Nghệ thuật đối kháng: Rốt cuộc là tấn công và phòng thủ, cái nào quan trọng hơn

Khôi Nguyên , 10:07 22/02/2021 | Võ thuật

Chia sẻ

Trong thi đấu võ thuật đối kháng, cả tấn công và phòng thủ đều là những kỹ năng tiên quyết để đảm bảo chiến thắng cho võ sĩ. Tuy nhiên, giả sử nếu chỉ được chọn lựa 1 kỹ năng và khuyết hoàn toàn kỹ năng còn lại, bạn sẽ chọn kỹ năng nào? Bài viết này sẽ giải đáp điều đó.

Tấn công và phòng thủ trong hệ thống thi đấu

Trước nhất, hãy thử xét đến mục tiêu của các kỹ năng trên. Đầu tiên, tấn công là kỹ năng cần có để ghi điểm trong trận đấu. Bất kỳ môn thể thao nào trên thế giới cũng mong muốn đưa các đội thi đấu vào thế tấn công để tạo sự giải trí cho khán giả. Bên cạnh đó, tấn công cũng là yếu tố để xét thắng bại.

Với bóng đá, tấn công là để khi bàn, với võ thuật, tấn công là để hạ gục đối thủ hoặc chiếm ưu thế trên bảng điểm. Tóm lại, tấn công là phương tiện để giành ưu tiên trên điểm số trước đối thủ.

Nghệ thuật đối kháng: Rốt cục là tấn công và phòng thủ, cái nào quan trọng hơn - Ảnh 1.

Trong thể thao và võ thuật, tấn công là phương tiện để giành chiến thắng

Ở mặt phòng thủ, đây lại là yếu tố bảo toàn chiến thắng hoặc bảo toàn cơ hội. Phòng thủ giúp bạn hạn chế được các thương tích hoặc rủi ro thất bại. Một đội bóng phòng thủ tốt sẽ khó bị ghi bàn hơn một đội bóng tấn công tốt. Một võ sĩ phòng thủ tốt sẽ khó bị đánh trúng hơn một võ sĩ tấn công tốt.

Tuy nhiên, ở mọi môn thể thao, điểm số và chiến thắng đều là do tấn công đem lại. Tuyệt nhiên chẳng có một môn thể thao nào lại chấm điểm phòng thủ. Trong võ thuật, những cú đấm, đá, vật đem lại điểm số cho võ sĩ trong khi những kỹ thuật đỡ, né, tránh chỉ đảm bảo cho võ sĩ không bị no đòn. Do đó, có thể nói rằng tấn công chiếm ưu thế lớn hơn ở trên hệ thống chấm điểm của võ thuật.

Nghệ thuật đối kháng: Rốt cục là tấn công và phòng thủ, cái nào quan trọng hơn - Ảnh 2.

Những cú đấm mới tạo ra điểm số chứ không phải những trò lách né phòng thủ

Thế giới có rất nhiều võ sĩ nổi tiếng chỉ độc một kỹ năng tấn công như Earnie Shavers, Deontay Wilder, Diego Sanchez, Clay Guida… Tuy nhiên, số lượng võ sĩ thành danh với duy nhất kỹ năng phòng thủ là con số 0 tròn chĩnh.

Nghệ thuật đối kháng: Rốt cục là tấn công và phòng thủ, cái nào quan trọng hơn - Ảnh 3.

Nhiều võ sĩ vẫn thành danh dù khuyết kỹ thuật phòng thủ

Tấn công và phòng thủ trong hệ thống chiến thuật

Rất nhiều võ sĩ non nghề, tự tin rằng họ sinh ra là để thuộc về một lối đánh nào đó. Đó có thể là lối đánh mà họ yêu thích, đó có thể là lối đánh của thần tượng,... nhưng có một sự thật không thể chối cãi, đó là khi bước vào bất kỳ một môn thể thao đối kháng nào, tấn công chủ động luôn là khởi đầu ổn định hơn hẳn phòng thủ thụ động.

