Thông thường, công tác báo chí trước và trong các trận đấu cũng sẽ được AFC và các liên đoàn thành viên tạo điều kiện tối đa. Nhưng tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, để tối đa an toàn phòng chống dịch Covid-19, các phóng viên tác nghiệp cũng phải tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt và chấp nhận hy sinh nhiều mặt.
Đầu tiên là về vấn đề xét nghiệm, tầm soát dịch cho phóng viên, nhân viên truyền thông. Tại vòng loại thứ 3 diễn ra Việt Nam, phóng viên phải trải qua 3 lần xét nghiệm real time PCR, chi phí cho 1 lần khoảng gần 800.000VNĐ.
Lần này, VFF hỗ trợ các phóng viên tham gia tác nghiệp trận ĐT Việt Nam gặp ĐT Australia 3 lần xét nghiệm. Lần đầu vào ngày 6/9, trước trận 1 ngày, lần 2 lúc 22h ngày 7/9, sau khi trận đấu kết thúc và lần 3 sau 2 tuần kể từ khi trận đấu kết thúc.
Tuy nhiên, xét nghiệm đúng giờ là 1 chuyện, trả kết qủa có đúng giờ hay không lại là 1 vấn đề khác. Phóng viên hiện trường của Việt Nam khi tác nghiệp tại vòng loại thứ 2 diễn ra vào tháng 6 đã từng rơi vào trường hợp kết quả PCR đến muộn và suýt không được vào sân tác nghiệp trận ĐT Việt Nam gặp ĐT Malaysia. Tương tự, kết quả xét nghiệm sáng 6/9 của phóng viên làm tại sân Mỹ Đình cũng không trả kịp giờ để tác nghiệp buổi tập làm quen sân của 2 đội tuyển Australia và Việt Nam (điều này đã được VFF cảnh báo trước, nên một số phóng viên đã đi làm dịch vụ xét nghiệm ở các bệnh viện bên ngoài).
Sau đó là đến vấn đề họp báo. Lần đầu tiên họp báo trước trận của 1 trận đấu tại sân nhà Mỹ Đình của đội tuyển Việt Nam phải diễn ra theo hình thức trực tuyến. Theo khuyến cáo của AFC, các buổi họp báo sẽ được tổ chức theo hình thức này bất cứ khi nào có thể. Nếu bắt buộc phải tổ chức trực tiếp tại phòng họp báo, cần phải đảm bảo giãn cách giữa các phóng viên, lối ra vào triển khai 1 chiều, đảm bảo thông thoáng phòng họp, khử trùng đầy đủ (đặc biệt là mic),...
Trong buổi tập làm quen sân của các đội trước trận đấu 1 ngày, các phóng viên cũng được sắp xếp ngồi rất xa, trên các khán đài mà không được đến gần sân. Trong ngày diễn ra trận đấu, chỉ có các phóng viên ảnh và người vận hành máy quay truyền hình mới được lại gần khu vực sân. Trong điều kiện bình thường, VFF cho phép 35 phóng viên ảnh và 20 phóng viên viết tham gia các trận đấu tại sân Mỹ Đình.
Các phóng viên cũng có thể hoạt động linh hoạt, kiêm nhiệm từ báo viết đến báo ảnh. Tuy nhiên, AFC đã yêu cầu chỉ cho phép 30 phóng viên ảnh và 11 phóng viên viết được hoạt động trong trận này, hơn nữa phải theo đúng quy định chuyên nghiệp, tức là "ai làm gì thì làm nấy, viết là viết, ảnh là ảnh". Việc này sẽ khiến các tòa soạn, đơn vị truyền thông gặp khó trong việc phân bổ nhân sự.
Với báo viết, khu vực tác nghiệp trên khán đài cũng sẽ tuân thủ nghiêm quy tắc phòng dịch, ghế ngồi được chỉ định sẵn và nghiêm cấm tụ tập. Với báo ảnh, AFC tổ chức bốc thăm vị trí tác nghiệp quanh sân - 1 cách làm công bằng, nhưng những phóng viên kém may mắn sẽ phải ngồi ở những vị trí xấu, thường là xa khung thành (ví dụ như khán đài). Trong suốt trận đấu, các tay máy cũng phải giữ khoảng cách với nhau và với các bộ phận khác (nhặt bóng, nhân viên bảo trì,...), ghế ngồi cũng sẽ được khử khuẩn.
Thường thì với các trận đấu của những đội top đầu như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc,...lực lượng phóng viên, truyền thông đi cùng là rất hùng hậu. Nhưng lần này, theo 1 số nguồn, chỉ có khoảng 2-3 phóng viên Australia có thể nhập cảnh vào Việt Nam. Ngoài ra có 1 yếu tố lần đầu xuất hiện là VAR. Một số nhân viên truyền hình có trách nhiệm kết hợp hỗ trợ tổ trọng tài VAR và các quan chức cũng đã gia nhập bong bóng từ vài ngày trước trận đấu.
Trận đấu giữa tuyển Việt Nam và tuyển Australia diễn ra trong 1 bối cảnh vô cùng đặc biệt. Đây là lần đầu tiên 1 trận đấu của ĐT Việt Nam trên sân Mỹ Đình không có khán giả. Bên cạnh đó là hàng loạt các quy định chặt chẽ nhằm đáp ứng yêu cầu của AFC. Trận đấu lúc 19h00 tối nay sẽ không chỉ mang ý nghĩa bóng đá thuần túy, mà còn để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về công tác tổ chức.
Bạn nên quan tâm