Định nghĩa chuyên nghiệp và nghiệp dư trong ngành thể thao đối kháng trên thế giới chỉ chứng tỏ duy nhất một điều: Hình thức thi đấu. Ngoài ra, chúng không phải là bảo chứng cho trình độ như nhiều người lầm tưởng. Sự thật về nhà nghề qua bài viết này có thể sẽ khiến nhiều người vỡ mộng.
Tại sao có những võ sĩ vô danh dù lên chuyên nghiệp đã lâu vẫn chưa đủ trình độ để bước vào Olympic? Tại sao lại có những tay đấm chỉ cần đưa bảng thành tích nghiệp dư là ngay lập tức được hưởng tranh đai chuyên nghiệp sớm như Lomachenko?
Có rất nhiều câu hỏi khiến người hâm mộ võ thuật phải thắc mắc. Tất cả những câu hỏi trên đều bắt nguồn từ việc hiểu lầm về tính chất của "chuyên nghiệp" và "nghiệp dư".
Hãy xét theo định nghĩa quan trọng dưới đây về 2 hình thức chuyên nghiệp và nghiệp dư. Ở trình độ nghiệp dư, các võ sĩ hoạt động dưới dạng "làm công ăn lương". Họ tập luyện theo một đội nhóm hoặc một tổ chức (thường là nhà nước) để thi đấu theo các hệ thống giải đấu thuộc liên đoàn trong nước và quốc tế.
Lúc này, những chế độ như bảo hiểm xã hội, lương tháng, trợ cấp... của võ sĩ đều là do nhà nước chi trả. Họ chỉ cần còn thuộc biên chế thì dù họ có đấu kém hay đấu tốt vẫn sẽ được nhận lương đều hàng tháng và các khoản thưởng khác theo quy chế.
Trái với võ sĩ nghiệp dư, võ sĩ chuyên nghiệp giống như những nhân công đã quá chán nản với những công việc lặp lại, họ ra riêng để theo đuổi những mục tiêu lớn hơn. Từ khoảnh khắc một võ sĩ quyết định rời khỏi chế độ nghiệp dư cũng là lúc họ phải tự chi trả các hóa đơn, viện phí, chi phí huấn luyện, tiền cáp trận và ti tỉ những thứ khác.
Hãy xem việc là võ sĩ nghiệp dư giống như một nhân viên văn phòng của một công ty lớn (nhà nước). Tại đây, bạn chỉ cần làm đúng, đủ những nhiệm vụ hàng ngày là đã có thể yên tâm cuối tháng lĩnh lương về nhà.
Trong khi đó, ở thị trường võ sĩ tự do, những tay đấm chuyên nghiệp đang phải đấu tranh cật lực để kiếm tiền trang trải hàng tháng. Chỉ một số ít người đủ tài năng và may mắn thật sự mới có thể tìm được một đối tác khủng (ông bầu như Eddie Hearn, Bob Arum...) hợp tác đầu tư.
Ngoài ra, mức thu nhập theo trình độ cũng thật sự rất chênh lệch. Mức thu nhập của Mayweather có thể lên đến hàng trăm triệu đô la một trận, nhưng mức thu nhập của một nhà vô địch thế giới nằm ngoài top 5 đôi khi chỉ chưa đến 300.000 đô la.
Có thể tóm tắt như sau: Nếu ở trong đội tuyển, bạn không cần phải là kẻ giỏi nhất, bạn vẫn sẽ đủ ăn. Khi đã lên chuyên nghiệp, bạn sẽ phải tự lo tất cả và chỉ bắt đầu kiếm được bộn tiền khi đã lên được Top 5.
Một điều đáng lo ngại ở thị trường này chính là tính may rủi của chúng cao hơn hẳn so với các ngành nghề khác. Điển hình có thể kể đến việc nhiều tay đấm may mắn như Michael Page của Bellator liên tục được giải MMA khổng lồ này ưu ái cho các trận đấu dễ dàng. Một võ sĩ đã trên 30 tuổi, ngôi sao của Bellator nhưng chỉ đấu với các võ sĩ top 20 trở xuống và ngã ngựa ngay với những tên tuổi lớn.
Không chỉ ở những giải đấu như Bellator mới có tình trạng ưu ái ngôi sao. Rất nhiều hệ thống giải đấu nhỏ trên thế giới cũng xảy ra trường hợp này. Một số thì khéo léo hơn Bellator và tạo ra những "fake champs" có sức ảnh hưởng thật sự.
Ở trong phim "Million Dollar Baby" có một trích đoạn rất hay khi nữ chính Maggie liên tục giành chiến thắng áp đảo các đối thủ. HLV Frank kiêm ông bầu nghèo đã phải đến bên cô và nói: "Cô đánh khiếp quá, tôi không thể kiếm cho cô được một trận đấu nào cả. Cô cần phải chậm lại một chút".
Vấn đề ở đây là vì Maggie chưa có đủ tên tuổi để đối đầu với các tay đấm lớn và kiếm nhiều tiền. Nhưng ở các đấu trường nhỏ hơn thì các đối thủ đã cạch mặt cô vì ngao ngán. Điều này dẫn đến nghịch lý: "Maggie cần đấu nhiều để tạo tiếng tăm cho những trận lớn. Nhưng Maggie không thể đấu được các trận đấu nhỏ nữa do đã bị cạch mặt."
Vấn đề kể trên thậm chí còn xảy ra kinh khủng hơn nữa ở những quốc gia có nền võ thuật chưa phát triển. Do fighter pool chưa đủ lớn cũng như truyền thông chưa đủ sâu về bộ môn, gần như các giải đấu tư nhân tại các quốc gia này hoàn toàn nắm trong tay khả năng cáp trận và tạo ra hàng loạt những "Michael Page" – những fake champs hoàn toàn không có đủ trình độ hay bản lĩnh để tạo ra những superfight kích thích bộ môn phát triển.
Việc chọn trở thành võ sĩ ở những quốc gia này được xem là cửa tử cho sự nghiệp thi đấu nhà nghề. Một là bạn sang những quốc gia như Anh, Mỹ để theo đuổi sự nghiệp thi đấu chỉn chu như cách mà Pacquiao, Donaire đã từng làm, hoặc là bạn sẽ phải chấp nhận bị đối xử bất công (nếu bạn có tài). Hoặc là chấp nhận trở thành một fake champion nếu bạn có một mối quan hệ tốt.
Bạn nên quan tâm