Khi chủ động, bạn là người nắm giữ nhịp độ, thời gian và khoảng cách, trong khi đó, ở thế bị động, bạn chờ đối thủ ra đòn và bạn trả lời. Nói cách khác, khi chọn lối đánh thụ động, bạn bị lệ thuộc vào những nước đi của đối thủ.

Những cú KO ấn tượng nhất năm 2020 đều diễn ra ở vị trí bị ép gần dây đài hoặc trong góc. Các đối thủ bị knock đều ở trạng thái thụ động.

Tấn công và phòng thủ trong hệ thống huấn luyện

Khi xét đến huấn luyện, thật khó để đưa ra một nhận định vừa lòng tất cả mọi người. Phần vì muốn đáng tin thì phải có con số. Muốn có con số thì phải có thiết bị, máy móc đo đạc, những thứ vốn không có sẵn… và nếu có thì cũng chẳng ai công khai.

Tuy nhiên, theo như nhận định cá nhân từ phía người viết, tấn công là tiền đề trong việc huấn luyện các võ sĩ mới.

Ban đầu, các võ sĩ khi chưa hình thành được phản xạ và kỹ năng thường có xu hướng đánh "bơi sải" hoặc cực kỳ nhát đòn. Cả hai tật xấu này đều có thể dễ dàng được khắc phục qua thời gian thi đấu cọ xát nhiều hơn. Tuy nhiên, còn một vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến võ sĩ thi đấu nhưng lại chẳng dễ nhận biết: mindset thi đấu.

Nghệ thuật đối kháng: Rốt cục là tấn công và phòng thủ, cái nào quan trọng hơn - Ảnh 5.

Việc chú trọng phòng thủ hoặc tấn công trong buổi đầu sự nghiệp có thể định hình nên mindset thi đấu của võ sĩ

Một số võ sĩ thi đấu với mindset sẵn sàng đổi đòn xanh chín với đối thủ để giành chiến thắng, nhưng cũng có những võ sĩ luôn chuẩn bị tinh thần làm sao cho bản thân ít lãnh hậu quả thi đấu nhất. Nhìn qua thì thấy rằng mindset này chỉ là những tư tưởng thi đấu khác nhau mà thôi. Dù vậy, nếu đặt tình huống là thời gian đầu sự nghiệp, mindset "sợ ăn đòn" sẽ khiến võ sĩ khó mà tiến bộ.

Sự phức tạp của mindset trong thời đầu sự nghiệp

Nói đến mindset "sợ ăn đòn" của các võ sĩ non nghề, thông thường những võ sĩ trẻ trong khoảng đầu thời gian thượng đài mà đã có tư duy ngán ăn đòn thì sẽ dần hình thành khiếm khuyết về lâu dài khiến họ đánh mất cơ hội chiến thắng. Bởi lẽ, các giải đấu võ thuật nghiệp dư trên thế giới đều có những bộ luật khắt khe đòi hỏi các VĐV phải thi đấu cống hiến. Mindset "sợ ăn đòn", "sợ thua" chính là một cục tạ kéo sự nghiệp của các VĐV này hụp lặn trong thời gian định hình kỹ năng.

Chưa kể đến việc, khi đã quen với lối tập luyện thiên về phòng thủ, các võ sĩ thường có xu hướng sẽ thi đấu càng tiêu cực hơn. Trong một trận đấu, đôi khi vì quá tiêu cực mà các võ sĩ bỏ qua những cơ hội trả đòn sắc bén để lấy ưu thế. Giả sử, nếu nhận ra điều này, các võ sĩ ấy có thể trở về nhà và tập luyện để trở nên "hăng" hơn một chút. Dù vậy, để bắt một kẻ không thích ăn đòn phải chấp nhận ăn đòn lại không phải là một quá trình dễ dàng.

Floyd Mayweather thời trẻ cũng thi đấu rất chủ động trước khi anh trở thành bậc thầy phòng thủ.

