Từ Beckham tới Suarez...
Trở lại năm 1998 trong kỳ World Cup được tổ chức trên đất Pháp. Đến thời điểm này, có lẽ nhiều người hâm mộ bóng đá Anh vẫn nhớ y nguyên cảnh tượng một Beckham trẻ tuổi tức tưởi rời sân vì trả đũa Diego Simeone. Lúc đó, tỉ số đang là 2-2 sau màn rượt đuổi vô cùng kịch tính. Argentina có bàn thắng ngay ở phút thứ 5 nhưng bị dẫn ngược 2-1. Trước khi hiệp một kết thúc, Javier Zanetti lập công đưa trận đấu về vạch xuất phát.
Thiếu người, Tam Sư không thể gây sức ép cho Argentina và phải chịu thua trên chấm luân lưu đầy may rủi. Thế nhưng người ta không trách những cầu thủ thực hiện hỏng phạt đền của ĐT Anh khi đó mà dồn hết sự tức giận vào David Beckham.
Tình huống Beckham bị truất quyền thi đấu.
Tờ Daily Mirror ngay sau trận đấu đăng tải một bài viết với tiêu đề "10 chú sư tử anh dũng và một thằng nhóc ngu xuẩn" để ám chỉ hành động vô cùng non nớt của Beckham. Sau hành động trả đũa Simeone, Beckham trở thành "kẻ thù" của cả một dân tộc.
Người ta đốt áo của tiền vệ này, khẳng định chỉ vì hành động của Beckham mà Tam Sư bị loại khỏi World Cup 1998. "Nếu thằng nhóc đó không hành động ngu xuẩn vậy thì đội tuyển của chúng ta vẫn có thể nuôi mộng tới cúp vàng," trích lời bình luận của một CĐV trên trang Daily Mirror vài ngày.
Một phút bốc đồng của Beckham khiến ĐT Anh chịu thiệt lớn trước Argentina. (Ảnh: GQ)
Tương tự như trường hợp của Beckham, thậm chí còn điên rồ hơn là Luis Suarez. Không những bôi xấu chính hình tượng của bản thân, tiền đạo này còn khiến Uruguay gặp vô vàn khó khăn ở vòng 1/16. Vắng đi tiền đạo nguy hiểm nhất trên hàng tấn công, đội bóng đến từ Nam Mỹ đã chịu thất thủ trước Colombia 0-2 và xách va ly về nước.
Vì hành vi cắn vào vai Giorgio Chiellini, Suarez bị giới báo chí Anh gọi là "tội đồ" của Uruguay. Vậy nhưng, chính những cây viết của xứ sở sương mù đã phải bất ngờ với cách hành xử của người dân nước này với cựu tiền đạo của Liverpool.
Sự khác biệt đến từ các CĐV
Khác với trường hợp của David Beckham, chỉ một số ít CĐV Uruguay đứng ra phê bình Luis Suarez. Trong số những CĐV ủng hộ Suarez thậm chí còn có những người đinh ninh rằng chân sút này không hề cố tình cắn vào vai Chiellini dù bằng chứng đã được đưa ra rất rõ ràng. Để hiểu rõ sự ủng hộ có phần "mù quáng" này, nhà báo Pablo Benitez đã có những chia sẻ với Sky Sports về tình yêu bóng đá khác biệt của quốc gia có số dân trên 3 triệu người.
Tình huống va chạm giữa Suarez và Chiellini.
"Từ tận đáy lòng, chúng tôi trân trọng bóng đá và coi môn thể thao này như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Bóng đá là văn hóa, cuộc sống của chúng tôi cũng như một trận đấu vậy, luôn luôn phải đấu tranh. Và vì thế chúng tôi hiểu tại sao Luis Suarez lại làm vậy," ông Benitez khẳng định.
"Hầu hết các cầu thủ của chúng tôi đều lớn lên trong gia cảnh nghèo khó. Vì thế, bóng đá là một phương tiện để mọi người có được vị thế trong xã hội, vượt qua khỏi cảnh nghèo khó. Tư tưởng này ngày càng lớn dần. Mọi cầu thủ người Uruguay đều có DNA giống nhau, đó là thi đấu đến cùng bằng tất cả khả năng của mình."
Vào kỳ World Cup năm 1962 được tổ chức tại Chile, người ta đã được chứng kiến cảnh tượng đầy anh dũng của Eliseo Alvarez. Trung vệ này, dù một chân đã bị chấn thương nặng, khẳng định mình vẫn tiếp tục thi đấu trong bối cảnh Uruguay đã hết quyền thay người. Dù không phải là một cầu thủ nổi tiếng, Alvarez vẫn trở thành một tấm gương cho mọi thế hệ cầu thủ, con dân Uruguay học theo.
So sánh trường hợp của Suarez và Eliseo Alvarez có phần khập khiễng. Nhưng không thể phủ nhận rằng cả hai cầu thủ này, dù cách biệt về tuổi tác và thời đại, đã thể hiện được tinh thần chiến đấu của người dân Uruguay.
