Ở Nga có đạo luật "cấm tuyên truyền đồng tính luyến ái", người ta cấm trẻ em và mọi người cho rằng đồng tính là bình thường, đồng thời cấm các tổ chức, trang web giúp đỡ hay bảo vệ cộng đồng LGBT. Đạo luật hà khắc này đã khiến cho cuộc sống của của những người đồng tính cực kì khốn khổ.
Cần biết thêm rằng mọi hoạt động tình dục đồng giới ở đất nước này đều đã bị cấm kể từ năm 1993. Điều đó có nghĩa một khi đặt chân đến Nga, không một điều luật nào có thể bảo vệ bạn nếu mang trong mình một giới tính khác.
Có lẽ phần nhiều vì lệnh cấm này đã tồn tại quá lâu nên hầu hết người dân ở Nga đều có cái nhìn khá ác cảm với cộng đồng LGBT. Trên bảng xếp hạng thái độ "thân thiện" với người đồng tính năm 2017, Nga chỉ xếp thứ 48 trên tổng số… 49 nước châu Âu.
"Ở Nga, nếu là người đồng tính, bạn có thể bị gia đình mình giết chết".
Chắc chắn bạn không nhìn nhầm. Không phải những tay anh chị hay những kẻ kì thị người đồng tính ngoài kia, người đầu tiên giết chết bạn chính là những người bạn yêu thương nhất. Đó là cuộc sống của những người "nhỡ" mang trong mình giới tính thứ ba ở Nga – một cuộc sống bạn cần biết giữ im lặng, hoặc không, bạn sẽ chết.
Năm ngoái, một nghệ sĩ violin người Nga hiện đang theo học ở Canada, Artem Kolesov đăng tải một đoạn video công khai giới tính thật trên Youtube. Video này sau đó được chia sẻ với tốc độ chóng mặt khi chạm mốc gần 50,000 lượt xem chỉ trong ít thời gian bởi nó không chỉ là câu chuyện của Kolesov mà còn là của tất cả những người đồng tính tại Nga.
Câu chuyện của Kolesov khiến du khách đến Nga hè năm nay phải rùng mình.
Anh kể rằng thời gian ở Nga mình chưa từng nghe một lời tốt đẹp nào về người đồng tính. Tất cả đều phải giữ im lặng nếu không muốn bị căm ghét. Đơn độc, lạnh lẽo, đôi lúc Kolesov còn phải tự hỏi có phải mình là người đồng tính duy nhất ở Nga. Thậm chí, anh còn từng phải ký vào đơn chống cuộc diễu hành tự hào là người đồng tính vì sợ nếu không ký thì sẽ bị nghi ngờ.
Có những thời điểm, Kolesov còn bị trầm cảm và muốn kết thúc mạng sống mình. Mọi thứ chỉ tươi sáng hơn khi anh giành học bổng toàn phần để theo học một trường âm nhạc tại Canada, nơi người ta có thể công khai mình là người đồng tính. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Kolesov – đơn cử như người bạn gái là lesbian của anh ta. Theo lời Kolesov, áp lực từ gia đình sau khi biết con mình là người đồng tính đã khiến cô gái phải tự vẫn để giải thoát cuộc đời mình.
Bản thân Kolesov cũng hứng chịu làn sóng chỉ trích không nhỏ sau khi đăng tải video này. Rất nhiều người yêu cầu chính quyền bắt Kolesov về Nga vì đã vi phạm điều luật cấm tuyên truyền ở nước này.
Chuyện của nước Anh, chuyện của cả thế giới
Dự kiến đợt World Cup sắp tới sẽ có hàng ngàn cổ động viên Anh tới Nga để theo dõi World Cup 2018. Con số này sẽ còn lớn hơn rất nhiều nếu tính trên toàn thế giới bởi sức nóng của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Trong số rất rất nhiều người tới Nga hè năm nay, chắc chắn sẽ có không ít là người đồng tính. Điều này dấy lên nỗi lo an toàn cho cộng đồng LGBT trước thái độ không mấy thân thiện của bộ phận không nhỏ người Nga đối với họ.
Liên đoàn cổ động viên Anh (Fooball Supporters Federation – FSF) đã đưa ra lời cảnh báo cho những người đồng tính ở xứ sở sương mù đang có dự định đến Nga xem World Cup hè năm nay. FSF nhấn mạnh lệnh cấm mọi hoạt động tình dục đồng giới ở Nga đã được thực thi từ năm 1993. Điều này đồng nghĩa những người mang giới tính thứ ba sẽ không có cơ sở pháp lý hay bộ luật nào bảo vệ nếu gặp vấn đề liên quan tại đất nước này.
Nhiều tờ báo Anh cảnh báo những người thuộc cộng đồng LGBT phải cực kỳ thận trọng khi đến Nga.