Trong khi ở các võ sĩ thuần tấn công, các HLV sẽ dễ dàng áp cho họ chiến thuật phòng thủ hơn. Và trong những khoảnh khắc thi đấu xuất thần, họ có đủ can đảm để thực hiện những cú đổi đòn chiến thuật, giúp họ chiếm ưu thế cao hơn.

Hãy tưởng tượng đấu võ cũng như một ván cờ, một cờ thủ dám thí quân sẽ dễ tạo ra những chuyển biến sắc xảo hơn so với những cờ thủ chuyên đổ bê tông. Không chỉ vậy, nếu ép các cờ thủ chuyên phế quân phải chơi an toàn, họ cũng sẽ dễ thích ứng hơn so với việc bắt các cờ thủ chuyên đổ bê tông phải chơi thí.

Đương nhiên, dù việc thí quân dễ đem đến chiến thắng cũng như chiến bại, nhưng nó vẫn có cơ may chiến thắng cao hơn so với một cờ thủ tiêu cực chỉ biết kéo sĩ chống tượng.

Lưu ý: xin đừng nhầm lẫn giữa phòng thủ tiêu cực với phòng thủ phản công. Một bên là không dám tấn công còn một bên là chực chờ sơ hở.

Nghệ thuật đối kháng: Rốt cục là tấn công và phòng thủ, cái nào quan trọng hơn - Ảnh 7.

Thí quân có thể đem đến chiến thắng nhưng cũng có thể đem đến chiến bại, duy chỉ có phòng thủ là chắc chắn chỉ đem đến kết quả từ hòa đến thua cuộc.

Võ thuật nghiệp dư - nơi khởi đầu của mọi võ sĩ đều khắt khe với phòng thủ

Lấy ví dụ từ Boxing, thể thức nghiệp dư đã được nâng tầm lên cấp thế giới với điển hình là sân chơi Olympic Boxing. Trong bộ luật Boxing AIBA mà Olympic thông qua, phần lớn các yếu tố được xem là "chiến thuật" ở Boxing nhà nghề khi bước vào AIBA đều bị đánh giá là "không tích cực", "tiểu xảo"… Hãy thử điểm qua các điều sau:

Bộ luật AIBA Boxing cho rằng:

- Cú đấm hợp lệ là cú đấm có mặt tiếp xúc là mặt nắm đấm, ngoài ra các cú đấm có mặt tiếp xúc là bàn tay, mu bàn tay, cạnh bàn tay... đều là không hợp lệ và là LỖI.

- Ôm ghì, đẩy đối thủ là LỖI

- Cúi thấp dưới thắt lưng đối thủ là LỖI

- Phòng thủ tiêu cực: Nghĩa là phòng thủ không trả đòn, cố tình té ngã để tránh đòn, chạy mà không trả đòn sau 3 bước, quay lưng... là LỖI.

Trong khi đó, ở boxing nhà nghề, bộ luật của Boxing có tính cởi mở hơn hẳn. Các kỹ thuật như cúi thấp, các cú vẩy jab, ôm ghì vẫn không thực sự được coi là lỗi.

- Chuyện phòng thủ tiêu cực trong nhà nghề cũng chỉ là tiền đề cho trọng tài can thiệp hoặc dừng trận đấu chứ không phải là LỖI.

- Chực chờ counter tiêu cực trong nhà nghề chỉ khiến mất điểm hiệp đấu chứ KHÔNG PHẢI LỖI

- Cúi thấp KHÔNG PHẢI LỖI

- Các kỹ thuật đấm miễn có mặt tiếp xúc là găng KHÔNG PHẢI LỖI.

Nghệ thuật đối kháng: Rốt cục là tấn công và phòng thủ, cái nào quan trọng hơn - Ảnh 8.