Các CĐV Uruguay đòi lại công bằng cho Suarez trong trận đấu với Colombia. (Ảnh: Daily Mirror)
Có thể nói, người Uruguay yêu bóng đá, yêu đội tuyển của họ cũng như người Anh. Tuy nhiên, dường như họ yêu quý những cầu thủ con cưng của họ hơn cả môn thể thao này. Đơn giản là bởi họ thấy chính mình trong từng bước chạy, từng nỗ lực đi bóng và dứt điểm của các cầu thủ.
"Bạn có thể chuyền hỏng, bỏ lỡ cơ hội ngon ăn hay mắc sai lầm cơ bản. Tuy nhiên bạn không bao giờ được từ bỏ. Đó chính là Luis Suarez. Cậu ấy không phải người chơi kỹ thuật nhất, không chạy nhanh nhất nhưng có tinh thần thi đấu tuyệt vời. Chúng tôi tha thứ cho Suarez vì thấu hiểu tình yêu của cậu ấy cho bóng đá, cho đất nước này."
Lệnh cấm ngang trái của FIFA
Tình cảm của người dân Uruguay dành cho Luis Suarez là không thể đong đếm. Và dường như họ càng bảo vệ cầu thủ của mình hơn khi FIFA tuyên bố hình phạt nặng nhất lịch sử bóng đá thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Luis Suarez với hành động cắn vào vai Chiellini bị cấm mọi hoạt động liên quan đến bóng đá trong vòng 4 tháng. Ngoài ra, tiền đạo này còn bị phạt nóng 65.680 Bảng. Mức phạt "khủng khiếp" do chủ tịch Sepp Blatter ban hành đã khiến chính "bị hại" Chiellini cảm thấy giật mình.
"Tôi không hề vui hay hả hê chút nào. Những gì diễn ra trên sân đã qua thì không nên nhắc lại. Việc xử phạt của FIFA là điều khó thể tránh khỏi, tuy nhiên cá nhân tôi thấy như vậy quá nặng cho Suarez," trung vệ người Italy chia sẻ.
Án phạt được thi hành ngay sau trận đấu đó, đồng nghĩa với việc Luis Suarez chính thức nói lời chào tạm biệt với World Cup 2014. Giới truyền thông Uruguay buộc phải chấp nhận án phạt này. Tuy nhiên không ít người khẳng định Suarez chỉ là nạn nhân của quyết định mang tính phân biệt đối xử của Sepp Blatter và hội đồng FIFA.
Cựu chủ tịch của FIFA từng có ác cảm với ĐT Uruguay. Trước kỳ World Cup được tổ chức tại Mexico vào năm 1986, Uruguay bị gán mác "đội bóng chơi bạo lực" sau trận giao hữu trước chính chủ nhà Mexico, trận đấu ông Blatter được chỉ định làm trọng tài.
HÌnh phạt dành cho Luis Suarez do Sepp Blatter đưa ra là quá nặng. (Ảnh: CNN)
"Uruguay từng có một trận giao hữu với Mexico trước World Cup 1986. Đó là một kỷ niệm tệ hại, những cầu thủ trên sân không lo đá bóng mà chỉ chăm chăm phạm lỗi với nhau," theo lời kể của nhà báo Benitez.
Tuy nhiên đó chỉ là những gì đã xảy ra trong quá khứ. Uruguay hiện tại là một trong những đội bóng mạnh tại Châu Mỹ với những ngôi sao sáng trên hàng tấn công. Việc Sepp Blatter lôi "chuyện cũ" ra xét xử Luis Suarez là không công bằng một chút nào. Điều đó cũng giải thích một phần tại sao người dân Uruguay lại đón Suarez trở về như một người hùng và luôn mực bảo vệ anh đến vậy.
Luis Suarez sau đó đã trở lại ĐT Uruguay vào tháng 4/2016, ghi bàn trong trận hòa 2-2 với Brazil. Sau cuộc đọ sức đó, cựu tiền đạo của Liverpool chia sẻ: "Những gì tôi và gia đình trải qua trong quãng thời gian vừa rồi mang lại thật nhiều cảm xúc. Tôi phải gửi lời cảm ơn chân thành đến vợ, con gái, gia đình và toàn thể người dân Uruguay."
Suarez trở lại mạnh mẽ giúp Uruguay giành vé dự World Cup 2018. (Ảnh: JOGO BONITO)
Suarez được tha thứ và đã đáp trả lại sự ủng hộ của các CĐV bằng tấm vé dự World Cup năm 2018. Còn Beckham, anh suy sụp sau khi chứng kiến cả đất nước quay lưng với mình. Không ít thì nhiều, con người của tiền vệ này đã thay đổi sau sự kiện đó. Anh giành thêm vài năm chơi cho MU trước khi bất đồng với Sir Alex Ferguson và rời bỏ xứ sở sương mù.
Có thể nói, Suarez may mắn hơn người đồng nghiệp mang quốc tịch Anh mặc dù mắc phải lỗi ngớ ngẩn hơn rất nhiều. Tiền đạo của Barcelona được cả một quốc gia bảo vệ trước những quyết định bất công đến từ cơ quan bóng đá đầu não của thế giới, thay vì bị đốt áo và trở thành kẻ thù của giới truyền thông. Sau cùng, sai lầm của Suarez dẫu có khiến đội tuyển của anh bị loại khỏi World Cup nhưng cũng cho thấy sự đoàn kết và tinh thần của của cả một dân tộc.