FSF cho biết lời cảnh báo của họ không đồng nghĩa với việc những người đồng tính phải ở nhà xem World Cup nhưng vấn đề an toàn vẫn cần đặt lên hàng đầu. Thông báo của FSF còn cho biết thêm cờ cầu vồng không bị cấm sử dụng trong những trận đấu ở World Cup nhưng đồng thời nhấn mạnh một vài nhà hoạt động LGBT ở Nga đã bị bắt khi vẫy cờ cầu vồng trong một cuộc biểu tình gần đây.
Sau những lời cảnh báo từ phía FSF, đã có rất đông cổ động viên ở Anh biểu tình phản đối trước đại sứ quán Nga đặt tại nước này.
Có vẻ như hành động này đã khiến một bộ phận hooligan Nga cảm thấy nóng mắt. Sáng 28/5, Mirror đưa tin "Hooligan Nga tuyên bố sẽ giết sạch cổ động viên đồng tính Anh tới xem World Cup". Sự việc bị đẩy lên cao trào khi tổ chức Pride in Football, một hội cổ động viên bóng đá dành cho những người LGBT, nhận được nhiều lời đe dọa nặc danh khiến họ phải nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát. Theo phát ngôn của Pride in Football, đa số các thư nặc danh đều đe dọa sẽ săn tìm và tấn công cộng đồng LGBT trong suốt đợt World Cup tới đây.
Joe White, một nhà hoạt động của tổ chức này cho biết anh đánh giá những bức thư đe dọa ở mức cực kỳ nghiêm trọng và cảnh báo những CĐV đồng tính cần hết sức cẩn thận nếu tới Nga. Tuy nhiên, anh cũng khẳng định mình sẽ không che giấu giới tính thật ở kỳ World Cup lần này.
"Dĩ nhiên, tôi có thể không hành động như bình thường ở những nơi công cộng nhưng đó là vấn đề mà chúng ta đang nói đến ở đây", Joe White chia sẻ. "Các bạn đừng nên cư xử theo cách các bạn không muốn. Riêng tôi, tôi sẽ không níu lưỡi lại vì sợ hãi đâu. Tôi muốn tận hưởng trọn vẹn kỳ World Cup này. Nếu mọi thứ an toàn, tôi và mọi người sẽ mang thêm cả cờ cầu vồng tới sân nữa. Chúng tôi muốn cả thế giới thấy rằng: Vẫn có những người hâm mộ là LGBT và chúng tôi là một phần của bóng đá. Thật dễ dàng để che giấu nhưng trách nhiệm của chúng tôi không cho phép mình làm điều này. Hy vọng HLV và các cầu thủ cũng sẽ lên tiếng, nếu họ cảm thấy việc đó an toàn".
Nước chủ nhà và bài toán an ninh
World Cup là một dịp để quảng bá hình ảnh đất nước mình tới toàn thế giới nên có thể tạm yên tâm rằng công tác an ninh sẽ được Nga bảo đảm tối đa.
Một đạo luật liên bang đưa ra nhằm trừng phạt những người vi phạm nghiêm trọng các quy tắc ứng xử tại World Cup đã được tổng thống Putin thông qua. Đối với những hooligan mang quốc tịch Nga, mức xử phạt sẽ là 20,000 rúp hoặc giam giữ hành chính trong 15 ngày và cấm tham dự các sự kiện thể thao chính thức khác trong thời gian 7 năm.
Đối với người nước ngoài thì sẽ tạm giam 15 ngày, bị trục xuất về nước hoặc phạt 50,000 rúp đồng thời cấm tham dự các sự kiện thể thao ở Nga trong vòng 7 năm.
Cờ cầu vồng được treo ở nhiều sân vận động trên thế giới nhằm ủng hộ những người đồng tính.
Tại 11 thành phố đăng cai World Cup, Nga cũng cho lắp các camera điều khiển từ xa. Hệ thống video an ninh được lắp đặt để đảm bảo không xảy ra tình trạng bạo lực trong thời gian diễn ra vòng chung kết thế giới. Tất cả khán giả đến sân đều phải nộp đơn đăng ký "FAN ID" nhằm đảm bảo những người có liên quan đến các nhóm hooligan thường xuyên có các hành động bạo lực, phá hoại xung quanh các trận đấu bóng đá sẽ không thể vào các sân.
Ngoài ra, còn rất nhiều các biện pháp khác để đảm bảo an toàn cho các cổ động viên có thể tới Nga tận hưởng một kỳ World Cup trọn vẹn nhất.
Câu chuyện phân biệt giới tính cũng như phân biệt chủng tộc có thể sẽ được giải quyết bằng những biện pháp trừng phạt. Nhưng thực sự, đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Cái làm người ta sợ nhất không phải nỗi đau thể xác mà là nỗi đau tinh thần. Nếu tư duy khép kín về giới tính của đại bộ phận người dân Nga không thay đổi, có lẽ những du khách đến đấy cũng chẳng thể tận hưởng World Cup một cách trọn vẹn nhất – dù cho ít nhất tính mạng họ vẫn được an toàn.