Có lẽ vì chưa kịp làm quen trở lại với luật AIBA sau khi giành đai WBA, Trương Đình Hoàng đã tận dụng chiến thuật ôm ghì tỉa điểm khá nhiều dẫn đến thất bại đầy đắng cay tại chung kết SEA Games 30

Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, một võ sĩ có mindset thi đấu sợ đòn trước nhất sẽ thất thế trong các giải đấu nhỏ đầu sự nghiệp. Và nếu không thể thành danh ở các giải đấu nhỏ, làm sao họ có cơ hội tiến xa hơn trên đấu trường thế giới?

Kinh nghiệm chinh chiến của những võ sinh non nớt

Khi mới bắt đầu tập Boxing, sự tỉnh đòn, khả năng ra quyết định, đọc tình huống của võ sĩ gần như bằng 0. Ở trình độ này, người võ sĩ chỉ có thể đánh theo bản năng, người có tố chất thì sẽ biết đánh theo tiếng nói của HLV. Còn lại, kỹ năng tư duy trên đài là hoàn toàn khuyết.

Như vậy, để thi đấu tốt với một cái đầu trống rỗng, người võ sinh mới cần phải dùng chiến thuật "phủ đầu" để khiến đối thủ hoang mang. Và với yếu tố may mắn, người võ sinh mới vẫn có thể đánh trúng được nhiều đòn đánh chất lượng. Điều cần thiết trong khâu huấn luyện khởi đầu chính là phải chuẩn bị thật tốt thể lực và các combo cho võ sĩ sử dụng.

Nghệ thuật đối kháng: Rốt cục là tấn công và phòng thủ, cái nào quan trọng hơn - Ảnh 9.

Những võ sinh non nớt cần phải "chịu ăn đòn" và "ra đòn" trước khi biết cách "tránh đòn"

Thế giới không thiếu những võ sĩ đã đưa lối đánh thụ động lên đỉnh cao. Dù vậy, để bắt đầu với Boxing hay bất kỳ một môn võ nào khác, đừng lấy sự thụ động làm nền tảng bắt đầu.

Lối đánh thụ động thật ra không hề thụ động

Bạn có thể nghe rất nhiều câu nói đại loại như: "Mình phòng thủ tốt thì nó không đánh được đâu", "Nó đánh nhiều nó mệt rồi mình mới đánh", "Bạn không thể đánh nếu bạn không biết đỡ",... và còn rất rất nhiều những câu nói khác cổ vũ cho lối đánh thụ động ở Boxing. Đó hoàn toàn là những ý kiến chính xác, nhưng cũng là những câu nói nước đôi và không có giá trị thực tế trong giảng dạy.

Trên thực tế, để có thể chơi tốt lối thụ động, bạn phải có kinh nghiệm đọc đối thủ, đọc trận đấu, đọc tình huống,.... Bên cạnh khả năng đọc hiểu những gì đang diễn ra, một võ sĩ chọn lối chơi thụ động càng cần phải có khả năng ra quyết định thật nhanh và chính xác. Trong khoảng thời gian chưa đầy một giây đồng hồ, những võ sĩ chơi lối thụ động đã phải có câu trả lời chính xác cho những hành động của bản thân và đối thủ.

Nghệ thuật đối kháng: Rốt cục là tấn công và phòng thủ, cái nào quan trọng hơn - Ảnh 10.

Để có thể thi đấu thụ động tích cực, võ sĩ cần phải có trình độ rất cao

Ngoài ra, để đảm bảo được đối thủ sẽ tấn công theo đúng hướng mà võ sĩ thụ động muốn, những tay đấm này buộc phải biết cách bẻ gãy nhịp tấn công của đối thủ cũng như biết nhấp nhả, ra đòn để giữ quyền kiểm soát thế trận. Nói theo một cách khác, những võ sĩ theo chiến thuật thụ động chính là những bậc thầy chiến lược của Boxing.

Họ nhập trận với tâm thế và tư duy không khác gì Gia Cát Lượng trên chiến trường. Đương nhiên, để có thể hiểu chiến trường như Gia Cát, bạn phải học thầy giỏi và có dịp được mài giũa kỹ năng của bạn. Và điều này cần có thời gian, rất nhiều thời gian.