng cảm thấy phần nào đó cảm thấy hài lòng.
Được đánh giá thấp nhất bảng đấu, nhưng rồi với sự nỗ lực của mình, Thuỳ Linh đã có 2 chiến thắng trước những người xếp trên mình trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới. Và chỉ chịu thua tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu Ying ở trận đấu mà giới chuyên môn đánh giá, nếu Linh có đủ sự trải nghiệm, lạnh lùng và một chút may mắn, cô gái quê Phú Thọ này hoàn toàn có thể tạo ra bất ngờ. Ở tuổi 23, rõ ràng Linh còn nhiều thời gian để hoàn thiện mình để có được thành tích tốt hơn trong những giải đấu sắp tới.
Một cô gái trẻ khác cũng gây ấn tượng không kém là cung thủ Ánh Nguyệt, ở một giải đấu mà cô gái có tuổi đời còn khá trẻ này chỉ đến với mục đích trải nghiệm và học hỏi thì những gì Ánh Nguyệt làm được thật sự đáng để kì vọng.
Cung thủ trẻ này mặc dù bị loại ở vòng 32 nội dung cung một dây. Ở trận đấu đó, chỉ có bản lĩnh thi đấu, kinh nghiệm và phần nào đó là may mắn mới giúp Ren Hayakawa có được chiến thắng trước Ánh Nguyệt ở loạt loạt Shoot-off, sau đó cung thủ người Nhật Bản cũng là người giành tấm huy chương đồng ở nội dung này.
Ở đường đua xanh, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng để lại rất nhiều ấn tượng tại Thế vận hội lần này, dù không được vào chung kết ở cả hai nội dung tham dự. Nhưng trên đường bơi 800m tự do, Hoàng đã xuất sắc vượt qua nhiều tay bơi để cán đích ở vị trí thứ hai, dù kết quả đó không giúp Hoàng có mặt ở chung kết, nhưng thực sự là những tín hiệu vô cùng tích cực đến từ kình ngư trẻ tuổi này.
Việc ít được tạo điều kiện có mặt ở các giải đấu quốc tế lớn, khiến cho thứ hạng và điểm số tích luỹ của các vận động viên Việt Nam thường thấp nên việc chúng ta phải đối mặt với các đối thủ mạnh thậm chí là số 1-2 thế giới ở những vòng đấu đầu tiên là như trường hợp của hai vận động viên môn Kick Boxing là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Đầu tiên là Nguyễn Thị Tâm, phải đối mặt với Krasteva Zhelyazkova tay đấm từng là á quân thế giới, vô địch châu Âu. Nhưng võ sĩ của chúng ta cho thấy mình không phải là người dễ bị đánh bại và chỉ chịu thất bại sát nút 2-3 trong trận đấu mà các tờ báo của Mỹ nói rằng, các trọng tài có lẽ đã sai lầm trong việc chấm điểm, dẫn đến trận thua đáng tiếc của Nguyễn Thị Tâm.
Giống như nữ đồng nghiệp của mình, võ sĩ Nguyễn Văn Đương dù đã thi đấu xuất sắc và vượt qua vòng 1. Nhưng việc phải chạm chán với vận động viên Erdenebat Tsendbaaatar, người từng vô địch châu Á, Asiad ở vòng 2 khiến tay đấm của Việt Nam sớm phải chia tay với Olympic.
Ở môn điền kinh, vận động viên duy nhất của Việt Nam là Quách Thị Lan cũng đang có kì Olympic đầy tiến bộ. Nhờ sự nỗ lực cộng thêm một chút may mắn, nữ vận động viên này cũng đã vào bán kết nội dung 400m rào. Dù phải dừng lại đầy đáng tiếc trong chiều mưa buồn tại Tokyo, nhưng sự nỗ lực của cô gái gốc Thanh Hoá này xứng đáng được ghi nhận.
Rõ ràng, chúng ta cũng nhìn thấy được không ít điểm sáng ở giải đấu lớn như Olympic.
Hãy ủng hộ và cảm ơn
Có một điều không thể phủ nhận là với những gì Việt Nam đang đầu tư và sở hữu, rõ ràng Olympic vẫn là một giải đấu lớn so với tầm vóc của chúng ta. Bởi ở đó, những áp lực và sự khắc nghiệt là vô cùng lớn.
Nếu bạn không có hội để trải nghiệm mà Olympic mang lại, thì hãy đọc câu chuyện về nữ vận động viên thể dục dụng cụ, niềm hi vọng số 1 của người Mỹ, ngôi sao thực sự của thể thao thế giới Simone Biles đã phải xin bỏ cuộc ở chung kết nội dung đồng đội nữ. Lí do mà cô gái này đưa ra là bởi áp lực lớn khiến cho cô không có được trạng thái tâm lí tốt nhất và Biles không muốn bản thân mình làm ảnh hưởng đến các đồng đội.
Nghe thì có vẻ hơi khó chấp nhận, phần nào đó là ích kỉ và hèn nhát nhưng nó cho thấy các vận động viên phải đối mặt với áp lực lớn như thế nào tại Olympic. Nhưng người hâm mộ tại Mỹ cũng cảm nhận được điều đó, trong bài đăng mới nhất trên trang các nhân của mình, Biles nhận được tới hơn 12.000 bình luận và chủ yếu là những chia sẻ, cảm thông, tự hào của người hâm mộ dành cho nữ vận động viên này. Nói thế để thấy, việc người hâm mộ bên cạnh chia sẻ, đồng cảm với các vận động viên ở những thời khắc thất bại là rất quan trọng đối với họ.
Các vận động viên họ ý thức được việc sau mỗi thất bại, sự thất vọng của người hâm mộ là rất lớn. Nhưng chính họ mới là những người cảm thấy đau đớn, dằn vặt nhất. Những vận động viên luôn phải đối mặt với những áp lực rất lớn, họ không ăn, không ngủ được trước khi bước vào thi đấu và điều đó còn tồi tệ gấp nhiều lần nếu họ thất bại.
Dù tinh thần luôn trong tình trạng tồi tệ, nhưng sau mỗi thất bại họ vẫn luôn dành sự tôn trọng cho các cổ động viên. Olympic vừa qua là một ví dụ, sau những thất bại, các vận động viên Việt Nam thường viết tâm thư gửi người hâm mộ của mình. Và hai từ luôn xuất hiện trong các bài viết đó là xin lỗi - cảm ơn.
Vậy với tư cách là những người hâm mộ, yêu mến họ, chúng ta nên gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực và dành cho họ sự cảm thông. Đôi lúc, trong quãng thời gian này chúng ta có dành lời cảm ơn cho các vận động viên cũng chẳng quá.
Bởi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, họ đã có những giây phút khiến chúng ta quên sự căng thẳng từ bệnh tật để hoà chung không khí vui vẻ chứng kiến lá cờ tổ quốc tung bay tại Olympic.
Thể thao là vậy, có thắng có thua, Olympic đã qua đi việc cần làm của các vận động viên là cố gắng tập luyện để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kì SEA Games sắp tới được tổ chức trên sân nhà. Còn với những người hâm mộ chúng ta, hãy ủng hộ, cổ vũ và dành cho họ những kì vọng một cách văn minh nhất.
Bạn nên quan tâm