Tấm vé dự Olympic của Judo Việt Nam không hề may mắn, đặt mục tiêu "đi xa nhất có thể"

Nguyễn Thị Thanh Thủy sẽ đại diện cho Judo Việt Nam tham dự đấu trường Olympic Tokyo 2020 sắp tới. Tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến kế hoạch tranh tài ở các giải đấu tích điểm bị hủy. Dù vậy, với sự tính toán của bộ môn và BHL, Thanh Thủy vẫn đạt được mục tiêu góp mặt tại đấu trường lớn nhất thế giới. Sau đây là một số chia sẻ của ông Nguyễn Hữu An, trưởng bộ môn Judo trước ngày lên đường sang Nhật Bản.

- Phóng viên: Xin chào ông Nguyễn Hữu An. Chỉ còn một vài ngày nữa Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra. Ông có thể tóm tắt hành trình của Nguyễn Thị Thanh Thủy đến với kỳ Thế vận hội này?

Tháng 6/2018, Thanh Thủy tham dự các giải trong hệ thống tính điểm Olympic Tokyo. Tháng 6/2020, Thủy đạt đủ điểm để dự Olympic rồi nhưng giải bị hoãn nên phải đến tháng 6 năm nay Thủy mới nhận được thông báo chính thức. Qua các giải Thủy đều tích lũy được điểm số bằng các trận thắng, giải đấu mang về nhiều điểm nhất là ở VĐTG 2019 tổ chức tại Tokyo, Thủy vào được vòng 1/32. Đáng tiếc là vì các vấn đề dịch bệnh nên Thủy không tham dự thêm được các giải tính điểm từ tháng 2/2020 đến nay. Điểm của Thủy bị tụt sâu. Dù vậy, do Triều Tiên không tham dự nên Thủy được đôn lên thứ 10 và giành vé dự Olympic.

- Ban huấn luyện có bất ngờ về việc Thanh Thủy được đẩy lên hạng 10 không? Kế hoạch tập luyện có bị ảnh hưởng vì ngày chốt danh sách khá sát với thời điểm khởi tranh?

Thực ra bộ môn đã có tính toán rồi. Việc bị tụt thứ hạng từ số 6 xuống 11 đã được tiên liệu trước. Các VĐV nước khác đều bị ảnh hưởng thôi. Mình theo dõi từng giải để nắm được điểm số và vị trí của Thủy. Đến giải châu Á được tổ chức vào tháng 4/ 2021, Thủy vẫn đứng hạng 8. Nhưng sau khi kết thúc giải Vô địch thế giới ở Hungary thì Thủy rơi xuống thứ 11. Nhưng việc Triều Tiên rút lui vì dịch đã được thông báo từ trước nên BHL không bất ngờ. Chỉ đợi 28/6 thông báo danh sách cuối cùng thì mới chắc chắn 100%.

Tấm vé dự Olympic của Judo Việt Nam không hề may mắn, đặt mục tiêu "đi xa nhất có thể"  - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thanh Thủy (giữa) thi đấu ở hạng cân 52kg nữ tại Olympic (Ảnh: N.H.A)

- Từ trước đến nay Thanh Thủy có gặp vấn đề gì khi tham dự các đấu trường lớn?

Thủy thi đấu các giải lớn thì rất là hay nhưng ở các giải nhỏ hơn thì lại chưa có thứ hạng cao nhất. Cũng có một số giải lớn đạt được huy chương, để kể ra hết thì khá khó. Còn tại khu vực thì SEA Games 2017 đoạt HCV, SEA Games 2019 chỉ có HCĐ. Nhìn chung Thủy đã tham dự nhiều giải lớn quốc tế rồi nên tâm lý không có trở ngại gì.

- Vì dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Thanh Thủy có khó khăn gì khi phải tập luyện trong môi trường khép kín?

Chuyên môn thì ai cũng gặp khó khăn. Trong môi trường, điều kiện khác nhau thì mỗi VĐV đều xuất hiện các trạng thái khác nhau. Thuận lợi là Thủy đã đồng hành cùng HLV của mình từ rất lâu rồi, HLV sẽ nắm bắt được các yếu điểm và khắc phục sớm nhất, không có vấn đề gì lớn.

Tấm vé dự Olympic của Judo Việt Nam không hề may mắn, đặt mục tiêu "đi xa nhất có thể"  - Ảnh 2.

Thanh Thủy đặt mục tiêu tiến xa nhất có thể

- BHL đã có nghiên cứu gì về các đối thủ sắp tới?

Hạng cân 52kg của nữ tại Olympic Tokyo có 29 VĐV tham dự. Đây là các VĐV xuất sắc nhất thế giới. Từ top 1 đến top 20 mặc nhiên có vé, thêm 9 suất đến từ các châu lục khác nhau. Sẽ rất khó khăn. Các đối thủ đều mạnh, như Uta Abe của chủ nhà Nhật Bản, có tiềm năng lớn sẽ đoạt HCV, hay Amandine Buchard (Pháp). Nhìn chung, với các VĐV top 20 thì Thủy đã đối đầu khoảng 5-6 người rồi, không có gì lạ lẫm cả. Nói về khả năng vào sâu thì hơi khó. Mục tiêu đặt ra cho Thủy là vượt qua vòng 1 và vòng 2, nếu lá thăm may mắn thì có thể tiến xa hơn, nhưng để đạt được huy chương thì rất khó.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

VĐV Nguyễn Thị Thanh Thủy

Năm sinh: 1993

Quê quán: Trà Vinh

Lần đầu dự Olympic.

Danh sách các VĐV dự Olympic Tokyo